TTO - Khoảng cách thu nhập giữa nhóm siêu giàu và phần dân số còn lại của thế giới tiếp tục nới rộng khi 1% dân số thế giới sở hữu 82% số của cải thế giới tạo ra trong năm 2017.
Ảnh minh họa: AFP
Đây là báo cáo toàn cầu về người lao động của tổ chức Oxfam công bố ngày 22-1 trước thềm khai mạc Diễn đàn Kinh tế Thế giới tại Davos, Thụy Sĩ.
Theo đó trong năm 2017, 1% dân số thế giới sở hữu 82% tổng tài sản được tạo ra trên toàn cầu. Trong khi đó 3,7 tỉ người (chiếm một nửa dân số nghèo nhất thế giới) đã không hề tăng thêm chút tài sản nào.
Oxfam cho rằng khoảng cách giàu nghèo quá lớn này có nguyên nhân từ tình trạng trốn thuế, ảnh hưởng của các tập đoàn doanh nghiệp với vấn đề chính sách, nhiều quyền của người lao động bị vi phạm cũng như nguồn ngân sách dành để thu hẹp khoảng cách giàu nghèo bị cắt giảm.
Trong 5 năm qua, Oxfam liên tục có những báo cáo tương tự năm nay. Trong báo cáo năm 2017, tổ chức này cho biết 8 người giàu nhất thế giới đã sở hữu số tài sản bằng với một nửa số dân nghèo nhất thế giới (lúc đó là 3,6 tỉ người).
Năm nay theo Oxfam hiện tại 42 người giàu nhất thế giới đang sở hữu số tài sản bằng một nửa số dân nghèo nhất, đồng thời sửa lại con số này của năm ngoái là 61 người với lý do các dữ liệu được cập nhật và xu hướng "bất bình đẳng" tiếp tục nới rộng.
Đài BBC dẫn bình luận của nhà báo Anthony Reuben cho rằng rất khó để biết số tài sản mà những người "siêu giàu" và những người "siêu nghèo" hiện đang sở hữu là bao nhiêu.
Những người siêu giàu thường không công khai tài sản của họ, trong khi đó những quốc gia nghèo nhất thế giới lại thường không có được các số liệu thống kê chính xác, đầy đủ về thu nhập của người dân.
Một minh chứng rõ nhất cho điều này là trong báo cáo năm ngoái Oxfam nói có 8 người siêu giàu sở hữu số tài sản bằng một nửa số dân nghèo nhất thế giới. Nhưng nay lại sửa con số đó thành 61 người, và năm nay là 42 người. Rõ ràng sự chỉnh sửa này là khác biệt rất lớn.
Tuy nhiên, dù là 8 người, 42 người hay 61 người đang sở hữu số của cải bằng một nửa dân số thế giới, rõ ràng thông điệp chính mà báo cáo của Oxfam muốn gửi tới Diễn đàn Kinh tế Davos tại Thụy Sĩ chính là thế giới vẫn đang tồn tại một khoảng cách rất lớn về thu nhập.
Cũng trong báo cáo này, Oxfam cho biết có tới 72% trong số 70.000 người lao động tham gia điều tra của tổ chức này tại 10 quốc gia cho biết họ mong muốn các chính phủ sẽ "mau chóng thu hẹp khoảng cách thu nhập giữa người giàu và nghèo" tại nước mình.
Tuy nhiên theo ông Mark Littlewood, tổng giám đốc tại tổ chức nghiên cứu The Institute of Economic Affairs, cho rằng Oxfam đang ngày càng "bị ám ảnh vì những người giàu hơn là những người nghèo".
Chuyên gia này nói: "Các mức thuế cao hơn và sự tái phân phối sẽ chẳng thể giúp gì người nghèo; những người giàu hơn cũng là những người phải đóng thuế cao hơn, việc giảm bớt tài sản của họ sẽ không dẫn tới quá trình tái phân phối".
Đồng quan điểm phê phán này, chuyên gia Sam Dumitriu, đứng đầu bộ phận nghiên cứu tại tổ chức Adam Smith Institute cũng cho rằng các thống kê về tình trạng bất bình đẳng của Oxfam "luôn phác ra một bức tranh không đúng".
"Trên thực tế, tình trạng bất bình đẳng toàn cầu đã giảm rất mạnh trong vài thập kỷ qua", ông Sam Dumitriu nói.
"Khi Trung Quốc, Ấn Độ và Việt Nam tiến hành các cải cách tự do mới về quyền sở hữu đất đai, giảm bớt các quy định quản lý và tăng tính cạnh tranh, những người nghèo nhất thế giới đã được tăng lương đáng kể, theo đó dẫn tới một quá trình phân phối thu nhập trên toàn cầu bình đẳng hơn", ông Sam Dumitriu phân tích.