Thế giới

Ông Trump có thực sự muốn quay lại TPP?

TTO - Trong vòng chưa đầy một tháng, Tổng thống Donald Trump đã ít nhất 2 lần chủ động nêu ra chuyện Mỹ sẽ quay lại Hiệp định TPP.

Ông Trump có thực sự muốn quay lại TPP? - Ảnh 1.

Tổng thống Donald Trump băt tay Thủ tướng Úc Malcolm Turnbull (trái) trong cuộc họp báo chung tại Nhà Trắng ngày 23-2 - Ảnh: REUTERS

Liệu đây là một tín hiệu tốt lành cho hiệp định vốn đã được bàn thảo nhiều năm liền và đi đến kết quả gần như hoàn hảo cho 12 đối tác?

Có thể nhưng cần phải thấy rằng trong thông điệp của ông Trump, ông vẫn luôn giữ vững quan điểm đã khiến ông ra lệnh cho Mỹ rút khỏi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP): Mỹ bị thiệt thòi trong cuộc đàm phán trước đó và cần phải đàm phán lại sao cho có lợi hơn cho Mỹ.

Sau khi nhậm chức vào tháng 1-2017, Tổng thống Trump đã chỉ đạo cho đại diện thương mại rút Mỹ khỏi hiệp định TPP - thỏa thuận với sự tham gia của 12 thành viên ở khu vực ven Thái Bình Dương. Khi đó nhà lãnh đạo Mỹ tuyên bố ông sẽ tìm kiếm các thỏa thuận riêng lẻ với các quốc gia khác.

Bắn tiếng nhưng chỉ là dấu hiệu thăm dò

Trong cuộc họp báo chung với Thủ tướng Úc Malcolm Turnbull tại Washington ngày 23-2, Tổng thống Trump đề cập tới khả năng đưa Mỹ tái gia nhập TPP "nhưng họ phải đưa cho chúng tôi một thỏa thuận tốt hơn nhiều".

Vẫn giữ nhận định cứng rắn như khi quyết định rút Mỹ ra khỏi TTP, Tổng thống Trump cho biết hiệp định TPP ban đầu là "một thỏa thuận rất tệ". Nhà lãnh đạo Mỹ nói rằng hiệp định này đã lấy đi số lượng việc làm đáng kể của người Mỹ - điều mà ông đã luôn hô hào sẽ giành lại trong quá trình vận động tranh cử của mình.

Gần một tháng trước (ngày 25-1), phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế thế giới ở Davos (Thụy Sĩ), Tổng thống Trump đã cho biết sẽ cân nhắc đưa Mỹ tái gia nhập TPP nếu Washington đạt được một thỏa thuận tốt hơn nhiều so với thỏa thuận mà ông mô tả là "kinh khủng" trước đây.

Nhưng cũng cần chú ý thêm là Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence cũng đề cập đến khả năng Mỹ quay trở lại TPP trong cuộc gặp với Phó Thủ tướng Nhật Bản Taro Aso hồi đầu tháng 2 ở Tokyo khi ông Pence có chuyến thăm tại đây trước khi bay sang Hàn Quốc dự khai mạc Olympic mùa Đông.

Như vậy phát biểu mới nhất tại Washington cho thấy điều rất rõ: Mỹ cũng muốn quay lại TPP nhưng phải thương lượng có lợi hơn cho Mỹ!

Chủ trương chính sách thương mại của Trump là "Nước Mỹ trước tiên", mục tiêu chủ yếu là thúc đẩy sự tăng trưởng kinh tế của Mỹ, chấn hưng ngành sản xuất, củng cố thành quả việc làm. Donald Trump áp dụng phương thức kết hợp giữa phá bỏ cái cũ và lập lên cái mới để thúc đẩy mục tiêu chính sách thương mại của mình; ở trong nước thì thông qua cải cách, tạo ra môi trường kinh doanh thông thoáng để giải phóng sức sống của doanh nghiệp, thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào Mỹ, đối với bên ngoài thì nỗ lực xây dựng lại hệ thống thương mại, thực hiện thương mại bình đẳng.

Ông Trump có thực sự muốn quay lại TPP? - Ảnh 3.

Biểu tình phản đối TTP ở Mỹ trước đây - Ảnh: AFP

Chính sách thương mại trong năm cầm quyền đầu tiên của ông Trump phần nhiều được thể hiện qua việc phá vỡ cơ chế thương mại hiện đang "gây bất lợi cho Mỹ", cho thấy rõ xu thế bảo thủ, trong đó có việc rút khỏi TPP, đàm phán lại các hiệp định thương mại như Hiệp định thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA), thực thi Luật thương mại để tăng cường thẩm tra vốn nước ngoài đổ vào Mỹ, khởi động điều tra theo "điều khoản 301" đối với Trung Quốc về tình hình thực thi quyền sở hữu trí tuệ, phát động điều tra 79 vụ việc mới về chống bán phá giá và chống trợ cấp...

