TTO - Bên lề Hội nghị đối thoại dân tộc Syria ở Sochi (Nga) hôm 30-1, Thứ trưởng ngoại giao Iran Hossein Jaberi Ansari đã hội đàm với đặc phái viên Trung Quốc Tạ Hiểu Nham. Hai bên khẳng định tiếp tục hợp tác nhằm kết thúc xung đột ở Syria.
Hội Chữ thập đỏ Syria phân phát hàng cứu trợ nhân đạo cho người dân Deir Ezzor vào tháng 9-2017 - Ảnh: AFP
Vì mục đích gì Trung Quốc lại tham gia hòa đàm về Syria bên cạnh Nga, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ - ba nước bảo trợ cho quá trình tìm kiếm hòa bình ở Syria?
Ông Lý Duy Kiện - giám đốc Trung tâm nghiên cứu chính sách đối ngoại thuộc Viện Các vấn đề quốc tế ở Thượng Hải (Trung Quốc) - ghi nhận: "Sự kiện đặc phái viên Trung Quốc tham gia hội nghị đàm phán ở Sochi là lời khẳng định mới của Bắc Kinh về quyết tâm góp phần tìm kiếm giải pháp chính trị cho vấn đề Syria".
Yếu tố Hồi giáo cực đoan Duy Ngô Nhĩ
Hiện nay Trung Quốc đang tham gia trực tiếp các cuộc đàm phán về hòa bình Syria ở Geneva (Thụy Sĩ) do LHQ bảo trợ và ở Astana (sau này là ở Sochi) do Nga bảo trợ. Tiến sĩ Pierre Picquart của Pháp giải thích rằng chính sách ngoại giao Trung Quốc ở Syria xoay quanh ba trục ưu tiên: đấu tranh chống khủng bố, ổn định lãnh thổ và phát triển kinh tế và con người.
Theo đánh giá của Trung tâm Nghiên cứu chính sách nước ngoài của Mỹ, Syria quan trọng đối với Trung Quốc vì đáp ứng hai lợi ích: 1. Trung Quốc muốn ngăn chặn các phần tử Hồi giáo cực đoan Duy Ngô Nhĩ Tân Cương tham chiến tại đây quay về nước; 2. Trung Quốc muốn xây dựng Syria trở thành đầu mối then chốt trong dự án "Vành đai - con đường" mà Chủ tịch Tập Cận Bình quyết tâm gầy dựng thành công.
Chính phủ Syria khẳng định khoảng 5.000 người dân tộc Duy Ngô Nhĩ đã xâm nhập vào Syria qua ngõ Thổ Nhĩ Kỳ tham gia các nhóm khủng bố khác nhau, trong đó có lực lượng khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS). Trung Quốc tham gia cuộc chiến chống IS ở Syria, có nghĩa là ngăn chặn từ xa các phần tử Hồi giáo cực đoan Duy Ngô Nhĩ "chuyển lửa về quê hương". Thực tế là vào tháng 2-2017, lần đầu tiên IS đã phát tán băng video bằng tiếng dân tộc Duy Ngô Nhĩ đe dọa Trung Quốc.
Báo chí Ả Rập mà đặc biệt là kênh truyền hình Al Mayadeen của Libăng đưa tin cho biết đơn vị đặc nhiệm đầu tiên của Trung Quốc đã được điều động đến cảng Tartus của Syria vào cuối tháng 12-2017. Đơn vị này sẽ giữ vai trò cố vấn, huấn luyện, trinh sát trong cuộc chiến chống khủng bố.
Khác với cách can dự của Nga, Trung Quốc nhắm đến mục đích tích lũy kinh nghiệm về chiến tranh đô thị, săn lùng khủng bố và thử nghiệm tình trạng sẵn sàng chiến đấu trong chiến tranh của binh sĩ mình.
Trung Quốc không làm như Nga là củng cố vai trò bá quyền trong khu vực mà Trung Quốc chỉ tìm cách giữ vai trò quyết định trong các cuộc đàm phán
Tiến sĩ Pierre Picquart
Dọn đường cho Vành đai - con đường
Trung Quốc đã chuẩn bị "dọn sân" để sau khi xung đột kết thúc, sẽ trở thành tác nhân quan trọng trong quá trình tái thiết Syria. Tại vòng đàm phán thứ tám về hòa bình Syria ở Geneva vào cuối tháng 11-2017, đặc phái viên Trung Quốc về Syria Tạ Hiểu Nham từng tuyên bố: "Trung Quốc sẵn sàng tham gia tái thiết Syria khi giai đoạn tái thiết bắt đầu và Chính phủ Trung Quốc sẽ khuyến khích các doanh nghiệp Trung Quốc thực hiện các dự án tại Syria".
Tình hình Syria và Iraq có ổn định, Trung Quốc mới có thể xúc tiến nhanh hơn dự án "Vành đai - con đường". Dự án này trong tương lai sẽ chạy ngang miền bắc Syria trước khi nối liền với châu Âu. Thành công của dự án chủ yếu phụ thuộc vào khả năng ngăn chặn tình hình bất ổn sắc tộc và tôn giáo dọc tuyến đường này của Trung Quốc và các đối tác như Pakistan, Afghanistan, Thổ Nhĩ Kỳ.
Tháng 9-2017, bên lề khóa họp thứ 72 của Đại hội đồng LHQ tại New York, Bộ trưởng ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đã nhắn nhủ với người đồng cấp Syria Walid Muallem: "Syria là đầu mối quan trọng trên con đường tơ lụa ngày xưa. Xây dựng "Vành đai - con đường" sẽ trở thành vận hội cho hợp tác song phương trong tương lai".
Hai tháng sau, tại buổi gặp bà Bouthaina Shaaban - cố vấn của tổng thống Syria, ông Vương Nghị lại nêu quan điểm: "Chống khủng bố, đàm phán và tái thiết là ba điểm then chốt để giải quyết vấn đề Syria".
Trong tháng 11-2017, Trung Quốc đã gửi cho Syria 1.000 tấn gạo trong hơn 5.000 tấn gạo viện trợ. Trung Quốc còn ký kết với Syria ba thỏa thuận về viện trợ nhân đạo trị giá hơn 40 triệu USD. Trung Quốc cũng thông báo sẽ xây dựng khu công nghiệp trị giá 2 tỉ USD cho 150 doanh nghiệp Trung Quốc ở Syria.
Tìm kiếm lợi thế địa - chính trị
Tiến sĩ Pierre Picquart đánh giá: "Trung Quốc rất thực tế về ngoại giao. Trung Quốc giữ quan điểm thận trọng về các vấn đề quốc tế, tôn trọng chính phủ các nước sở tại, nhưng không muốn để chính sách của Trung Quốc bị lèo lái về các hồ sơ lớn, các cuộc xung đột lớn và các nước lớn".
Khi tham dự các vòng đàm phán về hòa bình Syria ở Geneva, khác với Pháp và Mỹ, Trung Quốc luôn giữ quan điểm không can thiệp vào Syria. Trung Quốc hiện diện với ý đồ không để Mỹ hay châu Âu đơn phương quyết định vấn đề Syria. Ngoài ra, Trung Quốc còn muốn ngăn chặn ảnh hưởng của Mỹ ở Trung Đông như Trung Quốc từng làm ở Biển Đông và các khu vực khác.