TTO - Washington có thể sẽ hỉ hả sau khi quyết định cấm vận mới thêm của mình khiến Bình Nhưỡng phải bắn tiếng thương lượng. Liệu có quyền tin về một cơ hội tốt cho hòa bình?
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In cùng phu nhân và cố vấn tổng thống Mỹ Ivanka Trump ở hàng đầu tham dự lễ bế mạc Thế vận hội mùa đông Pyeongchang ngày 25-2. Ở hàng sau bên phải là tướng Triều Tiên Kim Yong Chol - trưởng phái đoàn CHDCND Triều Tiên đến dự lễ bế mạc - Ảnh: REUTERS
Viễn ảnh hai miền Triều Tiên sẽ ngồi vào bàn đàm phán vừa xuất hiện, Mỹ đã đổ thêm dầu vào lửa khi đơn phương tuyên bố các biện pháp trừng phạt mới đối với CHDCND Triều Tiên. Các bên đều mong muốn giải pháp chính trị, còn Mỹ vẫn không loại trừ thực hiện "giai đoạn hai".
Chính phủ Hàn Quốc đánh giá các biện pháp trừng phạt mới của Mỹ đối với CHDCND Triều Tiên là tiếp tục khẳng định nỗ lực giải quyết vấn đề hạt nhân Triều Tiên theo phương thức hòa bình và ngoại giao. Hãng tin Yonhap (Hàn Quốc) đã dẫn lời một quan chức giấu tên của Bộ Ngoại giao Hàn Quốc nhận định như vậy.
Quan chức này giải thích: "Chúng tôi đánh giá đây là nỗ lực để đưa Triều Tiên đến con đường phi hạt nhân hóa thông qua trừng phạt và gây sức ép mạnh mẽ".
Nguồn tin này xác định Seoul và Washington sẽ tiếp tục duy trì quan hệ chặt chẽ ở mọi cấp để đạt được mục đích chung là "giải quyết hòa bình hồ sơ hạt nhân Triều Tiên".
Mỹ thích gia tăng đối đầu
Nhận định từ phía Nga lại khác với phía Hàn Quốc. Thượng nghị sĩ Konstantin Kosachev, chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Hội đồng Liên bang Nga (Thượng viện Nga) ghi nhận các biện pháp trừng phạt mới của Mỹ với Triều Tiên đã chứng tỏ Mỹ thích gia tăng đối đầu hơn là giải quyết vấn đề thông qua đàm phán.
Ông viết trên Facebook: "Lần này khi ban hành các biện pháp trừng phạt 56 tàu, công ty hàng hải và công ty vận tải, Bộ Tài chính Mỹ dường như biến một cơ quan chuyên về tài chính thành một bộ máy trừng phạt lợi dụng sự thống trị của Mỹ trong nền kinh tế thế giới để phục vụ cho lợi ích riêng của mình".
Theo ông, đây là lý do nữa để các bên đang tham gia tiến trình kinh tế toàn cầu phải suy nghĩ cách thức phòng vệ đối với "hành vi độc tài trắng trợn và mặc cả" của Mỹ.
Khi quan chức Bộ Ngoại giao Hàn Quốc đánh giá các biện pháp trừng phạt mới của Mỹ là nỗ lực giải quyết vấn đề theo phương thức hòa bình và ngoại giao, dường như đánh giá này chỉ nêu màn một của giải pháp Mỹ.
Trong cuộc họp báo chung với Thủ tướng Úc Malcolm Turbull hôm 23-2 (giờ địa phương), Tổng thống Donald Trump còn nhắc đến một giải pháp khác chứ không chỉ là "phương thức hòa bình và ngoại giao". Ông Trump nhấn mạnh nếu trừng phạt không hiệu quả, "chúng ta phải chuyển sang giai đoạn hai". Đó có thể là giải pháp quân sự.
Hai người đóng giả Kim Jong Un và Donald Trump tiếp tục khuấy động không khí bên lề Olympic mùa Đông PyeongChang ở Hàn Quốc ngày 25-2 sau khi bị đuổi đi - Ảnh: REUTERS
Xung đột có mặt Nga và Trung Quốc
Thượng nghị sĩ Leonid Slutsky, chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Duma quốc gia (Hạ viện Nga) cho rằng lời hăm dọa "chuyển sang giai đoạn hai" của ông Trump là "tuyên bố nguy hiểm và khiêu khích".
