TTO - Bị hấp dẫn bởi học bổng béo bở cùng những khoản tài trợ hào phóng, học phí rẻ… nhóm du học sinh ASEAN hiện chiếm đông nhất tại Trung Quốc.
Ko Ko Kyaw (phải ngoài cùng hai nữ sinh viên) đã du học tại Trung Quốc từ năm 17 tuổi - Ảnh: CHANNEL NEWS ASIA
Thật dễ nhầm lẫn Ko Ko Kyaw với các sinh viên bản địa. Đi những bước đi thơ thẩn trên sân trường trong chiếc áo khoác đen vét tông ngắn lưng với cổ tay chun, một chiếc quần jeans rách đầu gối và đôi giày màu trắng, Kyaw y hệt một nam sinh Trung Quốc ăn mặc phong cách thể thao.
Nhưng điều đáng nói nhất là cậu sinh viên người Myanmar này nói chuyện chẳng khác gì một người Trung Quốc bản địa. Kyaw còn có thể nói đùa một cách không gượng gạo bằng tiếng phổ thông (tiếng Quan thoại). Ngày nào còn chập chững bước đi với những bài học tiếng Hoa đầu tiên cách đây 5 năm, Kyaw giờ đây thậm chí đã nói tiếng Anh bằng giọng người Trung Quốc.
Giàu sụ và hào phóng
Theo phóng sự ngày 18-3 của đài Channel News Asia (Singapore), cậu sinh viên ngành kế toán 22 tuổi tại Đại học giao thông Thượng Hải này là một trong số các sinh viên Đông Nam Á ngày càng lựa chọn Trung Quốc làm điểm đến yêu thích cho những năm tháng đại học của mình.
"Tôi đã mê Trung Quốc ngay sau khi tham gia một trại hè ở thành phố Côn Minh" - Ko Ko Kyaw kể lại bằng tiếng Hoa một cách đầy tự tin. Côn Minh là thủ phủ tỉnh Vân Nam, tây nam Trung Quốc, giáp biên giới với Myanmar.
Trả lời phỏng vấn Channel News Asia, Kyaw cho biết: "Trung Quốc và Myanmar có nhiều liên doanh với nhau, giúp tạo thêm cơ hội việc làm. Những trải nghiệm ở Trung Quốc sẽ cho tôi lợi thế khi về nước xin việc".
Trong khi đó, đối với anh Pingpanya Phommilath, 21 tuổi, Trung Quốc cũng là lựa chọn đầu tiên khi xem xét chọn nơi du học. Anh sinh viên Lào này hiện đang theo học cử nhân về Quản lý công ở Đại học Phúc Đán.
"Trung Quốc ngày càng trở nên mạnh hơn và kinh tế của nước này cũng đang lớn mạnh. Có nhiều người Trung Quốc ở nước tôi. Do đó, du học tại Trung Quốc đồng nghĩa tôi sẽ có nhiều triển vọng hơn" - Phommilath nói thẳng về mục tiêu tìm việc sau du học.
Đối với nhiều sinh viên Đông Nam Á như Kyaw và Phommilath, một bằng đại học tại Trung Quốc sẽ giúp họ có được một công việc lương cao tại quê nhà trong bối cảnh Trung Quốc và các quốc gia Đông Nam Á ngày càng đẩy mạnh hợp tác kinh tế.
Theo Hệ thống quản lý đại học và cao đẳng Trung Quốc (CUCAS) - một cổng thông tin trực tuyến liên kết với Bộ Giáo dục Trung Quốc, ước tính khoảng 80.000 du học sinh Đông Nam Á đã chọn theo học tại các trường đại học Trung Quốc trong năm 2016, tăng 15% so với năm 2014.
Xếp hạng số lượng du học sinh ASEAN, Hàn Quốc (South Korea) và Mỹ (USA) tại Trung Quốc trong 2 năm 2014 và 2016 - Ảnh: CHANNEL NEWS ASIA
Vượt mặt số sinh viên đến từ Hàn Quốc, các sinh viên đến từ các quốc gia trong khối ASEAN hiện là nhóm sinh viên nước ngoài lớn nhất đang theo học tại các cơ sở giáo dục đại học Trung Quốc. Trong khi đó, số sinh viên đến từ Mỹ - nhóm đông thứ ba sau ASEAN và Hàn Quốc - lại giảm trong cùng giai đoạn trên.
Tuy nhiên, nguyên nhân chính giải thích tại sau ngày càng nhiều học sinh đến Trung Quốc du học là vì chính phủ Trung Quốc những năm qua đã mạnh tay cho học bổng, như một phần trong sáng kiến "Vành đai, Con đường".
Và ASEAN, đối tác quan trọng hàng đầu của Trung Quốc, tất nhiên được hưởng lợi không ít từ chiếc hầu bao hào phóng của Bắc Kinh.
"Nằm một phần trong việc thúc đẩy sáng kiến này, chính phủ đã khuyến khích thêm nhiều sinh viên đến Trung Quốc học. Do đó, họ đã đầu tư nhiều nguồn lực" - chủ tịch CUCAS, ông Zhou Dong, cho biết.
Vị quan chức nói rằng chỉ trong năm 2016, chính phủ Trung Quốc đã tài trợ 50.400 suất học bổng toàn phần, lo cả học phí, chỗ ở và tiền tiêu vặt hàng tháng. Trung Quốc được cho đã chi 23 tỉ nhân dân tệ (3,6 tỉ USD) cho các học bổng như vậy trong năm này.