6 ý định của ông Trump qua đề nghị quay lại TPP

Sau khi Mỹ rút khỏi TPP, 11 quốc gia thành viên còn lại đã nỗ lực khôi phục hiệp định thông qua các vòng đàm phán và dự kiến sẽ ký kết Hiệp định Đối tác Tiến bộ và Toàn diện xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) hay TPP 11, vào ngày 8-3 tới. Thành công của TPP 11 được cho là một áp lực buộc Washington phải lên tiếng quay trở lại hiệp định đa phương này.

Nhưng có thể thấy những lời bắn tiếng của Mỹ trở lại TPP kèm theo điều kiện đàm phán là dựa trên những toan tính lớn hơn nhiều.

1. Thay đổi hình ảnh quốc gia

Bên cạnh việc công kích cơ chế thương mại hiện nay, Mỹ từng bước thúc đẩy hệ thống thương mại mới dựa trên lợi ích của mình, thay đổi khuynh hướng chủ nghĩa bảo thủ thời kỳ đầu.

Trong bài phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Davos, Donald Trump đã đưa ra một số quan điểm mới của Mỹ đối với toàn cầu hóa, ông chỉ ra rằng "Nước Mỹ trước tiên" không phải là một nước Mỹ cô lập.

Hiện nay, các nền kinh tế khác trên thế giới, đặc biệt là kinh tế Trung Quốc, phát triển vững chắc, tốc độ theo kịp Mỹ khiến nhiều người hết sức ngạc nhiên.

Việc lôi kéo đầu tư nước ngoài và khai thác thị trường quốc tế có vai trò không thể thiếu đối với việc thúc đẩy nước Mỹ tiếp tục phát triển, củng cố thành quả tăng trưởng kinh tế và nâng cao việc làm mà ông Trump giành được trong năm đầu cầm quyền, thúc đẩy nước Mỹ phồn vinh và phát triển lâu dài.

2. Xoa dịu quan hệ với các nước thành viên TPP

Việc bày tỏ thái độ muốn quay trở lại TPP kèm theo điều kiện của Trump có thể giúp xoa dịu quan hệ giữa Mỹ với các nước thành viên TPP trước đây. Trước khi diễn ra Diễn đàn Kinh tế thế giới ở Davos, 11 nước thành viên TPP còn lại đã hoàn thành công tác đàm phán về Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), lên kế hoạch ký kết thỏa thuận thương mại này vào ngày 8-3-2018 ở Chile.

Nhật Bản đã phát huy vai trò chủ đạo quan trọng trong việc thúc đẩy CPTPP, dựa vào CPTPP, Chính quyền Shinzo Abe tiếp tục duy trì được vị thế của Nhật Bản trong địa chính trị châu Á-Thái Bình Dương, thúc đẩy cải cách và mở cửa trong nước. Canada từ do dự lúc ban đầu chuyển sang ủng hộ tiếp tục đàm phán TPP.

Tuy Tổng thống Trump vẫn nhấn mạnh ý nghĩa của các hiệp định thương mại song phương, nhưng với một thị trường châu Á-Thái Bình Dương rộng lớn như vậy (tổng dân số của 11 nước khoảng 500 triệu người, tổng sản lượng kinh tế vượt trên 10.000 tỉ USD, chiếm khoảng 15% GDP toàn cầu), lợi ích kinh tế và ý nghĩa chiến lược của nó vẫn rất có sức hút đối với Mỹ.

Ông Trump có thực sự muốn quay lại TPP? - Ảnh 4.

Nông dân ở Nhật xuống đường biểu tình phản đối TPP vì cho rằng mình bị thiệt hại - Ảnh: AFP

3. Tìm kiếm môi trường bên ngoài có lợi cho Mỹ

Trong bài phát biểu tại Hội nghị cấp cao Diễn đàn APEC vào tháng 11-2017 ở Đà Nẵng (Việt Nam), Tổng thống Trump nhiều lần nhắc đến khái niệm "Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương" - khái niệm không gian địa lý ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

"Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương" là đưa Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương vào một địa chiến lược trong vòng cung chiến lược.

Việc hình thành và thúc đẩy từng bước "chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương" của chính quyền Trump sẽ làm gia tăng tầm ảnh hưởng của Mỹ ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, kiềm chế sự trỗi dậy của Trung Quốc, khởi động lại TPP sẽ là diễn đàn chiến lược quan trọng để Mỹ thực thi "chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương".

