TTO - Hãng tin Reuters cho rằng không phải hàng trăm người có mặt tại Hạ viện Mỹ tối 30-1 nghe trực tiếp thông điệp liên bang là khán giả của Tổng thống Trump, mà chỉ có hai bên: bên ủng hộ ông và phần còn lại của nước Mỹ chưa bị ông khuất phục.
Tổng thống Trump vỗ tay hòa điệu trong buổi tối đọc thông điệp liên bang - Ảnh: REUTERS
Về cơ bản, rất khó để phân tích được các bài phát biểu của ông Trump bởi chúng thường không đưa ra bất kỳ thứ gì quá chi tiết. Mọi thứ giống như việc đặt một viên gạch trước, còn trộn ximăng, tìm thợ hay thậm chí đào móng để... tính sau. Như tuyên bố dành 1.500 tỉ USD để xây dựng đường sá là một chuyện, có trở thành hiện thực hay không lại là chuyện khác.
Hạ "tông"
Tổng thống Trump không giấu tham vọng cần thêm ít nhất 1.500 tỉ USD cho kế hoạch khổng lồ tái thiết cơ sở hạ tầng quốc gia Mỹ - một cách để tạo ra thêm việc làm như cam kết tranh cử của ông. Hẳn nhiên những thất bại tại quốc hội trước những người Dân chủ trong năm qua đã in trong tâm trí của một tổng thống Cộng hòa như ông Trump. Dù Đảng Cộng hòa vẫn kiểm soát lưỡng viện cho đến trước cuộc bầu cử giữa kỳ tháng 11 tới, để 1.500 tỉ USD đó hiện ra trước mắt, nó cần được thông qua tại quốc hội.
Tất cả những điều trên đã biến ông Trump trở thành một người hòa nhã khi đọc thông điệp liên bang đầu tiên trong nhiệm kỳ, với lời kêu gọi đoàn kết từ lưỡng đảng vì một nước Mỹ "mạnh mẽ và đáng tự hào". Tổng thống Trump đang đứng trước thời hạn quyết định. Những người Dân chủ và Cộng hòa sẽ phải đạt được thỏa hiệp và thông qua ngân sách mới trước ngày 8-2 nếu không muốn chính phủ phải "đóng cửa" lần nữa.
Phần lớn bài thông điệp dài 80 phút của Tổng thống Trump (dài thứ ba trong lịch sử Mỹ trong vòng 50 năm trở lại đây) đã được dành để nói về vấn đề nhập cư. Ông khẳng định sẵn lòng "mở rộng bàn tay" làm việc với cả hai đảng để đạt được một thỏa thuận toàn diện, nhưng cũng không quên nhắc tới bức tường biên giới với Mexico và các biện pháp hạn chế những chương trình nhập cư hợp pháp.
Những giọt nước mắt, sự nghẹn ngào và sụt sùi của một số người được ông Trump mời đến dễ khiến người ta mủi lòng. Câu chuyện về những mất mát của họ trước tình trạng nhập cư bất hợp pháp khiến khán phòng vỗ tay và hướng về họ, ngoại trừ những người Dân chủ.
"Thời khắc mới của nước Mỹ"
Tổng thống Trump đã nhắc tới "thời khắc mới của nước Mỹ", nhấn mạnh không còn thời điểm nào thích hợp hơn hiện nay để "bắt đầu sống với giấc mơ Mỹ". "Các công dân của nước Mỹ, những người tối hôm nay đang xem bài phát biểu này từ xa, cho dù các bạn khởi đầu đến từ đâu, ở đâu hay làm gì, đây là thời khắc của các bạn. Chỉ cần các bạn làm việc chăm chỉ, chỉ cần bạn tin vào chính bản thân mình, tin vào nước Mỹ thì tôi tin rằng bạn có thể mơ về bất cứ thứ gì và cùng nhau, chúng ta chắc chắn sẽ đạt được bất cứ thứ gì mà chúng ta muốn" - ông chủ Nhà Trắng ít nhiều lặp lại những phát ngôn ông từng nêu khi đi vận động tranh cử.
Tổng thống Trump đã nói rất rõ ý tứ của ông, chỉ cần làm việc chăm chỉ và tin vào nước Mỹ chứ không phải "há miệng chờ sung" là ước mơ sẽ trở thành sự thật. Ông Trump cũng dùng từ rất đắt rằng thông điệp của ông đang hướng tới "những công dân Mỹ" (citizen) chứ không phải những người nói chung chung đang ở Mỹ.
Ông Trump vẫn duy trì kim chỉ nam "Nước Mỹ trước tiên" xuyên suốt cho đến giờ: lợi ích của người dân Mỹ là ưu tiên của ông. "Tiền của người Mỹ chảy ra nước ngoài sẽ luôn phục vụ cho lợi ích của nước Mỹ và chỉ đến tay của những người bạn thật sự của nước Mỹ" - Tổng thống Trump phát biểu, hàm ý việc Liên Hiệp Quốc - một tổ chức hoạt động với phần lớn ngân sách do Mỹ viện trợ, và các nước khác đã chống lại Mỹ như thế nào khi ông ký quyết định công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel hồi năm ngoái.
Tuy nhiên, ông Michael Steel - chiến lược gia của Đảng Cộng hòa - nhận xét với Hãng tin Reuters rằng dù tỏ ra nhượng bộ phe Dân chủ, Tổng thống Trump sẽ không thay đổi kim chỉ nam trong các chính sách của mình. "Giọng đã sáng sủa và lạc quan hơn. Đó là một sự thay đổi đáng hoan nghênh. Vấn đề bây giờ là Tổng thống Trump sẽ tiếp tục như vậy trong khoảng bao lâu" - ông Steel bình luận.
Joe Kennedy chưa đủ tầm phản biện
Trọng trách phản biện thông điệp liên bang của Tổng thống Trump - nhiệm vụ khó khăn nhất của Đảng Dân chủ, được giao cho cháu trai của cố tổng thống John F. Kennedy - hạ nghị sĩ Joe Kennedy.
Phát biểu từ bang Massachusetts, với phông nền là chiếc ôtô, nghị sĩ Joe nhấn mạnh nước Mỹ, với tư cách là quốc gia hùng mạnh và vĩ đại nhất thế giới, sẽ không để bất kỳ người dân nào bị bỏ lại phía sau. Bài phản biện được đánh giá là giàu cảm xúc, với những lần ngắt quãng, nhấn nhá đúng các chủ đề như cắt giảm thuế, nhập cư.
Tuy nhiên, theo nhận xét của giới bình luận, "ngôi sao đang lên" của Đảng Dân chủ vẫn chưa đủ tầm để làm lu mờ hoàn toàn thông điệp liên bang của ông Trump.