Ông nhận xét: "Bình Nhưỡng có thể đánh giá đây là tuyên bố nhằm phát động hành động quân sự với việc sử dụng kho vũ khí hạt nhân. Trump và Kim Jong Un đều có lời ăn tiếng nói như nhau và như vậy chỉ có thể gây lo ngại". Ông cho rằng không thể chấp nhận để hai nhà lãnh đạo này đe dọa đến sự tồn vong của toàn thế giới khi ai cũng muốn "chơi kèo trên".
Phó chủ nhiệm thứ nhất Ủy ban Đối ngoại Hội đồng Liên bang Nga Vladimir Djabarov nhận xét: "Tôi chưa rõ ông Trump muốn đạt được mục đích nào với kiểu tuyên bố và hành động như thế. Cần nhớ rằng Triều Tiên là nước láng giềng của hai cường quốc hạt nhân Nga và Trung Quốc. Mọi hành động tấn công Bình Nhưỡng đều có thể phát động một cuộc xung đột lớn". Cuộc xung đột này sẽ lôi kéo Nga và Trung Quốc tham gia.
Kiểu phát biểu của ông Trump với hàm ý Mỹ sẽ tấn công Triều Tiên sẽ có thể dẫn đến hành động đáp trả của Bình Nhưỡng.
Ông Djabarov ghi nhận: "Cần phải nhận thấy tuyên bố này (của ông Trump) lại được đưa ra vào lúc viễn ảnh tiếp xúc và đối thoại với Triều Tiên đã xuất hiện nơi chân trời. Điều ra tạo cảm giác Washington cần xung đột". Ông mong muốn những cái đầu lạnh ở Mỹ nên giữ ông Trump rời xa giải pháp quân sự.
Nga không bao giờ ủng hộ tiêu chuẩn quốc gia hạt nhân tự phong của Triều Tiên nhưng chúng tôi chỉ nói đến một giải pháp chính trị và ngoại giao đối với tình hình trên bán đảo Triều Tiên. Giải pháp quân sự không thể xảy ra"
Thượng nghị sĩ Leonid Slutsky, chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Duma quốc gia Nga
Kịch bản đáng sợ có thể xảy ra
Điều gì sẽ xảy ra sau khi Mỹ tuyên bố áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt mới với Triều Tiên? Ông Harry J. Kazianis, giám đốc nghiên cứu quốc phòng ở Trung tâm Lợi ích quốc gia Mỹ, nhận định sẽ có hai kịch bản xảy ra.
Kịch bản đầu tiên là Triều Tiên quyết định ngồi vào bàn đàm phán không chỉ với Hàn Quốc mà còn với Mỹ. Các cuộc đàm phán chắc chắn sẽ khó khăn và có thể kéo dài nhiều năm.
Kịch bản thứ hai đáng sợ hơn nhưng hiện thực hơn là tình hình vẫn tiếp tục căng thẳng và Thế vận hội mùa đông Pyeongchang vừa qua chỉ được xem như thời hưu chiến. Sau Thế vận hội, Bình Nhưỡng sẽ tiếp tục yêu cầu Washington và Seoul hủy bỏ hoàn toàn các cuộc tập trận.
Nếu yêu cầu không được đáp ứng, Triều Tiên sẽ có biện pháp đáp trả như thử hạt nhân hay bắn tên lửa tầm xa tiếp tục.
Vì thế không có gì ngạc nhiên khi hãng thông tấn KCNA của CHDCND Triều Tiên hôm 25-2 dẫn lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Triều Tiên khẳng định: "Như chúng tôi đã nhiều lần tuyên bố, chúng tôi đánh giá mọi kiểu cấm vận là hành động chiến tranh đối với chúng tôi".
Gia tăng các biện pháp trừng phạt Triều Tiên chỉ khiến mọi việc dần dần trở nên tệ hại!