TTO - Từng là quốc gia chuyên vi phạm bản quyền, sao chép/ăn cắp ý tưởng của người khác để làm sản phẩm nhái với giá rẻ, giờ đây Trung Quốc khiến nhiều nước khác lo sợ thực sự, đặc biệt là các nước nhỏ gần Trung Quốc.
Công ty Huawei của Trung Quốc đang trong nhóm dẫn đầu thế giới về đăng ký bản quyền sở hữu trí tuệ - Ảnh: AFP
Hãng sản xuất điện thoại di động Huawei (Hoa Vy) của Trung Quốc hiện đang theo sát hãng Philips của Hà Lan trong danh sách 10 doanh nghiệp cải tiến nhanh chóng nhất, chỉ 2 năm sau khi Hoa Vy được xếp hạng trong danh sách này.
Người Trung Quốc đang dần bước ra khỏi biên giới của mình, chậm rãi từng bước một nhưng chắc chắn. Lấy số liệu từ Phòng chứng nhận sở hữu bản quyền châu Âu (European Patent Office- EPO) làm ví dụ: số lượng đăng ký bản quyền của các doanh nghiệp Trung Quốc đã tăng gần 25% trong năm 2016, với con số 7.150 hồ sơ được nộp so với tổng số gần 160.000 hồ sơ mà tổ chức này nhận được.
Mà một khi EPO chứng nhận thì bản quyền này sẽ được công nhận trong 42 quốc gia, tức sẽ có được một thị trường tiêu thụ 650 triệu khách hàng. Và theo giám đốc EPO, ông Benoît Battistelli, kinh tế Trung Quốc đang đi theo xu hướng ngày càng quốc tế hóa, ngày càng đa dạng hóa và trở nên ngày càng tiên tiến hơn.
Không thể phủ nhận được một thực tế là các doanh nghiệp Trung Quốc sẽ được hưởng lợi rất nhiều thông qua giá trị của bản quyền sở hữu trí tuệ của châu Âu, chưa kể đến lĩnh vực huy động vốn. Năm 2016, vốn đầu tư của Trung Quốc ra nước ngoài đã đạt được 170 tỉ USD, tăng 44%. Và theo một khảo sát của Rhodium Group và viện Merics, chỉ tính riêng tại châu Âu, số vốn đó đã tăng 77%.
Những áp lực nặng nề
Dựa trên những số liệu được Tổ chức sỡ hữu trí tuệ thế giới (World Intellectual Property Organization - WIPO) công bố vào cuối tháng 11-2016 thì trong năm 2015, các doanh nghiệp Trung Quốc đã nộp hơn 1 triệu hồ sơ xin chứng nhận bản quyền.
Tuy nhiên, WIPO cũng giải thích rõ: "Mặc dù các nhà đầu tư Trung Quốc đã nộp số lượng hồ sơ xin chứng nhận bản quyền nhiều nhất là 1.010.406 hồ sơ, so với 526.296 của người Mỹ và 454.285 của người Nhật, nhưng các hồ sơ này chủ yếu là những hồ sơ trong nước".
Thế nhưng, con số 42.154 hồ sơ mà các doanh nghiệp Trung Quốc nộp tại nước ngoài cũng đã chứng minh được sự gia tăng đều đặn trong vòng 20 năm qua.
Sau khi đã tích lũy được tài chính, nhiều doanh nghiệp Trung Quốc đầu tư cho nghiên cứu và phát triển nhiều hơn - Ảnh: AFP
Ông Franck Tetaz - chuyên gia về sở hữu trí tuệ đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ mang tính sáng tạo cao, nhấn mạnh như sau: "Người Trung Quốc hiện đang tập trung vào một vài lĩnh vực như điện tử và truyền thông. Vấn đề ở đây là tìm hiểu xem họ sẽ sử dụng những chứng nhận sở hữu bản quyền này như thế nào".
Từ đó, ông cảnh báo rằng những chứng nhận sở hữu bản quyền sẽ được các doanh nghiệp Trung Quốc dùng làm vũ khí thương mại trên thương trường quốc tế để đè bẹp các nước nhỏ bé và yếu thế hơn họ.
Chúng tôi đang nhìn thấy những gương mặt mới của Trung Quốc xuất hiện và thâm nhập thị trường thế giới trong khi người châu Âu lại vẫn đang lẩn quẩn chờ đợi ngay dưới chân Vạn lý Trường thành"
Ông Joerg Wuttke - chủ tịch Phòng Thương mại Cộng đồng châu Âu tại Bắc Kinh
Vào đầu năm 2016, Phòng Thương mại của Cộng đồng châu Âu đặt tại Bắc Kinh - cơ quan đại diện cho 1.600 doanh nghiệp châu Âu, đã một lần nữa dóng lên hồi chuông cảnh báo về biện pháp "tiêu chuẩn kép" (đánh giá một vấn đề theo hai quan điểm khác nhau) mà chính quyền Trung Quốc áp dụng.
Với những hỗ trợ tài chính khổng lồ trong khuôn khổ kế hoạch "China Manufacturing 2020" với mục đích tạo ra những "nhà vô địch" trong lãnh vực công nghệ mũi nhọn như tự động hóa, kỹ thuật hàng không và dược phẩm, chính phủ Trung Quốc đang thu hẹp khoảng cách nhân công của các doanh nghiệp châu Âu và làm gia tăng căng thẳng thương mại.
Ông Joerg Wuttke - chủ tịch Phòng Thương mại Cộng đồng châu Âu tại Bắc Kinh, dẫn chứng rằng nhiều hãng sản xuất xe hơi điện của châu Âu đang phải đối mặt với những áp lực to lớn để rồi phải nhường lại những thành tựu công nghệ tiên tiến của họ, để đổi lại là họ có được một thâm nhập ngắn hạn tại thị trường Trung Quốc, quan trọng nhất là về số lượng sản phẩm bán ra tại nước này.