TTO - Đó là câu hỏi được giới quan sát đặt ra, trong lúc lãnh đạo thế giới đang tề tựu về thị trấn Davos (Thụy Sĩ) tham dự hội nghị thường niên Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF).
Lực lượng an ninh quan sát người làm vệ sinh hất tuyết khỏi mái nhà trung tâm WEF ở Davos ngày 21-1 -Ảnh: Reuters
Nếu không có gì bất ngờ xảy ra vào giờ chót, Tổng thống Mỹ Donald Trump cùng 8 bộ trưởng và ít nhất 7 quan chức cấp cao sẽ đến Davos vào ngày 26-1. Đây là thành phần đông đảo và "nặng ký" nhất Mỹ từng gửi đến Davos, đó là chưa kể đến sự xuất hiện lần đầu tiên của một tổng thống Mỹ, kể từ thời ông Bill Clinton năm 2000.
Các bộ trưởng Mỹ sẽ có mặt ở Thụy Sĩ bao gồm Steven Mnuchin (Tài chính), Rex Tillerson (Ngoại giao), Wilbur Ross (Thương mại), Rick Perry (Năng lượng), Kirstjen Nielsen (An ninh nội địa), Elaine Chao (Giao thông), Alex Acosta (Lao động), Robert Lighthizer (đại diện thương mại Mỹ)...
Với lực lượng đông đảo như vậy, có thể tạm hiểu Washington muốn ủng hộ các nỗ lực đoàn kết quốc tế trong các vấn đề thương mại, biến đổi khí hậu, người tị nạn... bằng cách gửi đến Davos một loạt tư lệnh đầu ngành.
Tôi tin các bộ trưởng đến đông đảo vì họ có điều muốn nói và muốn giải thích về những gì chính quyền ông Trump đang cố gắng làm. Nếu tất cả là sự hiểu lầm, đó sẽ là cơ hội để họ giải thích với những người nắm giữ lợi ích lớn trong chính sách của Mỹ
Ông Tony Fratto (cựu quan chức Bộ Tài chính Mỹ thời tổng thống George W. Bush)
Nhưng Tổng thống Trump rõ ràng là khác. Lời hứa "chiến đấu vì những người đàn ông và phụ nữ bị lãng quên" ông đưa ra cách đây tròn một năm đồng nghĩa với tẩy chay trật tự toàn cầu hóa, mà đại diện của nó không ai khác hơn là những người ngồi ở Davos.
Tại sao Tổng thống Trump, người phản đối mọi giá trị WEF muốn gìn giữ, lại đích thân xuất hiện ở Davos? Trả lời câu hỏi này không dễ, như chính ông Vali Nasr - hiệu trưởng Trường John Hopkins, nghiên cứu quốc tế chuyên sâu - thừa nhận trên báo Washington Post. "Bởi vì ông ấy nghe đó là nơi các tỉ phú tụ tập? Hay ở đây còn một thông điệp kinh tế, chính trị hoặc tư tưởng nào đó?" - vị học giả thắc mắc.
Ông Nasr, người từng phục vụ trong Bộ Ngoại giao Mỹ dưới thời tổng thống Barack Obama, chia sẻ khi ông Obama từ chối tham dự hội nghị của WEF, có thể hiểu ngay ông không muốn tỏ ra quá gần gũi với "nhóm 1%" (những người nắm giữ phần lớn của cải của thế giới). Và quả thật hồi năm 2013, Davos từng lời ra tiếng vào vì phái đoàn khiêm tốn của tổng thống Obama, dù những năm sau đó Washington cử đi các nhóm lớn hơn.
Vậy một câu hỏi quan trọng khác: Dưới quyền một vị tư lệnh như ông Trump, các bộ trưởng Mỹ định làm gì ở Davos? Họ sẽ thúc đẩy nghị trình "nước Mỹ trên hết" của tổng thống hay ngoại giao với cộng đồng quốc tế, giải đáp các thắc mắc về chính quyền mới của Mỹ?
Hãy cùng chờ xem.
Trong khi đó, nhà báo người Anh Larry Elliott có những băn khoăn trong thời điểm những người giàu nhất thế giới chuẩn bị nhóm họp ở Thụy Sĩ: 18 năm trôi qua kể từ ngày Tổng thống Bill Clinton phát biểu tại Davos, ý tưởng "toàn cầu hóa sẽ trở thành một sức mạnh đoàn kết" đang chết dần mòn. Thế giới năm 2000 khác xa với ngày nay: Trước vụ khủng bố 11-9, trước cuộc chiến tranh Iraq, trước cuộc khủng hoảng tài chính, trước sự sụp đổ của vòng đàm phán Doha về thương mại…
Khi nhận ra không thể trông cậy vào các tổ chức đa phương để mang lại một cuộc sống tốt đẹp, cử tri thế giới tìm kiếm sự bảo vệ từ chính phủ của họ. Tấn công mạng, đe dọa chiến tranh thương mại… là các biểu hiện cho thấy chủ nghĩa dân tộc đang trỗi dậy.
Thực tế của Davos năm nay là: Kinh tế mong manh, môi trường mong manh, xã hội mong manh và chính trị mong manh. Cần phải nhớ rằng khi một trận tuyết lở đang chực chờ, một phát súng trường hoặc một tiếng hét không đúng lúc cũng có thể kéo sụp một ngọn núi.
Tại sao? Vì ông Donald Trump sẽ đến Davos vào ngày thứ Sáu (26-1).
Lính bắn tỉa vào vị trí trên mái nhà của khu resort Davos ngày 22-1 - Ảnh: REUTERS
Áo và Thụy Sĩ cùng bảo vệ an ninh
Quân đội Áo đã ra thông cáo báo chí cho biết lực lượng không quân nước này và Thụy Sĩ đã phối hợp triển khai nhiều hoạt động nhằm đảm bảo an ninh không phận cho hội nghị thường niên Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) năm nay tại thành phố Davos của Thụy Sĩ, khai mạc ngày 23-1. Lần đầu tiên hai quốc gia láng giềng này sẽ cho phép máy bay chiến đấu bay qua biên giới để hỗ trợ nhau trong hoạt động chống khủng bố.
Thành phố Davos ở gần biên giới với Áo và khoảng 1/3 khu vực cấm bay suốt thời gian diễn ra WEF thuộc lãnh thổ của Áo. Giới chức hai nước đều cho rằng sự hợp tác nói trên là cần thiết để có sự bảo vệ tốt nhất cho hội nghị từ phía bắc và phía đông.
Bên cạnh đó, giới chức Áo cho biết để góp phần đảm bảo an toàn và thành công của WEF, nước này sẽ triển khai 1.100 binh sĩ và nhiều máy bay tiêm kích Eurofighter, trực thăng cùng với các hoạt động rađa.