TTO - Song song với màn trình diễn sức mạnh và vũ khí thời gian qua, quân đội Trung Quốc được cho là đang tích cực vận động chính phủ tăng chi tiêu quốc phòng "để đương đầu với các thách thức mới".
Duyệt binh dịp kỷ niệm 90 năm ngày thành lập quân đội Trung Quốc ở khu tự trị Nội Mông, vào tháng 7-2017 - Ảnh: REUTERS
Mặc dù là lực lượng quân sự đông nhất thế giới, Quân đội Giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) dường như không hài lòng với mức tăng ngân sách dưới hai con số trong 2 năm qua.
Hãng tin Reuters dẫn các nguồn tin ngoại giao tiết lộ PLA gần đây đã đặt vấn đề là họ cần thêm tiền để đối phó với những bất ổn toàn cầu ngày càng tăng.
Tìm tiền xây dựng "đẳng cấp thế giới"
Trước ngày công bố báo cáo ngân sách quốc phòng tại cuộc họp thường niên của Quốc hội Trung Quốc vào đầu tuần sau, truyền thông nước này đua nhau tung hô các cuộc tập trận quân sự, khí tài mới tối tân và lăng-xê một bộ phim dựa trên cuộc di tản công dân Trung Quốc quy mô ở Yemen hồi năm 2015.
Thông điệp nhìn chung đã rõ: Trung Quốc đang đối mặt với những thách thức nghiêm trọng, từ lời đe dọa của Tổng thống Mỹ Donald Trump dành cho Triều Tiên, căng thẳng biên giới với Ấn Độ cho đến những nỗ lực (dưới con mắt của Bắc Kinh) khẳng định chủ quyền của Đài Loan.
Đương đầu với tất cả những thứ đó cần phải có... tiền, đó là quả banh golf mà PLA đang cố đánh vào lỗ.
Nếu anh cứ nói với người dân là Trung Quốc đang đối mặt với tất cả những đe dọa đó, anh phải chứng minh bằng cách cho thấy anh đang chi đủ tiền cho quốc phòng"
Nhận xét của một nhà ngoại giao phương Tây tại Bắc Kinh
Chủ tịch Tập Cận Bình, trong bài diễn văn trước Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc hồi tháng 10-2017, từng hứa sẽ biến các lực lượng vũ trang Trung Quốc thành "đẳng cấp thế giới" vào giữa thế kỷ 21. PLA có vẻ như đang chạy tối đa cỗ máy tuyên truyền để bảo đảm rằng lời hứa đó không bị chìm trong đống nghị trình.
Dịp Tết Nguyên đán vừa qua, PLA lại chủ động tung ra một đoạn video quay chuyên nghiệp màn trình diễn của chiến đấu cơ tàng hình J-20 mang tựa đề "Chiến đấu cơ của một sức mạnh vĩ đại bảo vệ kỷ nguyên mới".
Chiến đấu cơ J-20 vừa được đưa vào phục vụ trong không quân PLA, được kỳ vọng là khí tài đối trọng với máy bay tàng hình F-22 Raptor của Mỹ.
"Trông có vẻ như họ (PLA) đang đề xuất một mức tăng lớn trong chi tiêu quốc phòng" - một nhà ngoại giao châu Á bình luận.
Lễ thượng cờ kỷ niệm 90 năm ngày thành lập quân đội Trung Quốc ở khu tự trị Nội Mông, tháng 7-2017 - Ảnh: REUTERS
Láng giềng lo ngại
Chi tiêu quốc phòng của Trung Quốc hiện chỉ tương đương 25% của Mỹ, nếu các con số chính thức được công bố là đúng như thế. Chưa kể việc Bắc Kinh liên tục nhấn mạnh "không có ý thù địch với ai", quân đội chỉ dùng để phòng thủ, và ngân sách quốc phòng là minh bạch... (tin hay không thì tùy quý vị!).
Dù rất muốn tin nhưng các nước khu vực đã nhiều lần thắc mắc về hành động "khua gươm" của Trung Quốc thông qua hoạt động tập trận dồn dập và quy mô.
Tờ nhật báo của Quân đội Trung Quốc trong tháng này còn ngạo nghễ viết rằng dù Trung Quốc cam kết thực hiện chính sách quân sự phòng vệ, họ phải "dám tuốt thanh gươm" với các nhiệm vụ tuần tra trên không xa bờ biển đại lục, dù đó là gần Đài Loan hay các đảo tranh chấp trên biển Hoa Đông với Nhật Bản.
Các chuyến bay đó, theo PLA, là để bảo vệ lợi ích của Trung Quốc trong các vấn đề chiến lược.
Thông thường, chi tiêu quốc phòng của Trung Quốc chỉ tiết lộ một con số trên cùng, với tỉ lệ phần trăm so sánh với năm trước. Họ không ghi rõ số tiền đó dùng vào việc gì.
Năm ngoái, Quốc hội Trung Quốc chần chừ không chịu công bố ngân sách quốc phòng, làm dấy lên câu hỏi về sự minh bạch của quốc gia này. Cuối cùng, khi họ tung ra thì tỉ lệ tăng chỉ là 7%, thấp nhất trong hơn 10 năm qua!
Các chuyên gia cho rằng con số thực sự chắc chắn cao hơn những gì nhà cầm quyền Bắc Kinh đưa ra. Dòng tiền chi cho một số dự án quân sự có thể bị che đậy trong khoản chi tiêu phi quân sự (trên danh nghĩa).
Nếu tính đến yếu tố liên kết dân sự - quân sự chặt chẽ của Trung Quốc, rất khó để biết ngân sách quốc phòng của họ kết thúc ở đâu"
Bình luận của một nhà ngoại giao phương Tây khác
Một số chuyên gia quốc phòng thậm chí nhận định Trung Quốc đang làm xói mòn thế độc tôn công nghệ quân sự của Mỹ và PLA có thể vượt mặt quân đội Mỹ về năng lực trí tuệ nhân tạo - một lĩnh vực được Bắc Kinh ưu tiên hàng đầu.
Mặt khác, do sự thiếu minh bạch về các công nghệ mới, chẳng hạn như khẩu pháo điện từ gắn trên tàu chiến Trung Quốc xuất hiện trên mặt báo đầu năm nay, vẫn còn nhiều hoài nghi về năng lực chiến đấu của chúng.
Trung Quốc đã không tham gia bất cứ cuộc chiến tranh nào từ năm 1979 đến nay.