Thế giới

Biểu tình phản đối Triều Tiên dự Olympic ở Hàn Quốc

TTO - Bất chấp lời kêu gọi của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In, cho rằng đây là "cơ hội hiếm hoi" để nói chuyện với Triều Tiên, một số cuộc biểu tình chống Bình Nhưỡng vẫn nổ ra tại Seoul ngày 22-1.

Biểu tình phản đối Triều Tiên dự Olympic ở Hàn Quốc - Ảnh 1.

Phái đoàn tiền trạm của Triều Tiên sang Hàn Quốc do nữ ca sĩ trưởng đoàn Hyon Song Wol dẫn đầu đã có mặt ở Seoul - Ảnh: REUTERS

"Chúng tôi phản đối Olympic Bình Nhưỡng của Kim Jong Un" - Đó là dòng chữ đọc được trên một khẩu ngữ của nhóm biểu tình tại nhà ga trung tâm Seoul. Mười mấy tiếng trước đó, một đoàn tiền trạm Olympic của Triều Tiên do cô Hyon Song Wol -  trưởng nhóm nhạc toàn nữ Moranbong, dẫn đầu đã đi qua nơi này.

Năm nay, Hàn Quốc là chủ nhà của Thế vận hội mùa đông Pyeongchang tại tỉnh Gangwon từ ngày 9 đến 25-2. Ủy ban Olympic quốc tế thông báo đoàn Triều Tiên sẽ có 22 vận động viên đủ tiêu chuẩn tham gia tranh tài tại 3 môn với 5 nội dung. 

Riêng môn khúc côn cầu, Triều Tiên và Hàn Quốc sẽ cùng tranh tài cùng các nước khác với tư cách chung một đội. "Binh đoàn mỹ nữ" Triều Tiên - những cô gái cổ vũ xinh đẹp, được trông chờ sẽ có màn biểu diễn ấn tượng tại thế vận hội. Tất cả những động thái này diễn ra sau khi tín hiệu để ngỏ đối thoại với Hàn Quốc của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un được hồi đáp.

Trong khi Tổng thống Moon thận trọng lạc quan trước các diễn biến mới, một bộ phận người dân Hàn Quốc bực dọc vì cho rằng Triều Tiên đã "cướp sóng". Theo họ, toàn bộ sự chú ý của thế giới bây giờ đều đổ dồn về đoàn Triều Tiên trong khi đáng lẽ phải là Hàn Quốc - nước đã bỏ hàng đống tiền ra để tổ chức thế vận hội.

Theo hãng thông tấn Yonhap của Hàn Quốc, quyết định thi đấu môn khúc côn cầu chung với Triều Tiên đã khiến công luận Hàn Quốc tức giận. Một số vận động viên Hàn Quốc trong đội tuyển khúc côn cầu tỏ ra bất mãn, cho rằng điều này đã tước mất cơ hội 4 năm mới có một lần của họ.

Những tức giận trên đã dẫn tới sự quá khích của một nhóm biểu tình tại nhà ga trung tâm Seoul ngày 22-1. Nhưng khi hình ảnh của nhà lãnh đạo Kim Jong Un bị châm lửa đốt, cảnh sát Hàn Quốc đã ra tay can thiệp.

Mong manh như đèn trước gió

Biểu tình phản đối Triều Tiên dự Olympic ở Hàn Quốc - Ảnh 2.

Tổng thống Moon là người có quan điểm linh hoạt trong vấn đề hạt nhân Triều Tiên, khi mềm dẻo, lúc cứng rắn - Ảnh: REUTERS

"Chúng ta đang đứng trước cơ hội hiếm có để giải quyết hòa bình vấn đề hạt nhân của Triều Tiên, kiến tạo một nền hòa bình thực sự trên bán đảo Triều Tiên. Tất cả đều nhờ vào Olympic Pyeongchang và Paralympic - thứ đã cho phép Bình Nhưỡng và Seoul trực tiếp đối thoại với nhau", Tổng thống Hàn Quốc nhấn mạnh trong phiên họp nội các sáng 22-1.

"Tôi kêu gọi tất cả người dân nên thể hiện sự ủng hộ trong việc duy trì và mở rộng các cuộc đối thoại như bảo vệ đèn trước gió, bởi chúng ta có thể sẽ không bao giờ đứng trước cơ hội như vậy một lần nào nữa", ông Moon kêu gọi.

Thực tế, theo hãng tin Reuters, cuộc biểu tình phản đối Triều Tiên ngày 22-1 không phản ánh đúng thái độ của công luận Hàn Quốc. Người dân Seoul phần lớn đều hoan nghênh sự tham gia của đoàn Triều Tiên tại thế vận hội.

"Nhưng đừng ai lạc quan quá mức về tình hình hiện tại, bởi không ai biết những điều như vậy sẽ kéo dài trong bao lâu. Chúng ta cần sự thông thái và nỗ lực không ngừng để bắt lấy cơ hội đối thoại với miền bắc, để các cuộc đối thoại liên Triều có thể trở thành mào đầu cho các cuộc đàm phán giữa Mỹ với Triều Tiên và nhiều cuộc khác", tổng thống Moon kêu gọi.

Trong khi Hàn Quốc đang thể hiện mong muốn những cuộc đối thoại giữa hai miền tiếp tục mở rộng, không chỉ riêng về sự tham dự của đoàn Triều Tiên tại thế vận hội, giới phân tích vẫn tỏ ra nghi ngờ một khả năng như vậy.

Không có tín hiệu nào cho thấy Bình Nhưỡng sẵn sàng đối thoại với Seoul và các nước khác như Mỹ về vấn đề gai góc nhất hiện nay: phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên. Thậm chí, một số ý kiến kém lạc quan còn cho rằng sau khi thế vận hội kết thúc, Bình Nhưỡng sẽ không thèm đoái hoài tới Seoul nữa.

Biểu tình phản đối Triều Tiên dự Olympic ở Hàn Quốc - Ảnh 3.

Trưởng đoàn tiền trạm Triều Tiên Hyon Song Wol được người dân Hàn Quốc chào đón khi đến Seoul ngày 21-1 - Ảnh: REUTERS

Dân Tokyo trốn xuống tàu điện ngầm, tránh tên lửa Triều Tiên

Đó là nội dung của cuộc diễn tập sơ tán lần đầu tiên được tổ chức tại thủ đô Tokyo của Nhật Bản ngày 22-1. Trong khi những hi vọng hòa bình đang được nhen nhóm trên bán đảo Triều Tiên, Nhật Bản vẫn kiên trì với nỗ lực giúp người dân chuẩn bị sẵn sàng cho một cuộc chiến không báo trước.

"Một tên lửa được bắn đi từ Triều Tiên có thể bay đến Nhật Bản trong vòng 10 phút. Sẽ mất 3 phút để phát đi cảnh báo kể từ khi tên lửa rời bệ phóng, đồng nghĩa người dân sẽ chỉ có tối đa 5 phút để tìm chổ trốn một cách an toàn", một quan chức chính phủ Nhật nói với hãng tin Reuters.

Điều đáng ngạc nhiên là các nỗ lực đảm bảo sinh mạng người dân của chính phủ Nhật lại bị phản đối bởi một nhóm bảo thủ. Họ cho rằng chính phủ chỉ đang gieo rắc và lan tỏa nỗi sợ hãi trong dân chúng (!?).

Tuổi trẻ

      © 2021 FAP
        247,781       957