Thế giới

Người già Nhật Bản chọn nhà tù làm nơi "an cư"

TTO – Cô đơn, thất nghiệp và không người chăm sóc, ngày càng nhiều người già Nhật Bản chọn nhà tù làm nơi "an cư". Tỉ lệ phạm tội và tái phạm ở người cao tuổi tăng nhanh phản ánh một vấn đề của xã hội hiện đại Nhật Bản.

Người già Nhật Bản chọn nhà tù làm nơi an cư - Ảnh 1.

Buổi sáng của các tù nhân ở Tokushima bắt đầu bằng các bài tập dưỡng sinh - Ảnh: REUTERS

Trong khoảng sân hẹp, một cụ già hơn 90 tuổi đang sưởi ấm cơ thể ốm yếu bằng ánh sáng đầu ngày. Ông ngồi trên xe lăn, đôi mắt nhắm nghiền. Gần đó, hơn chục cụ già khác đang huơ tay lên xuống khi người hướng dẫn nhẹ nhàng lên tiếng "Hãy thả lỏng cơ thể".

Họ không ở trong viện dưỡng lão, kể cả cụ già ngồi xe lăn. Người đàn ông đó đang thụ án chung thân cho tội danh giết người và cưỡng hiếp. Họ đang ở Tokushima, cách Tokyo 520km về phía tây, trong một tòa nhà được hoán cải trở thành nơi giam giữ các tù nhân cao tuổi của Nhật Bản.

"Tôi bị bệnh tim và thường ngất trong các xí nghiệp của nhà tù", một tù nhân 81 tuổi tại Tokushima nói với hãng tin Reuters. Ông ta bị tuyên án chung thân sau khi giết một tài xế taxi và làm bị thương một người khác. Luật Nhật Bản cấm tiết lộ tên phạm nhân.

Người đàn ông đó, cùng với hơn hai chục tù nhân khác, đang sống, ăn uống và lao động trong một tòa nhà đặc biệt dành riêng cho những phạm nhân cao tuổi không thể làm được các công việc bình thường như may giày và đồ lót trong các nhà máy của trại giam.

Không có nhiều nhà tù như Tokushima, nơi phạm nhân được phép ngủ và lao động ngay trong buồng giam thay vì di chuyển tới nhà máy. Giới chức ở đây khẳng định không cung phụng các tù nhân bất chấp tuổi tác, nhưng họ muốn khi những người này được phóng thích, tất cả phải khỏe mạnh.

Người già Nhật Bản chọn nhà tù làm nơi an cư - Ảnh 2.

Một điều dưỡng được thuê để chăm sóc các tù nhân có vấn đề nghiêm trọng về sức khỏe, như người đàn ông ngồi xe lăn này - Ảnh: REUTERS

Người già Nhật Bản chọn nhà tù làm nơi an cư - Ảnh 3.

Tokushima là nhà tù đi đầu trong việc xây dựng các khu giam giữ đặc biệt dành cho các phạm nhân cao tuổi không thể làm những việc bình thường - Ảnh: REUTERS

Người già Nhật Bản chọn nhà tù làm nơi an cư - Ảnh 4.

Đôi khi các quản giáo cũng giúp đỡ các tù nhân gấp 2, 3 lần tuổi của họ - Ảnh: REUTERS

Người già Nhật Bản chọn nhà tù làm nơi an cư - Ảnh 5.

Những người quản lý nhà tù Tokushima mong muốn họ sẽ có các tù nhân được trả tự do trong tình trạng khỏe mạnh. Chuyện tắm táp bị hạn chế, hai lần mỗi tuần vào mùa đông và ba lần vào mùa hè - Ảnh: REUTERS

Người già Nhật Bản chọn nhà tù làm nơi an cư - Ảnh 6.

Nói chuyện là điều cấm kỵ trong thời gian lao động. Buồng giam không được lắp điều hòa - Ảnh: REUTERS

Có tới một phần tư các tù nhân trên 65 tuổi trở lại nhà tù chỉ sau hai năm được trả tự do - tỉ lệ cao nhất trong các nhóm tuổi theo một cơ sở dữ liệu được chính phủ Nhật Bản công bố năm 2015.

"Rất ít cơ hội làm việc sau tuổi 65", một phạm nhân 71 tuổi nói với Reuters. "Có nhà ở, có việc làm đồng ra đồng vô còn đỡ. Không nhà cửa, không việc làm ở cái tuổi xế chiều này thì kiểu gì cũng đi ăn cắp vặt trong siêu thị. Tất cả chỉ vì mấy miếng bỏ vào miệng".

