TTO - Chính quyền Seoul đã nhanh chóng nắm bắt cơ hội cởi mở từ phía Triều Tiên để tìm kiếm hòa bình trên bán đảo Triều Tiên.
Người dân Hàn Quốc hào hứng với những diễn biến mới về đối thoại liên Triều. Cờ thống nhất đã được treo ở hàng rào gần khu phi quân sự thuộc Paju (Hàn Quốc) ngày 19-1 - Ảnh: REUTERS
Hôm nay (19-1), Bộ ngoại giao Hàn Quốc lên tiếng khẳng định sẽ tìm cách thúc đẩy Bình Nhưỡng và Washington hướng đến "tiến trình đối thoại" dựa trên cơ sở những đối thoại liên Triều vừa được xúc tiến nhanh chóng từ đầu tuần này.
Các cuộc đoối thoại liên Triều được tiến hành liên tục tại khu làng Bàn Môn Điếm nhằm chuẩn bị cho khả năng miền Bắc tham gia vào Thế vận hội mùa đông PyeongChang tổ chức ở Hàn Quốc vào tháng 2 tới.
Bộ Ngoại giao Hàn quốc tuyên bố: "Chúng tôi đã quyết định góp phần vào thành công của việc tổ chức Thế vận hội mùa đông PyeongChang với việc thực hiện hoặc ủng hộ các sự kiện ngoại giao cấp cao, đồng thời tăng cường nỗ lực để đảm bảo cho sự thông hiểu và ủng hộ của thế giới nhằm tranh thủ cơ hội từ những đối thoại gần đây hướng đến một giải pháp hòa bình cho vấn đề hạt nhân của Triều Tiên".
Đặc biệt là Bộ Ngoại giao Hàn Quốc còn nhấn mạnh: "Chúng tôi đặc biệt chú trọng đến khả năng ngoại giao nhằm kéo Triều Tiên và Mỹ vào tiến trình đối thoại để tạo ra một cơ hội là đối thoại liên Triều sẽ dẫn đến đối thoại Mỹ-Triều".
Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng lên tiếng hoan nghênh các cuộc đàm phán giữa hai miền Triều Tiên liên quan đến Thế vận hội mùa Đông PyeongChang, đồng thời cho rằng đây có thể là bước đầu tiên trong việc giúp hóa giải cuộc khủng hoảng trên bán đảo Triều Tiên.
Trả lời phỏng vấn hãng tin Reuters ngay tại Phòng Bầu dục nhân dịp đánh dấu năm cầm quyền đầu tiên, Tổng thống Trump bày tỏ hy vọng về khả năng giải quyết căng thẳng với Bình Nhưỡng "theo cách hòa bình" dù vẫn cho rằng điều này "rất khó có khả năng xảy ra".
Ông Kim Il Guk (giữa), chủ tịch Ủy ban Olympic Triều Tiên đến sân bay Geneva, Thụy Sĩ ngày 18-1 để chuẩn bị làm việc với Ủy ban Olympic quốc tế - Ảnh: REUTERS
Người đứng đầu Nhà Trắng cũng cho biết ông sẵn sàng đàm phán với Triều Tiên nếu có thể nhưng "không chắc việc này có thể giải quyết được vấn đề", chỉ ra rằng các cuộc đàm phán với Triều Tiên trước đây mà những người tiền nhiệm thúc đẩy đều không thể giúp kiềm chế chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên. Tuy vậy, ông đã từ chối trả lời câu hỏi ông đã có những động thái cụ thể nào nhằm liên lạc với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un.
Tổng thống Mỹ cũng hoan nghênh những nỗ lực của Trung Quốc trong việc giới hạn nguồn cung dầu mỏ và than đá cho Triều Tiên, nhưng ông cũng cho rằng Bắc Kinh có thể làm nhiều hơn thế trong việc gây sức ép đối với Bình Nhưỡng. Người đứng đầu Nhà Trắng khẳng định Mỹ cần củng cố và gia tăng số lượng các hệ thống phòng thủ tên lửa trước chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên.
Đầu tuần này, lần đầu tiên trong 2 năm đầy căng thẳng đã qua, Triều Tiên và Hàn Quốc đã tổ chức các cuộc đàm phán chính thức ở cấp chính phủ. Giới quan sát cho rằng đây là một cơ hội tốt cho sự ổn định của toàn khu vực, nhưng vẫn lo ngại Tổng thống Mỹ có thể phá hỏng cơ hội này.