Thế giới

Cựu trưởng chiến lược gia Nhà Trắng bị buộc lên thẩm vấn

TTO - Công tố viên đặc biệt Robert Mueller đã phát trát đòi ông Steve Bannon, cựu chiến lược gia trưởng Nhà Trắng, tới thẩm vấn sau khi không thể liên lạc với ông này.

Cựu trưởng chiến lược gia Nhà Trắng bị buộc lên thẩm vấn - Ảnh 1.

Ông Steve Bannon, trưởng chiến lược gia Nhà Trắng từng bị sa thải - Ảnh: REUTERS

Thông tin này được tờ New York Times xác nhận. Theo đó nhóm điều tra của công tố viên đặc biệt Mueller đã chuyển trát đòi ông Bannon từ tuần trước.

Lệnh yêu cầu ông Bannon phải trình diện trước một bồi thẩm đoàn điều tra việc Nga can thiệp bầu cử tổng thống Mỹ 2016.

Nguồn tin của Fox News cho rằng mặc dù trát đòi yêu cầu ông Bannon phải điều trần trước một bồi thẩm đoàn, nhưng có khả năng là ông Bannon sẽ được thẩm vấn tại văn phòng của ông Mueller.

Đài BBC cho rằng việc triệu tập ông Bannon có thể là một thủ thuật đàm phán của ông Mueller nhằm thuyết phục ông Bannon chấp nhận trả lời thẩm vấn của các nhà điều tra theo một cách không chính thức ngay tại văn phòng của công tố viên ở Washington.

Những tiết lộ về trát đòi ông Bannon được công bố sau khi vị cựu chủ tịch điều hành trang tin Breitbart News có buổi điều trần trong phiên họp kín tại trụ sở Quốc hội Mỹ vào ngày 16-1.

Trong cuộc này, ông Bannon phải trả lời câu hỏi của các nhà điều tra thuộc Ủy ban Tình báo Hạ viện, cũng liên quan tới cuộc điều tra vấn đề Nga của Quốc hội Mỹ.

Trát đòi với Bannon của công tố viên đặc biệt Mueller cùng cuộc thẩm vấn của các nhà điều tra quốc hội đều là các động thái diễn ra sau khi cuốn sách gây tranh cãi "Fire and Fury: Inside the Trump White House" của nhà báo Michael Wolff được công bố, trong đó ông Bannon đã được trích dẫn các quan điểm phê phán, chỉ trích ông Trump cùng các thành viên trong gia đình ông Trump.

Cũng theo BBC, ông Steve Bannon có thể là thành viên đầu tiên trong nhóm trợ thủ thân cận của ông Trump bị phát lệnh đòi trình diện như tội phạm.

Những người giúp việc cao cấp khác cho ông Trump như cựu chánh văn phòng Reince Priebus, thư ký báo chí Sean Spicer và luật sư Nhà Trắng Don McGrath đều đã có những cuộc thẩm vấn không chính thức với nhóm điều tra của công tố viên đặc biệt Mueller.

Trát đòi với ông Bannon có thể chỉ là phương tiện nhằm thuyết phục ông này hợp tác nhiều hơn với nhóm điều tra.

Với những thông tin bước đầu này, có thể thấy dù ông Trump không muốn và tìm cách ngăn cản, cuộc điều tra về vấn đề Nga trong bầu cử Mỹ 2016 vẫn sẽ không bị "chìm xuồng".

Tuổi trẻ

      © 2021 FAP
        247,902       779