Người đàn ông ấy đã 7 lần bị bắt giữ. Ông ta nói vô gia cư, đói khát đã đẩy ông nghĩ tới chuyện ăn cắp. Vài lần bị bắt rồi thả, ông chợt nhận ra không nơi nào cho ông công việc, đồ ăn và nơi ở miễn phí như nhà tù.

Ông ta không phải là người duy nhất nhận ra điều đó. Với họ, đánh đổi một chút tự do có thể bảo đảm nhiều thứ khác.

Người già Nhật Bản chọn nhà tù làm nơi an cư - Ảnh 7.

Giờ ăn trưa có lẽ là lúc thoải mái nhất. Mì và các loại thức ăn mềm khác được làm riêng cho các tù nhân có vấn đề trong việc nhai nuốt - Ảnh: REUTERS

Người già Nhật Bản chọn nhà tù làm nơi an cư - Ảnh 8.

"Tôi biết có nhiều người sẵn sàng quay trở lại trại giam. Miễn là còn ở tù là còn chỗ ăn ngủ nghỉ miễn phí" - Ảnh: REUTERS

Người già Nhật Bản chọn nhà tù làm nơi an cư - Ảnh 9.

Có những người đã trút hơi thở cuối cùng trong nhà tù. Họ là những kẻ phạm các tội ác đặc biệt nghiêm trọng. Không thân thích đến nhận, những ngôi mộ mọc lên trong khuôn viên nhà tù. Trong ảnh: Một quản giáo tỏ lòng thành kính trước ngôi mộ của một tù nhân cao tuổi ở Tokushima - Ảnh: REUTERS

Người già Nhật Bản chọn nhà tù làm nơi an cư - Ảnh 10.

"Sự tự do của họ vẫn bị hạn chế đáng kể. Cuộc sống ở đây không hoàn toàn thoải mái", đại diện nhà tù Tokushima Kenji Yamaguchi nói với Reuters - Ảnh: REUTERS

Người già Nhật Bản chọn nhà tù làm nơi an cư - Ảnh 11.

Phần lớn chấp nhận đánh đổi tự do để được vào tù, số khác thì không. "Tôi muốn được tạm tha khi mẹ tôi vẫn còn sống. Bà ấy đã 103 tuổi. Đó là tất cả những gì tôi muốn", phạm nhân 81 tuổi, người đã từng sát hại một tài xế taxi cách đây 60 năm, chưa bao giờ khát khao được tự do cho tới khi nghĩ đến mẹ. Án chung thân khiến ông ta chỉ được tạm tha một thời gian. Ông đã được tạm tha 2 lần nhưng nhanh chóng bị tống vào tù sau khi uống rượu - điều cấm kỵ trong thời gian được tạm tha - Ảnh: REUTERS

Số lượng phạm nhân trên 65 tuổi đã tăng hơn 7% chỉ trong một thập kỷ qua, lên mức 9.308 người, chiếm 19% tù nhân trên khắp Nhật Bản tính đến cuối năm 2016. Các chuyên gia phải nhìn nhận tỉ lệ tái phạm của các phạm nhân lớn tuổi cho thấy sự khó khăn trong việc hòa nhập xã hội và tìm kiếm việc làm.

Với những người đã ở quá lâu trong tù, tự do đồng nghĩa với tương lai bất định.

Cứ 5 phụ nữ ở tù thì có 1 là người cao tuổi. Họ bị bắt, bị tuyên án vì những lỗi rất nhỏ, 9 trong 10 nữ phạm nhân cao tuổi thụ án vì ăn cắp vặt, theo Bloomberg.

Người già Nhật Bản chọn nhà tù làm nơi an cư - Ảnh 12.

Bà A, 67 tuổi, thụ án tù 2 năm vì ăn cắp quần áo. "Tôi đã thực hiện trót lọt cỡ 20 lần, tất cả đều là quần áo rẻ tiền bán trên đường. Tôi ăn cắp không phải vì tiền. Lần đầu tiên ăn cắp không bị bắt, tôi tự nghiệm ra rằng mình có thể có được thứ mình muốn mà không phải mất tiền. Hai thằng con thì giận tôi lắm trong khi mấy đứa cháu thì nghĩ tôi đang nằm viện" - Ảnh chụp màn hình Bloomberg

Người già Nhật Bản chọn nhà tù làm nơi an cư - Ảnh 13.

