Thế giới

Ông trùm dược Sanofi bơi giữa bê bối

TTO - Chính quyền Manila đã chính thức đề cập chuyện phải đòi lại bằng được số tiền đã trả cho chương trình tiêm chủng văcxin chống sốt xuất huyết, được cho là khiến nhiều trẻ em thiệt mạng.

Ông trùm dược Sanofi bơi giữa bê bối - Ảnh 1.

Tiêm chủng văcxin Dengvaxia cho trẻ em ở Philippines - Ảnh: AFP

Cuộc điều trần liên quan chương trình chủng ngừa phòng sốt xuất huyết bằng văcxin Dengvaxia đã được tiếp tục ngày 22-1 tại Manila. Chính quyền Philippines đang hướng đến việc yêu cầu hãng dược hàng đầu của Pháp là Sanofi Pasteur phải hoàn trả đầy đủ số tiền 3,5 tỉ peso (69 triệu USD) mà nước này đã chi trả cho chương trình văcxin, chưa kể số tiền bồi thường cho các nạn nhân đã được tiêm chủng Dengvaxia.

Trước đây, Sanofi đã đồng ý trả 1,16 tỉ peso để lấy lại số liều Dengvaxia còn chưa sử dụng khi chương trình tiêm chủng bị quyết định ngưng lại ở Philippines.

Sanofi bối rối

Philippines đã triển khai tiêm Dengvaxia cho hơn 800.000 trẻ em trong năm 2017 và trở thành quốc gia đầu tiên triển khai chương trình tiêm chủng mở rộng loại văcxin này. Hãng Sanofi từng đánh giá văcxin Dengvaxia đóng vai trò quyết định phòng chống sốt xuất huyết.

Trẻ em Philippines từ 9 tuổi trở lên được tiêm chủng, bởi đất nước này là nạn nhân hàng đầu của bệnh sốt xuất huyết với 20.000 trường hợp tử vong hằng năm. Thế rồi tình hình bất ngờ chuyển biến xấu khi có những báo cáo về các trường hợp tử vong sau tiêm chủng.

Hôm 5-1, giới chức y tế Philippines cho biết đang điều tra về 14 trường hợp tử vong nghi liên quan văcxin Dengvaxia. Và đến ngày 11-1, họ thông báo sẽ cho khai quật thi thể 2 trẻ em được cho là tử vong sau tiêm văcxin để điều tra kỹ càng hơn.

Theo Bộ trưởng Y tế Philippines Francisco Duque, chính quyền Manila đã chỉ định một ủy ban độc lập gồm các chuyên gia có nhiệm vụ điều tra về các trường hợp tử vong này và kết quả điều tra có thể được công bố trong thời gian ngắn sắp tới.

Vụ việc đã khiến Sanofi lẫn Tổ chức Y tế thế giới (WHO) bối rối, bởi trước đó Dengvaxia đã được thử nghiệm kỹ càng và sau Philippines, Dengvaxia còn được lưu hành tại Mexico, Brazil, El Salvador, Costa Rica, Paraguay, Guatemala, Peru, Indonesia, Thái Lan và Singapore.

Tuy nhiên, ngày 29-11-2017, Sanofi đã cảnh báo nguy cơ từ văcxin Dengvaxia. Theo đó, văcxin có tác dụng phòng bệnh hiệu quả đối với những người từng nhiễm virút, nhưng đối với những người chưa từng nhiễm virút, việc tiêm văcxin có thể khiến bệnh diễn biến xấu hơn trong một số trường hợp.

Sanofi khẳng định văcxin Dengvaxia vẫn an toàn cho những người từng mắc bệnh sốt xuất huyết và kêu gọi Chính phủ Philippines không đình chỉ việc sử dụng loại văcxin này. Tuy nhiên, một số phụ huynh cáo buộc loại văcxin này đã làm con họ tử vong. Đến ngày 1-12-2017, Bộ Y tế Philippines quyết định đình chỉ chương trình tiêm văcxin này tại các trường công.

Có chống lưng của Paris?

Tại Pháp, Sanofi vẫn còn chưa thoát được vụ bê bối liên quan thuốc Dépakine - một loại thuốc điều trị bệnh động kinh bị cho là nguồn gốc gây ra các dị tật ở thai nhi, chậm phát triển trí não và các vấn đề về phát triển.

Bê bối liên quan đến tập đoàn dược phẩm lớn nhất châu Âu và của Pháp bị tuần báo biếm Le Canard Enchainé của Pháp lật tẩy. Theo tuần báo này, có hơn 10.000 phụ nữ mang thai có thể đã sử dụng Dépakine từ năm 2007 đến 2014 khi nguy cơ của loại thuốc này đối với trẻ sơ sinh được xác định. Nghiên cứu của Cơ quan Dược phẩm quốc gia và Quỹ Bảo hiểm y tế quốc gia đã được chuyển tới Bộ Y tế Pháp từ giữa tháng 7-2016, tuy nhiên bộ này lại quyết định "giấu nhẹm" thông tin trên đối với các gia đình nạn nhân của thuốc Dépakine.

Sau đó, trong thông báo trên trang web của mình, Bộ Y tế Pháp tuyên bố nghiên cứu này không bị giấu nhẹm và bộ đã công bố vấn đề trên với Hội Trợ giúp phụ huynh các trẻ phải hứng chịu hội chứng từ thuốc chống co giật (APESAC) vào ngày 24-8-2016.

Vụ bê bối gây nhiều tranh luận tại Pháp khi nghị sĩ François Ruffin đưa nó ra trước phiên họp Quốc hội hồi tháng 10-2017, và chất vấn Thủ tướng Édouard Philippe về việc các lãnh đạo chính trị Pháp đi thăm Hãng Sanofi trong khi bê bối thuốc Dépakine vẫn còn đó.

Thủ tướng Philippe đã lên tiếng bảo vệ cho Sanofi khi cho rằng: "đây là một doanh nghiệp hoạt động tốt, đang tạo ra của cải cho nước Pháp và đem lại những giải pháp trên phương diện bảo vệ sức khỏe cho dân chúng".

“Khi tôi muốn gặp các doanh nghiệp và chủ doanh nghiệp thì tôi cứ làm, chứ chẳng cần phải xin phép của ông hay của ai cả, ngoại trừ của những người mời tôi đến thăm

Thủ tướng Pháp Édouard Philippe lên tiếng thách thức nghị sĩ François Ruffin

Nhưng với những người chống đối, khả năng Sanofi phải bồi thường hàng tỉ euro cho các nạn nhân đã dùng thuốc Dépakine là rất có thể và Sanofi phải chi trả số tiền đó, chứ nhà nước không thể nhúng tay dùng tiền thuế của dân để che chắn.

Tháng 2-2016, Tổng cục Thanh tra các vấn đề xã hội Pháp ước tính có khoảng 450 trẻ em sinh trong khoảng năm 2006 - 2014 phải hứng chịu dị tật do thuốc Dépakine gây ra. Trả lời Đài France Info, bà Marine Martin - chủ tịch APESAC - lên án việc ngành công nghiệp dược đã thương mại hóa loại thuốc cực kỳ lợi nhuận này và chính quyền đã để cho lưu hành suốt nhiều năm nay, do sợ phải đối đầu với Hãng Sanofi.

Theo luật sư của các nạn nhân chịu ảnh hưởng bởi Dépakine, Sanofi và Chính phủ Pháp phải chịu trách nhiệm về vụ việc này.

Tuổi trẻ

      © 2021 FAP
        247,789       552