Những cân nhắc về kinh tế chính trị cũng là một đặc điểm trong chính sách cầm quyền của Donald Trump, có thể thấy rõ đặc điểm này từ trong vấn đề hạt nhân Triều Tiên và cách xử lý tranh chấp thương mại Trung-Mỹ, trong thời gian tới, để thúc đẩy chiến lược châu Á-Thái Bình Dương, Trump có thể cân nhắc đến việc dựa vào diễn đàn TPP.

4. Đặt nền tảng cho việc cải tạo hệ thống thương mại đa phương và khu vực

Dưới thời ông Trump, quan niệm cơ bản "TPP là sân chơi để phát triển hệ thống thương mại quốc tế của Mỹ" thực ra vẫn sẽ được tiếp tục. TPP cũng sẽ trở thành diễn đàn để thúc đẩy quan niệm giá trị và chính sách "Nước Mỹ trước tiên".

Nhưng ông Trump coi trọng việc dựa vào các hiệp định thương mại song phương hoặc khu vực nhằm thúc đẩy quan niệm "thương mại tự do" và "thương mại công bằng" dựa trên lợi ích của Mỹ, từ đó xây dựng lại hệ thống thương mại quốc tế mới lấy "thương mại bình đẳng" làm trung tâm.

Quay trở lại TPP chính ra sẽ giúp Mỹ đặt nền tảng cho việc cải tạo hệ thống thương mại khu vực và đa phương, thúc đẩy hệ thống thương mại quốc tế được thúc đẩy mạnh mẽ hơn theo phương thức đổi mới do Mỹ chủ đạo.

Ông Trump có thực sự muốn quay lại TPP? - Ảnh 5.

Ông Kazuyoshi Umemoto - trưởng đàm phán của Nhật trong TPP tổ chức họp báo tại CLB nhà báo nước ngoài ở thủ đô Tokyo, ngày 20-2 để nói về bản nội dung CPTPP của 11 nước - Ảnh: REUTERS

5. Tranh thủ sự ủng hộ lớn hơn cho cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ

Năm 2018 là năm diễn ra bầu cử giữa nhiệm kỳ Quốc hội Mỹ, Tổng thống Trump muốn củng cố thành quả đạt được trong năm đầu tiên của mình, để từ đó giành được sự ủng hộ lớn hơn.

TPP về bản chất không đi ngược lại lợi ích của đảng Cộng hòa và đảng Dân chủ, việc quay trở lại một TPP đã được "cải thiện mang tính thực chất" theo yêu cầu của Mỹ sẽ mang lại lợi ích thương mại lớn hơn cho nước Mỹ, có lợi cho việc mở mang thị trường quốc tế, thúc đẩy quan niệm chính sách thương mại của Mỹ…

6. Tăng cường sự phòng ngừa đối với Trung Quốc và các nước

Đầu năm 2018, va chạm thương mại Trung-Mỹ tiếp tục gia tăng. Cho đến hôm nay, tín hiệu của việc Mỹ muốn phát động cuộc chiến thương mại đã trở nên rõ ràng hơn, thương mại giữa hai nước đang bước vào giai đoạn quan trọng từ va chạm thương mại sang xung đột thương mại.

Quay trở lại TPP sẽ giúp Mỹ kiềm chế Trung Quốc, bảo vệ địa vị lãnh đạo của Mỹ trong hệ thống kinh tế thế giới, va chạm thương mại giữa Trung Quốc và sẽ dần chuyển sang va chạm mang tính tổng hợp, phạm vi sẽ mở rộng từ song phương sang khu vực châu Á-Thái Bình Dương và các lĩnh vực đa phương.

Có thể thấy chính sách của ông Trump không phản đối toàn cầu hóa, mà lùi một bước để tiến ba bước, tìm kiếm môi trường kinh tế bên ngoài có lợi cho nước mình, chèn ép Nga, Trung Quốc và một số nước.

Tín hiệu quay trở lại TPP kèm theo điều kiện của Mỹ sẽ thúc đẩy các nước như Nhật Bản đẩy mạnh việc thực thi CPTPP, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho Mỹ quay trở lại TPP, các cơ chế hợp tác khác nhau ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương sẽ xuất hiện xu thế mới.

Công bố văn bản cuối cùng của CPTPP, chờ ngày ký chính thức Công bố văn bản cuối cùng của CPTPP, chờ ngày ký chính thức Để CPTPP “do dân và vì dân” Để CPTPP “do dân và vì dân” Tháo gỡ Tháo gỡ 'căng thẳng' công đoàn, tháng 3 Việt Nam sẽ ký TPP-11
Tuổi trẻ

      © 2021 FAP
        247,081       607