TTO - “Ở Phần Lan, giáo viên là người chọn bộ sách giáo khoa (SGK) phù hợp nhất với học sinh của mình. Vì vậy, các nhà xuất bản (NXB) phải tiếp thị sách và thuyết phục giáo viên rằng bộ sách đó phù hợp với học sinh của họ”.
Lớp học mẫu cho học sinh tiểu học theo chương trình Phần Lan tại TP.HCM - Ảnh: TƯỜNG HÂN
Bà Eenariina Hämäläinen - giáo viên THPT, nghiên cứu sinh tại Trường ĐH Tampere, đồng tác giả của 24 đầu SGK ở Phần Lan - cho biết như thế tại hội thảo quốc tế "SGK theo định hướng phát triển năng lực: Nhìn từ kinh nghiệm quốc tế" do NXB Giáo Dục Việt Nam tổ chức ngày 20 đến 23-3 tại TP.HCM. Hội thảo là bước chuẩn bị nhằm biên soạn SGK mới phục vụ công cuộc đổi mới giáo dục phổ thông. Dưới đây là kinh nghiệm viết SGK tại Phần Lan mà bà Eenariina Hämäläinen chia sẻ tại hội thảo.
Trước đây SGK là công cụ chính trong học tập thì nay chỉ là một trong số nhiều công cụ học tập. Trước đây SGK nhiều câu, nhiều chữ thì nay ít chữ hơn. Thay vào đó là nhiều câu hỏi, nhiều hoạt động để rèn luyện khả năng ứng dụng, thông hiểu cho học sinh
Bà Eenariina Hämäläinen
Sản phẩm của công ty tư nhân
SGK tại Phần Lan là sản phẩm của những công ty xuất bản tư nhân. Đội ngũ tác giả SGK là những giáo viên có chuyên môn cao, nhiều kinh nghiệm giảng dạy ở trường phổ thông và một số người trong giới học thuật.
Ngoài việc nghiên cứu chương trình, người viết sách còn phải nghiên cứu và xác định ở trường phổ thông đang cần gì, học sinh hứng thú với những bài học nào, các em mong đợi gì khi đến trường... để đặt ra những nguyên tắc và mục tiêu cho bộ sách.
Ở Phần Lan, đội ngũ tác giả viết SGK thường từ 2-8 người. Sau khi giám đốc xuất bản phân chia các chủ đề cho từng thành viên, cả đội ngũ sẽ tiến hành viết. Phần viết của mỗi thành viên sẽ được chỉnh sửa bởi các thành viên khác tại các buổi họp trực tiếp. Thông thường nội dung một bài học sẽ trải qua từ 2-5 vòng chỉnh sửa. Trong đó, có trường hợp một thành viên có thể viết lại chủ đề của thành viên khác. Biên tập viên của NXB sẽ tham gia đọc, góp ý, theo dõi và nhắc nhở các tác giả về những quy tắc cơ bản.
Khi bản thảo SGK gần hoàn thành, các tác giả sẽ tiến hành thu thập ý kiến của giáo viên (để có nhận xét mang tính chất sư phạm), học sinh (để các em phát biểu xem các em có cảm thấy thú vị khi học với cuốn sách đó không, có đoạn nào không hiểu...), các chuyên gia, nhân viên tổ chức phi chính phủ (để cập nhật những thay đổi về mặt xã hội)...
Dựa trên những phản hồi đó, biên tập viên sẽ chỉnh sửa bản thảo. Khi ấy, đội ngũ tác giả sẽ chuẩn bị các câu hỏi và hoạt động cho học sinh; chuẩn bị các chi tiết khác cho quyển sách như những đoạn văn chuyên sâu, tóm tắt, bản liệt kê từ... chuẩn bị những hình ảnh minh họa.
Cùng thời điểm xuất bản với SGK thì đội ngũ tác giả sẽ tiến hành viết, hiệu đính và xuất bản các cuốn sách bổ trợ như: sách hướng dẫn và tư liệu đứng lớp cho giáo viên; sách bài tập; các phần mở rộng bổ sung cho sách điện tử, bài tập điện tử.
Giáo viên linh hoạt quá trình giảng dạy
Ở Phần Lan, việc phân bổ giờ học được quyết định bởi chính quyền địa phương. Tuy nhiên, giáo viên không bị trói buộc đến ngày này phải dạy bài đó. Từ đó, người viết sách phải cân chỉnh để giáo viên có thể linh hoạt trong quá trình giảng dạy của mình.
Chúng tôi viết SGK theo trình tự chương được sắp xếp theo độ tuổi và dựa trên cơ sở sư phạm: ưu tiên các đề tài gần gũi với cuộc sống học sinh, tiếp theo mới là đề tài mang tính khái niệm.
Các bài học được viết theo nguyên tắc: những trải nghiệm, cảm nhận, sự hứng thú và tương tác của các học sinh với nhau để đặt nền móng cho việc học. Mọi bài học đều bắt đầu bằng một câu chuyện, tình huống nghiên cứu hoặc một bức ảnh truyền động lực. Sau đó sẽ là những câu hỏi: vấn đề học sinh cần giải quyết là gì? Tại sao đó lại là vấn đề khó giải quyết?...
Ví dụ về một bài học của môn xã hội học dành cho học sinh lớp 6. Bài học bắt đầu bằng câu chuyện: một nhóm người cùng tham gia chuyến hải hành và gặp nạn, trôi dạt vào hoang đảo. Họ thảo luận để tìm cách cùng tồn tại. Vị giáo sư đề nghị: Tôi sẽ là người ra quyết định vì tôi có trình độ cao. Môt quý bà cũng nói: Tôi sẽ là người ra quyết định vì tôi có nhiều tiền. Một người chuyên leo núi tỏ ra tự tin: Tôi sẽ là người ra quyết định vì tôi có công cụ giúp mọi người sống sót. Một người khác cũng đề nghị: Tôi sẽ là người ra quyết định vì tôi là người cao niên. Sau câu chuyện là các câu hỏi: "Em nghĩ ai là người có thể quyết định sự việc?" để kích thích và khơi gợi sự hứng thú, tò mò của học sinh đối với bài học.
Chúng tôi quan niệm rằng câu hỏi không nhất thiết phải đưa ở cuối bài học mà có thể đưa ở đầu bài học để tôn trọng ý tưởng của học sinh và cũng là để tìm hiểu học sinh đã biết những gì về bài học rồi.
Làm thế nào để đọc cuốn sách này?
Bà Eenariina Hämäläinen cho biết SGK do bà viết đều có phần hướng dẫn học sinh "làm thế nào để đọc cuốn sách này".
Các bước hướng dẫn theo trình tự như sau: đọc tiêu đề trước và nghĩ xem em đã biết những gì về chủ đề này? Đọc các câu hỏi ở phần cuối bài - em có thể trả lời ngay các câu hỏi đó trước khi đọc bài không? Quan sát hình ảnh trên các trang - em nghĩ gì ngay khi nhìn thấy chúng? Đọc phần in đậm của bài - đó là những nội dung quan trọng nhất. Đọc toàn bộ bài: các chữ in nghiêng có chứa một câu chuyện nhỏ dẫn dắt vào chủ đề này...