Bà T, 80 tuổi, ở tù 4 lần vì trộm máy quạt, hạt ngũ cốc. "Thời tôi còn trẻ, tôi chưa bao giờ có suy nghĩ về chuyện đi trộm cắp. Tôi tập trung làm việc một cách chăm chỉ, khoảng 20 năm ở một nhà máy cao su rồi chuyển sang làm nhân viên điều dưỡng ở bệnh viện. Tiền bạc khá eo hẹp nhưng vẫn đủ để lo cho thằng con học đại học. Tôi ở tù lần đầu tiên năm 70 tuổi. Lúc tôi trộm đồ của người ta, trong túi tôi không phải không có tiền. Tôi nghĩ về cuộc đời của mình, nó thật sự bế tắc. Tôi chẳng muốn về nhà nữa". Cách đây 6 năm, chồng bà T bị đột quỵ, tốn rất nhiều tiền bạc và công sức để chữa trị, bà cụ cảm thấy rất áp lực nhưng chẳng thể chia sẻ cùng ai. "Cuộc sống trong tù dễ chịu hơn ở ngoài nhiều. Tôi có thể hít thở, được là chính mình" - Ảnh chụp màn hình Bloomberg

Người già Nhật Bản chọn nhà tù làm nơi an cư - Ảnh 14.

Bà O, 78 tuổi, thụ án 1 năm 5 tháng vì trộm nước tăng lực, cà phê, gạo và trà. Đây là lần thứ ba bà vào tù. "Tất nhiên ở đây đâu có được tự do, nhưng tôi cũng chẳng có việc gì để phải lo lắng hết. Có rất nhiều người để nói chuyện trong tù. Đều đặn 3 lần mỗi ngày người ta cho chúng tôi những bữa ăn đầy dinh dưỡng hoàn toàn miễn phí. Con gái tôi thăm tôi mỗi tháng một lần. Nó nói không thông cảm với những gì tôi đã làm. Tôi nghĩ nó đúng" - Ảnh chụp màn hình Bloomberg

Người già Nhật Bản chọn nhà tù làm nơi an cư - Ảnh 15.

Bà K, 74 tuổi, vào tù lần thứ 3 vì ăn trộm nước giải khát. "Tôi sống nhờ trợ cấp. Khi tôi được thả, tôi sẽ phải sống với khoản tiền 1.000 yen mỗi ngày (khoảng 215.000 VNĐ). Tôi không trông mong gì cuộc sống ngoài kia hết" - Ảnh chụp màn hình Bloomberg

Người già Nhật Bản chọn nhà tù làm nơi an cư - Ảnh 16.

Bà F, 89 tuổi, thụ án 1 năm rưỡi vì ăn cắp gạo, dâu tây và thuốc cảm. Đây là lần thứ hai bà ở tù. "Tôi sống nhờ trợ cấp. Tôi đã từng sống với gia đình con gái một khoản thời gian. Tất cả tiền để dành của tôi đã bị thằng con rể chiếm hết. Nó mất dạy và bạo lực" - Ảnh chụp màn hình Bloomberg

Người già Nhật Bản chọn nhà tù làm nơi an cư - Ảnh 17.

Bà N, 80 tuổi, ở tù lần thứ 3 với mức án 3 năm 2 tháng vì trộm sách, rau cải và máy quạt cầm tay. "Chồng tôi đưa tôi rất nhiều tiền, ai cũng nói tôi may mắn nhưng tôi thấy mình thật sự cô đơn. Tiền không phải là thứ tôi muốn. Tôi không thấy hạnh phúc với điều đó. Lần đầu tiên tôi đi ăn cắp vặt cách đây 13 năm. Nó là một cuốn tiểu thuyết bìa mềm rẻ tiền. Người ta phát hiện ra ngay, tôi bị dẫn tới đồn cảnh sát nơi tôi đã gặp một người sĩ quan tốt bụng. Ông ấy lặng nghe tất cả những gì tôi nói, đó là lần đầu tiên tôi được người khác lắng nghe trong đời. Ông ta chẳng nói gì nhiều, chỉ vỗ vai tôi và nói 'Tôi hiểu bà cô đơn nhưng đừng bao giờ lặp lại điều này nữa nhé!'. Nhưng tôi lại thích cuộc sống trong tù, có rất nhiều bạn ở đó. Tôi không cảm thấy cô đơn nữa" - Ảnh chụp màn hình Bloomberg

Tuổi trẻ

      © 2021 FAP
        241,630       482