TTO - Mối quan hệ giữa Philippines và Mỹ vẫn trồi sụt từ khi ông Duterte lên nắm quyền. Manila lại vừa phản ứng mạnh sau khi tình báo Mỹ nói ông Duterte là "mối đe dọa".
Tổng thống Rodrigo Duterte (thứ ba từ phải sang) trong trang phục quân sự đến thăm TP Marawi hồi tháng 7-2017 khi quân đội Philippines tiến hành cuộc chiến chống khủng bố tại đây - Ảnh: PHỦ TỔNG THỐNG PHILIPPINES
Hôm nay (21-2), Phủ Tổng thống Philippines đã lên tiếng bày tỏ quan ngại việc cộng đồng tình báo Mỹ coi nhà lãnh đạo Philippines là "mối đe dọa đối với nền dân chủ ở Đông Nam Á".
Báo Rappler của Philippines cho biết Phát ngôn viên của Tổng thống Duterte, ông Harry Roque chỉ trích "các nhận xét của cộng đồng tình báo Mỹ về Tổng thống Rodrigo Duterte là thiển cận và chỉ mang tính suy đoán".
Tuần trước, Cộng đồng tình báo Mỹ (gồm 17 cơ quan, kể cả CIA) đã đưa ra một báo cáo trong đó nói Tổng thống Philippines Duterte là một trong những nhà lãnh đạo ở Đông Nam Á tiếp tục "đe dọa" đến nền dân chủ trong khu vực.
Báo cáo của phía Mỹ công bố ngày 13-2 chỉ ra rằng: "Ở Philippines, Tổng thống Duterte tiếp tục chiến dịch chống tội phạm ma túy, tham nhũng. Ông Duterte từng phát tín hiệu rằng ông ấy có thể đình chỉ Hiến pháp, tuyên bố thực thi chính phủ cách mạng và áp dụng thiết quân luật trên toàn quốc".
Thông cáo ngày 21-2 của Phủ Tổng thống Philippines bày tỏ quan ngại về báo cáo của phía Mỹ. Phát ngôn viên Harry Roque tuyên bố: "Chúng tôi bày tỏ quan ngại về tuyên bố đó của cộng đồng tình báo Mỹ. Tôi cho rằng tuyên bố đó không đúng sự thật. Ngài Tổng thống là một luật sư, ông ấy biết luật và luôn muốn thượng tôn pháp luật, ông ấy hiểu rõ về nhân quyền", ông Roque nói.
Phía Philippines phản ứng với từng cáo buộc của phía Mỹ. Ông Roque nói rõ rằng Tổng thống Duterte không phải là "người độc đoán" và cũng "không có khuynh hướng độc đoán" bởi ông ấy vẫn trung thành với Hiến pháp và tuân thủ luật.
Đại diện của ông Duterte cũng nói rằng "truyền thông ở Philippines vẫn được tự do hoạt động, tự do in ấn bất kể thông tin gì, kể cả ‘tin tức giả’ (hàm ý nói đến tờ báo Rappler mà chính quyền Manila cho rằng có tiền tài trợ của Mỹ)".
Ông Roque cũng phản bác việc Mỹ cáo buộc Manila sử dụng mạng xã hội để tuyên truyền và ngăn chặn các ý kiến phản đối. "Tôi chưa từng thấy có chính phủ nào trong thế giới tự do này lại không sử dụng mạng xã hội để truyền đi thông điệp lẫn chương trình hành động của mình. Điều đó càng đúng với trường hợp của Mỹ", ông Roque đá xéo.
Đây không phải lần đầu tiên Mỹ hướng sự chỉ trích vào Tổng thống Duterte và chiến dịch chống tội phạm ma túy của ông. Kể từ chiến dịch này khởi động vào tháng 7-2016, hơn 4.000 người đã thiệt mạng. Một số tổ chức nhân quyền cáo buộc cảnh sát Philippines tiêu diệt tội phạm không qua xét xử.