TTO - Sắp tới, hàng chục ngàn hôn phu/hôn thê của lao động nước ngoài tay nghề cao (diện visa H4) đang sinh sống hợp pháp ở Mỹ có thể không còn được cấp giấy phép làm việc theo một chương trình hỗ trợ có từ thời ông Obama.
Cô Neeharika Bhashyam (phải) là một sinh viên Ấn Độ đến Mỹ theo diện visa H4 dành cho gia đình lao động tay nghề cao - Ảnh: Chicago Tribune
Theo báo Chicago Tribune, sớm nhất là trong tháng 2 này, chính quyền Donald Trump có thể chấm dứt chương trình cho phép vợ/chồng của lao động nước ngoài (visa H4) làm việc hợp pháp tại Mỹ.
Nhóm đối tượng bị ảnh hưởng phần lớn gia đình của các kỹ sư công nghệ đến từ Ấn Độ và Trung Quốc.
Chính quyền ông Obama từng áp dụng quy định gọi là H4 EAD (văn bản ủy quyền tuyển dụng dành cho visa H4) năm 2015 một phần để giải quyết tình trạng ùn ứ một lượng lớn người Trung Quốc và Ấn Độ có visa H-1B đang chờ được xét duyệt quy chế thường trú nhân (thẻ xanh).
Một vài thống kê ước tính số người chờ đợi có thể trên 1 triệu người. Nếu số đơn tồn đọng giữ ở mức hiện tại, một người Ấn Độ có visa H-1B có thể phải chờ đến 70 năm để tới lượt mình.
Trước khi ông Obama ban hành H4 EAD, vợ hoặc chồng của lao động nước ngoài chỉ được bảo lãnh sang Mỹ sinh sống chứ không được phép đi làm.
Bộ An ninh nội địa Mỹ đã ra thông báo về thay đổi dự kiến liên quan đến H4 EAD từ mùa thu năm ngoái, dẫn lý do là tuân theo sắc lệnh "Mua hàng Mỹ, Thuê người Mỹ" do Tổng thống Trump ban hành vào tháng 4-2017.
Sắc lệnh yêu cầu các cơ quan chính phủ "phải bảo vệ quyền lợi người lao động Mỹ trong công tác quản lý hệ thống nhập cư, bao gồm ngăn chặn tình trạng lừa đảo và lợi dụng".
"Bộ đang cân nhắc một số thay đổi về chính sách và quy định nhằm thực thi sắc lệnh hành pháp của Tổng thống. Chưa có quyết định cuối cùng về visa H4 cho đến khi quy trình được hoàn thành" - bà Joanne Talbot, người phát ngôn Bộ An ninh nội địa, thông tin.
Năm 2018 sẽ có nhiều thay đổi liên quan đến chính sách nhập cư và lao động tại Mỹ - Ảnh: REUTERS
Giấy phép lao động dành cho vợ/chồng lao động nước ngoài không bị ràng buộc với một nhà tuyển dụng cụ thể, khác với visa H-1B, và nó phải được gia hạn cùng lúc với visa H-1B. Hơn 104.000 giấy phép dạng này đã được cấp trong hơn 3 năm kể từ khi có quy định.
Tuy nhiên, lao động diện visa H4 chỉ chiếm một tỉ lệ rất nhỏ trên tổng số lao động nước ngoài hợp pháp tại Mỹ (3% trong năm 2016).
Chương trình H4 EAD cũng là một đối tượng bị kiện tụng. "Đó chỉ là một chương trình dành cho lao động tạm thời, nhưng vợ anh muốn làm ở đâu cũng được? Nó hết sức vô lý" - luật sư John Miano, người đại diện cho một nhóm lao động Mỹ, tranh luận.
Visa H-1B (lao động tay nghề cao) được cấp trong thời hạn 3 năm và tiếp tục được gia hạn 3 năm tiếp theo. Sau giai đoạn đó người lao động có thể nộp đơn xin quy chế thường trú, và chỉ khi đó vợ/chồng họ mới có thể xin quy chế H4 EAD.
Hiện tại, Mỹ giới hạn mỗi quốc gia không thể chiếm quá 7% số thẻ xanh được cấp trong một năm. Điều này gây ra tình trạng ùn tắc đối với các nước đông dân như Ấn Độ và Trung Quốc.
Dù đã có một số đề xuất giải quyết chính sách nhập cư cho lao động tay nghề cao, chủ trương của ông Donald Trump là đưa visa H-1B "trở về đúng nghĩa của nó" và tránh tình trạng lao động Mỹ mất việc làm.
"Nếu anh là một lao động Mỹ, 2/3 Hạ viện đang bảo kê cho dự luật giải quyết ùn tắc thẻ xanh. Vậy cái dự luật cấm sa thải người Mỹ để thay bằng lao động H-1B đâu? Đó là lý do tại sao ông Donald Trump làm tổng thống, quý vị thân mến" - luật sư Miano chốt lại.