TTO - Chính quyền Manila dự kiến chuyển hàng ngàn công chức sang trung tâm hành chính mới ở New Clark City vốn là một căn cứ quân sự cũ của Mỹ nhằm giảm bớt áp lực cho thủ đô 13 triệu dân của Philippines.
Mô hình thành phố New Clark City - Ảnh: newvlarkcityph.com
Chính phủ của Tổng thống Rodrigo Duterte và các công ty tư nhân đang đổ tiền tỉ vào New Clark City - căn cứ không quân Clark của Mỹ bị đóng cửa từ năm 1991, với hi vọng biến nơi đây thành khu đô thị sầm uất sau năm năm nữa với ít nhất tám tòa nhà chính phủ, khoảng 8.000 nhà ở có hệ thống tàu kết nối đặc khu kinh tế tỉnh Tarlac với thủ đô Manila ở cách đó 100km về phía nam.
Chúng tôi muốn tạo nên một thành phố tương lai cho người Philippines. Không chỉ xây một thành phố, chúng tôi đang tạo nên một chuẩn mực để các thành phố khác noi theo; đó là một thành phố an toàn, tạo ra cơ hội cho tất cả mọi người, nâng chất lượng sống của dân ở đó
Ông ARNEL PACIANO CASANOVA (quan chức tham gia dự án xây New Clark City)
Đi trước tương lai
Ông Vince Dizon - chủ tịch Cơ quan Phát triển và cải tạo các căn cứ thuộc nhà nước - giải thích: "Tầm nhìn là xây dựng một thành phố phát triển bên ngoài đô thị Manila được quy hoạch tốt và đi trước tương lai. Đây là một trong những giải pháp táo bạo nhất nhằm chuyển dần các hoạt động chính trị, kinh tế và chính phủ từ thủ đô ra ngoại ô".
New Clark City rộng gần 100km2 là một phần trong kế hoạch của ông Duterte nhằm giải tỏa các văn phòng chính quyền khỏi các con đường chật cứng của Manila. Giai đoạn đầu xây trung tâm hành chính quốc gia rộng 2km2 với chi phí khoảng 2,4 tỉ USD, sẽ bao gồm các cơ quan dự phòng cho chính phủ nhằm đảm bảo hoạt động xuyên suốt trong trường hợp xảy ra động đất hay các thảm họa tự nhiên.
"Với việc các cơ quan quốc gia nằm rời rạc ở Manila, chính phủ đang đối mặt với các rủi ro nghiêm trọng bị gián đoạn hoặc bị tấn công nếu xảy ra thảm họa" - ông Dizon phân tích.
Ý tưởng xây dựng trung tâm hành chính quốc gia chỉ mới được đưa ra bàn thảo vào năm ngoái và chỉ mất bốn tháng để được thông qua. Một số cơ quan như Bộ giao thông đã bắt đầu chuyển văn phòng tới đây từ cuối năm 2017. Những cơ quan sẽ được chuyển đến sau là Bộ tư pháp, Bộ tài nguyên thiên nhiên và môi trường, Bộ khoa học và công nghệ, Ủy ban biến đổi khí hậu...
Dự kiến trung tâm mới cũng có văn phòng phụ của Tổng thống Duterte và dành chỗ cho các đại sứ quán nước ngoài và trường học quốc tế. Nơi đây sẽ đặt các văn phòng vệ tinh và cơ quan hành chính của nhiều bộ và cơ quan. Philippines cũng sẽ xây một khu phức hợp thể thao trị giá hơn 250 triệu USD phục vụ SEA Games lần thứ 30 diễn ra vào năm 2019 với tham vọng biến nơi đây thành trung tâm đào tạo thể thao đẳng cấp thế giới. Tất nhiên là nó cũng có các dịch vụ khác như ngân hàng, trung tâm y tế, công viên và khách sạn.
Xe jeepney chở khách trên đường phố khu thị tứ Quezon thuộc đại đô thị Manila ngày 20-1 - Ảnh: REUTERS
Lớn hơn Manhattan
Có thể nói New Clark City lấy cảm hứng từ Putrajaya - thành phố hành chính mà Malaysia xây dựng vào năm 1995 ở ngoại ô Kuala Lumpur khi thành phố này trở nên quá đông đúc. "Chúng tôi hiểu được tác động to lớn của Putrajaya đối với Malaysia và chúng tôi sẽ làm điều đó với Philippines" - một quan chức Philippines nhận định.
Một trong những mục tiêu lớn nhất của New Clark City là giảm tải cho Manila với khả năng tiếp nhận khoảng 2 triệu dân sau khi hoàn thành. Ngoài ra, các quan chức Philippines cho biết trung tâm hành chính mới cũng giúp phục vụ tốt hơn người dân ở nửa phía bắc của đảo Luzon.
Manila hiện chiếm 1/3 tiềm lực kinh tế của cả Philippines. Tuy nhiên, trong một tuyên bố hồi tháng trước, tổng thống Philippines khẳng định thủ đô 13 triệu dân này sẽ là một "thành phố chết" trong 25 năm tới. Với mật độ dân cư thuộc hàng cao nhất thế giới (khoảng 20.785 người/km2), tình trạng ùn tắc giao thông tại thành phố gây thiệt hại gần 50.000 USD mỗi ngày và dự kiến tăng đến 120.000 USD vào năm 2030, theo ước tính của Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản.
Cuối cùng, tham vọng của Philippines là biến New Clark City thành "thành phố xanh, thông minh, chống chịu thảm họa" đầu tiên của Philippines. Thành phố mới dự kiến lớn hơn khu vực Manhattan của New York (Mỹ) sau khi hoàn thành trong 30-40 năm tới và sẽ đóng góp hơn 30 tỉ USD cho kinh tế của Philippines. Đây cũng là một trong những dự án lớn nhất của chương trình phát triển hạ tầng "Xây, xây và xây" trị giá hơn 155 tỉ USD của Tổng thống Duterte.
Bán đất công lấy tiền đầu tư
Để có đủ tài chính cho việc xây dựng thành phố mới, Philippines sẽ bán các bất động sản gần khu tài chính Makati của Manila, nơi giá nhà đất đang tăng cao kỷ lục.
Ngoài ra, việc mở rộng sân bay Clark, dự kiến hoàn thành vào năm 2020, sẽ giúp tiếp đón 12 triệu hành khách và tăng gấp đôi số chuyến bay trong nước, như thế cũng giúp kiếm thêm tiền.
Khoảng 250 triệu USD khác cũng dành cho việc xây dựng cầu, đường trong hai năm tới khi gần 200 triệu USD sẽ rót vào một khu công nghiệp dự kiến được đặt tại đây.