"Xét cho cùng chúng ta đều là láng giềng. Trung Quốc nằm sát ASEAN về mặt địa lý và các phong tục tập quán về cơ bản đều ở vùng Đông Á" - ông Zhou giải thích.
Sự thay thế hoàn hảo!
Đối với doanh nhân người Malaysia Lee Kwok Yat, Trung Quốc là điểm đến thích hợp cho cả hai tiêu chí: học phí vừa tầm và chất lượng giáo dục tốt. Đứa con gái của vị doanh nhân này hiện đang học bác sĩ tại Đại học Vũ Hán.
"Khi bạn đề cập tới Trung Quốc, Đông y sẽ là thứ bạn nghĩ trong đầu trước hết. Nhưng khi tôi biết được Trung Quốc cũng có chương trình học y bằng tiếng Anh, tôi rất hài lòng" - ông Yat bày tỏ.
Ở Malaysia, nếu bạn muốn theo học đại học công lập, chuyện đó rất khó. Và để học đại học y dân lập, mức học phí lên tới 500.000 Ringgit Malaysia (128.000 USD). Do đó, tôi nghĩ nó quá mắc với tôi"
Doanh nhân người Malaysia Lee Kwok Yat
Ông Yat cho biết tổng chi phí cho con gái ông du học tại Trung Quốc xấp xỉ 200.000 Ringgit Malaysia, tức ít hơn một nửa so với học phí ở quê nhà.
Một điểm mạnh khác của Trung Quốc là là ít nhất 1/5 các chương trình dạy học ở 150 trường đại học hàng đầu nước này được dạy hoàn toàn bằng tiếng Anh. Các chương trình phổ biến được dạy gồm thương mại, y dược, công nghệ… nhắm vào đối tượng là du học sinh.
Trung Quốc hiện là điểm đến du học phổ biến thứ ba thế giới, sau Mỹ và Anh. Trong khi đó, về phía các trường đại học Trung Quốc, có nhiều sinh viên nước ngoài theo học sẽ càng cải thiện danh tiếng và xếp hạng của họ.
Đại học Ngôn ngữ và Văn hóa Bắc Kinh tổ chức cuộc khi tiếng Trung và gala năm mới 2018 cho các sinh viên ASEAN ở Bắc Kinh ngày 16-12-2017 - Ảnh: AFP
Giới hạn nghiên cứu
Tuy nhiên, một điểm trừ lớn đó là du học sinh bị giới hạn trong việc nghiên cứu, đặc biệt là các vấn đề chính trị gây nhiều tranh cãi khi theo học tại Trung Quốc.
Theo học thạc sĩ tại Đại học Phúc Đán, cô Jolene Liew, 21 tuổi, đã đề xuất làm một nghiên cứu so sánh giữa người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ ở Trung Quốc và người Hồi giáo ở Brunei. Tuy nhiên, các giáo sư ở Đại học Phúc Đán đã khuyên cô rằng chủ đề này "quá nhạy cảm" và không nên làm.
Jolene đã chuyển tới Thượng Hải hồi tháng 9 năm ngoái sau khi khi nhận học bổng thạc sĩ toàn phần 2 năm về chính trị quốc tế ở Đại học Phúc Đán. Công dân Brunei này đã có bằng cử nhân về quan hệ quốc tế ở Đại học Bath của Anh.
Mặc dù thất vọng về những "trói buộc" như thế này, Jolene cho biết cô vẫn yêu thích chương trình học tại Đại học Phúc Đán, chẳng hạn các hội thảo với sinh viên Hàn Quốc và Nhật Bản. Đại học Phúc Đán là một trong 5 trường đại học thuộc tốp đầu của Trung Quốc và xếp hạng thứ 7 trong danh sách tốp 10 trường đại học châu Á năm 2018.
Và không biết liệu đó là trở ngại hay cơ hội để phát triển, điều mà các du học sinh nước ngoài quan tâm không ngớt là sinh viên Trung Quốc học quá chăm. Các du học sinh phải luôn nỗ lực nếu không muốn bị bỏ lại phía sau.
"Hầu hết sinh viên Trung Quốc rất nghiêm túc với việc học. Họ gặp giáo viên sau giờ học để hỏi bài và thậm chí có thể chịu căng thẳng rất tốt trong thời gian diễn ra các kỳ thi" - Kevin P Tenggario, sinh viên ngành kinh tế tại Đại học Phúc Đán, hết mực khen ngợi.
Vậy Trung Quốc chỉ cho không?
Theo ông Luciah Koh - Giám đốc quản lý trung tâm tư vấn Các câu chuyện thành công Singapore, Trung Quốc có thể sẽ đưa các du học sinh này trở về quê hương của họ để phục vụ phát triển hạ tầng, tài chính, hậu cần… nhưng là trong các công ty hay các dự án có Trung Quốc nhúng tay.
Vị chuyên gia nhận định nằm một phần trong tham vọng cường quốc mới của mình, Trung Quốc sẽ đầu tư trước hết vào nguồn lực con người. Lực lượng du học sinh tốt nghiệp tại Trung Quốc - những người vốn hiểu biết về Trung Quốc và có thiện cảm với Trung Quốc - sẽ là những đại sứ tốt nhất của Bắc Kinh.