TTO - Sau nhiều ngày im lặng, Mark Zuckerberg lên tiếng thừa nhận đã phạm sai lầm trong vụ rò rỉ thông tin 50 triệu người dùng trong vụ bê bối Cambridge Analytica.
Mark Zuckerberg giải thích Facebook cũng phạm sai lầm trong vụ bê bối - Ảnh: Reuters
Trong tuyên bố đầu tiên kể từ khi nổ ra vụ bê bối, nhà sáng lập Facebook thừa nhận đã "bội tín với những người đã chia sẻ thông tin và mong chúng tôi sẽ bảo vệ nó".
"Chúng tôi có trách nhiệm bảo vệ dữ liệu của các bạn và nếu không thể thì chúng tôi không xứng đáng phục vụ các bạn" - ông Zuckerber viết, nhưng cho rằng "chúng tôi cũng phạm sai lầm".
Bê bối mang tên "Cambridge Analytica" đã gây tổn thất vô cùng khủng khiếp tới uy tín của Facebook. Thông tin của khoảng 50 triệu người dùng Facebook được cho là đã bị chia sẻ trái phép cho công ty Cambridge Analytica để sử dụng cho mục đích thương mại và chính trị. Cambridge Analytica là hãng phân tích dữ liệu chính trị do cựu trưởng chiến lược gia của ông Trump là ông Steve Bannon thành lập cùng nhà tài trợ theo quan điểm bảo thủ Robert Mercer.
Trong tuyên bố, ông Zuckerberg cũng đưa ra hàng loạt cam kết hàng loạt biện pháp chấn chỉnh. Theo đó, mạng này sẽ điều tra tất cả các ứng dụng tiếp cận một lượng lớn thông tin người dùng trước năm 2014 khi Facebook thay đổi chính sách và kiểm tra những ứng dụng đáng ngờ. Ngoài ra, Facebook cũng sẽ tiến hành hàng loạt cải tổ để ngăn lạm dụng thông tin người dùng và thông báo đến người dùng khi thông tin cá nhân của họ bị sử dụng sai trái.
"Các bước mà Facebook đưa ra là một khởi đầu nhưng Zuckerberg vẫn phải ra điều trần… Để lấy lại niềm tin của người dùng, Facebook phải có những thay đổi lớn để điều này không xảy ra lần nữa" - CNN dẫn lời Thượng nghị sĩ Amy Klobuchar quả quyết đòi nhà sáng lập mạng xã hội này ra điều trần trước quốc hội Mỹ.
Trong khi đó, một số ý kiến chỉ trích nhà sáng lập Facebook đã không đưa ra lời xin lỗi nào về vụ bê bối. "Không có lời xin lỗi nào đến người dùng, nhà đầu tư và nhân viên về việc làm sao chuyện này lại xảy ra… Không có lời giải thích tại sao, sau khi biết rằng dữ liệu của mình bị lạm dụng như vậy vào năm 2014, Facebook lại chọn mắng các công ty thay vì ngay lập tức cấm họ" - nhà phân tích Dave Lee của BBC đánh giá.
Ngoài Mỹ, Liên minh châu Âu tuyên bố sẽ tiến hành điều tra về cách khai thác, sử dụng dữ liệu người dùng của Facebook và công ty Cambridge Analytica.