TTO – Tổng thống Pháp Emmanuel Macron khẳng định sẽ cố gắng đưa tiếng Pháp vào sử dụng rộng rãi hơn trong các văn bản của Liên minh châu Âu (EU).
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nói về việc thúc đẩy sự phổ biến của tiếng Pháp - Ảnh: Reuters
Việc Anh rời EU (gọi là Brexit) sẽ dẫn đến nhiều thay đổi trong khối này, và câu chuyện về ngôn ngữ cũng được đề cập.
Phát biểu hôm 20-3, Tổng thống Pháp Macron cho rằng tiếng Anh đang quá phổ biến trong các chương trình làm việc của EU, nhưng Anh sắp tách khỏi EU nên cần thiết phải có sự thay đổi.
"Tình huống hiện tại hơi nghịch lý. Tiếng Anh có lẽ không bao giờ được đề cập ở Brussels (trụ sở EU) khi chúng ta nói về Brexit. Sự thống trị ấy không phải chuyện hiển nhiên. Nó tùy thuộc vào việc chúng ta đặt ra quy định, giới thiệu, và đưa tiếng Pháp làm ngôn ngữ đối với những người đã được tiếp cận cơ hội", ông Macron nhắc tới quan hệ của châu Âu với khu vực người châu Phi nói tiếng Pháp.
Trong một khảo sát của cộng đồng nói tiếng Pháp, tiếng Pháp được xem là ngôn ngữ phổ biến thứ 5 trên toàn cầu, và là ngôn ngữ được dùng nhiều thứ 4 trên internet.
Tại các cuộc làm việc chính thức của EU, tiếng Pháp trước đây cũng là ngôn ngữ thống trị. Tuy nhiên tiếng Anh đã dần trở nên phổ biến trong các tổ chức châu Âu, đặc biệt khi EU mở rộng thêm vào năm 2004 với một số quốc gia Đông Âu tham gia.
Khác với những lãnh đạo tiền nhiệm, Tổng thống Macron không dùng tiếng Anh khi nói chuyện trước công chúng ở nước ngoài. Ông cho rằng đó không phải là động thái nhằm chống lại tiếng Anh, mà chỉ là mong muốn đa dạng hóa ngôn ngữ.
Theo ông Macron, ông muốn mọi người ở châu Âu học hai ngoại ngữ và Pháp sẽ tăng cường các nỗ lực dạy tiếng Pháp cho các quan chức châu Âu.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker cũng viết trên Twitter rằng ông "là người ủng hộ nhiệt tình vấn đề đa ngôn ngữ. Lấy ví dụ về hai danh nhân nổi tiếng William Shakespeare và Voltaire, ông Juncker nói với kênh France 5: "Tại sao ngôn ngữ của Shakespeare lại trội hơn Voltaire chứ? Chúng ta đã sai khi trở nên quá ‘Anh hóa’".
Thực tế vấn đề ngôn ngữ đã luôn tồn tại ở EU, và nó cũng phần nào diễn tả mức độ ảnh hưởng của các quốc gia thành viên bên cạnh thực tế loại ngôn ngữ nào được dùng nhiều hơn xét trên tổng thể.
Nước Đức trước đây cũng không ít lần muốn dùng thứ tiếng của họ để làm văn bản chính thức, ngôn ngữ chính thức trong các cuộc họp EU.
Và dù không muốn thấy tình trạng "Anh hóa", ông Juncker – một người Luxembourg, cũng cho biết thêm: "Tiếng Anh đã trở thành ngôn ngữ làm việc hàng ngày của các tổ chức EU. Brexit sẽ không thay đổi gì về điểm này. Vì những thành viên không đến từ phía tây châu Âu đều trở nên quen thuộc với việc nói tiếng Anh".