TTO - Hội nghị cấp cao đặc biệt ASEAN - Úc bế mạc tại Sydney ngày 18-3 là hoạt động cuối cùng trong chuyến công du New Zealand và Úc của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (phải) dẫn đầu phái đoàn Việt Nam - Ảnh:
Theo Bộ Ngoại giao Việt Nam, tại phiên toàn thể Hội nghị cấp cao đặc biệt ASEAN - Úc ở Sydney sáng 18-3 (giờ địa phương), các nhà lãnh đạo đã trao đổi về định hướng quan hệ đối tác chiến lược ASEAN - Úc với trọng tâm là tăng cường hợp tác kinh tế và chống khủng bố.
Tạo thuận lợi cho cả doanh nghiệp siêu nhỏ
Hai bên khẳng định tăng cường hợp tác hướng đến tăng trưởng bền vững và sáng tạo, chú trọng tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa, tạo công ăn việc làm, hỗ trợ khởi nghiệp cho người dân, thúc đẩy phát triển nền kinh tế số... Các nhà lãnh đạo nhất trí các nước cần nỗ lực tối đa để tạo môi trường kinh doanh và đầu tư thông thoáng, không có rào cản đối với các doanh nghiệp vì doanh nghiệp là xương sống của quan hệ kinh tế ASEAN - Úc.
ASEAN và Úc cũng cam kết đẩy mạnh trao đổi và kết nối các doanh nghiệp, gia tăng trao đổi thương mại và đầu tư trong khuôn khổ Khu vực mậu dịch tự do ASEAN - Úc. Hai bên cũng đồng thời tái khẳng định quyết tâm đẩy mạnh đàm phán để hoàn tất Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) theo đúng thời hạn đề ra.
"Sẽ có làn sóng đầu tư lớn từ Úc đến Việt Nam"
Trao đổi với báo chí bên lề Hội nghị cấp cao đặc biệt ASEAN - Úc tại Sydney ngày 18-3, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - đầu tư Nguyễn Chí Dũng tự tin dự đoán sẽ có một làn sóng đầu tư lớn của Úc sang Việt Nam. "Tôi cho rằng đây là một tín hiệu rất tích cực và chắc chắn trong thời gian tới" - ông Dũng nói.
Việt Nam và Úc đều là thành viên của Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) mới vừa được ký kết và thủ tướng hai nước cũng vừa ký kết nâng quan hệ lên đối tác chiến lược. Hai yếu tố này giúp thúc đẩy sự quan tâm của cộng đồng doanh nghiệp Úc đối với thị trường Việt Nam. Hội nghị cấp cao ASEAN - Úc quy tụ rất nhiều doanh nghiệp hàng đầu trong các lĩnh vực quan trọng như năng lượng, xây dựng, giáo dục, nông nghiệp công nghệ cao, tài chính ngân hàng..., có doanh nghiệp nằm trong top 500 của thế giới.
Còn tiềm ẩn nguy cơ trên biển
Trong phiên họp hẹp, các nhà lãnh đạo ASEAN - Úc đã thảo luận sâu về các vấn đề chiến lược của khu vực và quốc tế các bên cùng quan tâm, trong đó có sáng kiến hợp tác giữa hai vùng biển Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, tình hình bán đảo Triều Tiên, Biển Đông, quan hệ giữa các nước trong khu vực, thúc đẩy tăng trưởng năng động ở khu vực...
Tại phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ rõ tình hình an ninh trên các vùng biển ở khu vực tuy bề mặt ổn định nhưng bên trong vẫn có sóng ngầm, còn nhiều nguy cơ tiềm ẩn gây bất ổn.
Ông nhấn mạnh trong hợp tác biển, trước hết cần tuân thủ luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển năm 1982 và thượng tôn pháp luật phải trở thành nền tảng cho xây dựng lòng tin và giữ gìn ổn định ở khu vực. Bên cạnh đó, Thủ tướng hoan nghênh nỗ lực của Việt Nam, Úc và Liên minh châu Âu (EU) đồng chủ trì Nhóm công tác Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF) về an ninh biển giai đoạn 2018-2020 theo kế hoạch đã thống nhất của ARF, coi đây là đóng góp tích cực cho hòa bình, hợp tác và xây dựng lòng tin ở khu vực.
Việt Nam hoan nghênh các sáng kiến hợp tác và kết nối giữa hai vùng biển rộng lớn Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương hướng tới tầm nhìn chung về một khu vực rộng mở, dựa trên luật pháp quốc tế, nơi ASEAN phát huy vai trò trung tâm thúc đẩy hợp tác cùng phát triển vì an ninh và thịnh vượng chung.
Phê chuẩn COC chưa đầy đủ
Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh đã có buổi trả lời phỏng vấn với Đài SBS (Úc) ngày 18-3.
Trả lời câu hỏi: Tổng thống Mỹ Donald Trump và Thủ tướng Úc Malcolm Turnbull đã thảo luận về các bước triển khai hoạt động tự do hàng hải ở Biển Đông, liệu Việt Nam có chào đón hay không?, ông Phạm Bình Minh khẳng định: "Việt Nam hoan nghênh tất cả các quốc gia tôn trọng quy tắc luật pháp quốc tế, luật pháp về biển, công ước về luật biển... Chính vì vậy, Việt Nam chào đón tất cả các phát biểu, các lập trường của các nước miễn là tôn trọng luật quốc tế, công ước quốc tế về luật biển để giữ hòa bình, ổn định trong các vùng tranh chấp, và cũng tôn trọng các biện pháp phi quân sự.
Biển Đông là một con đường hàng hải rất quan trọng. Tất cả các nước, trong hay ngoài khu vực, đều cần tự do hàng hải, cần đảm bảo an toàn, cần ổn định khu vực. Tôi nghĩ đó là trách nhiệm của tất cả các nước, trong và ngoài khu vực này".
ASEAN và Trung Quốc đang thảo luận về Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC). Tuy nhiên những phê chuẩn COC tính tới nay chưa đầy đủ. Đây không chỉ là mối quan ngại của riêng Việt Nam, mà là của toàn thể ASEAN và nhiều nước khác. "Chúng tôi cần một COC ràng buộc về pháp lý. Nếu COC không ràng buộc pháp lý để ngăn chặn các nguy cơ xung đột... bất kỳ điều gì xảy ra ở Biển Đông cũng ảnh hưởng tới sự ổn định và thịnh vượng của khu vực" - Phó thủ tướng cho biết.