TTO - Nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển viết về ba bản tiếng Anh, tiếng Pháp và tiếng Hoa của Dạ cổ hoài lang trước khi tỉnh Bạc Liêu công bố công trình biên dịch Dạ cổ hoài lang vào năm nay.
Các nghệ sĩ Đoàn cải lương Cao Văn Lầu trong lễ kỷ niệm 90 năm bản Dạ cổ hoài lang tại Bạc Liêu năm 2009 - Ảnh: T.T.D.
Thế giới có trên dưới 4 tỉ người nói tiếng Anh, khoảng 1 tỉ người nói tiếng Pháp và khoảng 1,5 tỉ người nói tiếng Hoa.
Tôi nghĩ nếu 20 câu ca từ trong bài Dạ cổ hoài lang được dịch ra ba thứ tiếng Anh, Pháp, Hoa và được công bố lên mạng thì có lẽ những nhà văn hóa nước ngoài yêu mến và muốn nghiên cứu âm nhạc cổ truyền Việt Nam sẽ đọc và hiểu được Dạ cổ hoài lang nói gì.
Thông qua đó, quốc tế sẽ hiểu thêm giá trị nhân văn trong một bài bản cổ của âm nhạc đờn ca tài tử Việt Nam.
Từ cải lương đến tân nhạc
Cũng cần nhắc lại năm 1999, theo đề nghị của Bạc Liêu, tôi phục hiện bài Dạ cổ hoài lang của cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu, lấy các chữ đờn trong thanh nhạc cổ của ông hò, xự, xang, xê, cống, liu, ú đối chiếu với thanh nhạc Tây phương, viết ra bằng solfège Tây phương một bài Dạ cổ hoài lang mới.
Phục hiện (réarrangement) là tái hiện một tác phẩm âm nhạc cũ mà văn bản đã thất lạc ra thành một tác phẩm âm nhạc mới nhưng vẫn bảo đảm được giai điệu, ca từ như tác phẩm âm nhạc cũ.
Nếu ta cứ giữ bản Dạ cổ hoài lang trong cổ nhạc thì nó đơn giản chỉ là một bài bản trong nhiều bài bản của đờn ca tài tử Nam Bộ. Nhưng nếu chúng ta tách ra thành một ca khúc (chanson) độc lập thì nó là ca khúc chính quy và hoàn chỉnh.
Năm 2012, tôi chỉnh lý ca khúc này, giữ nguyên ca từ theo những chữ dùng của nhạc sĩ Cao Văn Lầu được ngành văn hóa tỉnh Bạc Liêu công bố.
Ca khúc Dạ cổ hoài lang phục hiện được nhiều ca sĩ chọn hát, nhiều nhạc sĩ làm hòa âm và thu thanh; đưa Dạ cổ hoài lang của Cao Văn Lầu thoát ra khỏi sân khấu cải lương, đĩnh đạc bước vào sân khấu tân nhạc và truyền hình.
Giới trẻ thiết tha với giá trị văn hóa nghệ thuật Nam Bộ có một ca khúc Dạ cổ hoài lang để chơi, người nghiên cứu âm nhạc cổ truyền Nam Bộ có thêm một ca khúc để nghiên cứu. Tôi nghĩ đó là một bước quảng bá rộng rãi cho giá trị của Dạ cổ hoài lang.
Bản dịch tiếng Pháp của Danh Đức
...và ra thế giới
Các bản dịch hoàn thành năm 2012, nhưng chúng tôi đợi tới hôm nay mới công bố trên báo Tuổi Trẻ để quảng bá đến công chúng.
Tháng 12-2017, ông Phạm Hoài Nam - phó chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu - trao đổi với chúng tôi rằng qua sau Tết Nguyên đán 2018 sẽ báo cáo công trình biên dịch này tại nhà lưu niệm Cao Văn Lầu ở Bạc Liêu.
Vậy nay qua báo Tuổi Trẻ, chúng tôi xin công bố trước các bản biên dịch Dạ cổ hoài lang ra ngoại văn để bạn đọc có thêm tư liệu nghiên cứu.
Ngày nay, việc dịch Dạ cổ hoài lang ra ba thứ tiếng Anh, Pháp, Hoa được coi là một bước quốc tế hóa nội dung và giá trị tư tưởng của Dạ cổ hoài lang.
Ba người bạn tham gia biên dịch Dạ cổ hoài lang ra ngoại văn là ba nhà báo nổi tiếng gồm nhà báo Danh Đức (Tuổi Trẻ) bản tiếng Pháp, nhà báo Tố Loan (Thanh Niên) bản tiếng Anh và nhà báo Liêu Phúc Minh (Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn) bản tiếng Hoa.
Dịch một văn bản 20 câu tiếng Việt ra ngoại văn là không khó, nhưng dịch 20 câu từ nguyên tác Dạ cổ hoài lang ra ngoại văn là không dễ, bởi có một số thuật ngữ mà tác giả dùng cơ bản không có trong ngoại văn như "phu tướng", "luống trông", "én nhạn", "gan vàng"...
Ca từ Dạ cổ hoài lang chừng mực nào đó mang theo tính ước lệ của văn chương Chinh phụ ngâm. Người biên dịch phải hiểu đúng ngữ nghĩa trong văn cảnh thì bản dịch mới chuẩn xác.
Cả ba nhà báo Danh Đức, Tố Loan và Liêu Phúc Minh đều là những nhà báo giàu kinh nghiệm biên dịch và thiết tha yêu mến những giá trị văn hóa nghệ thuật dân tộc.
Họ là những nhà báo sinh ra hoặc lớn lên ở miền đất Nam Bộ, thẩm thấu giai điệu dân ca cổ nhạc Nam Bộ, có kiến thức về âm nhạc tài tử và cải lương Nam Bộ. Bản dịch của họ giàu tính văn học, bảo đảm tính trữ tình, tính lãng mạn và tinh thần nhân văn trong nguyên tác.
Trước khi biên dịch, chúng tôi cũng đã trao đổi thống nhất một số khái niệm để có sự đồng thuận cao về bản biên dịch.
Đây là công trình chung của các nhà báo thiết tha yêu văn hóa nghệ thuật dân tộc, muốn quảng bá Dạ cổ hoài lang sâu rộng hơn đến với những người bạn nước ngoài yêu mến văn hóa âm nhạc Việt Nam.
Bản dịch tiếng Hoa của Liêu Phúc Minh
Bản dịch tiếng Anh của Tố Loan