TTO - Sự cố báo động giả ngày 13-1 ở Hawaii cho thấy người dân Mỹ ở đó luôn canh cánh nỗi sợ bị Triều Tiên tấn công tên lửa. Sự cố cũng khiến cơ quan chức năng bị bẽ mặt.
Đồng hồ vừa chỉ quá 8h sáng ngày thứ Bảy (13-1), một nhân viên thuộc Cơ quan Quản lý tình trạng khẩn cấp Hawaii (HEMA, Mỹ) bắt đầu vào ca trực.
Một trong những nhiệm vụ của anh ngày hôm đó là thực hiện kiểm tra nội bộ hệ thống cảnh báo tên lửa đạn đạo, cụ thể là thực hành quy trình gửi cảnh báo khẩn cấp đến công chúng (nhưng thật ra lại không gửi).
Đó là một hình thức diễn tập mà cơ quan chức năng của Hawaii đã áp dụng thường xuyên từ tháng 11-2017 - cùng khoảng thời gian vùng lãnh thổ này phục hồi hệ thống loa cảnh báo hạt nhân từ thời Chiến tranh lạnh do lo sợ một cuộc tấn công nào đó từ Triều Tiên.
Khoảng 8h05 sáng hôm đó, anh nhân viên HEMA bắt đầu khởi động bài kiểm tra. Chương trình máy tính hiển thị trước mặt anh một menu với 2 lựa chọn: "Thử nghiệm cảnh báo tên lửa" và "Cảnh báo tên lửa".
Nếu đúng thì anh phải chọn dòng đầu tiên; tuy nhiên, như cả thế giới sau đó được biết, anh đã chọn dòng thứ hai - tức gửi đi cảnh báo tên lửa thực sự.
"Trong trường hợp này, người điều hành đã chọn nhầm phương án" - người phát ngôn Richard Rapoza trả lời phỏng vấn báo Washington Post.
Lúc 8h07, người dân Hawaii và khách du lịch nhận được tin nhắn có nội dung sau trên điện thoại di động: "Nguy cơ tên lửa đạn đạo đang hướng về Hawaii. Tìm chỗ trú ẩn ngay lập tức. Đây không phải diễn tập".
Một thông điệp chi tiết hơn xuất hiện trên màn hình tivi ở Hawaii: "Nếu bạn đang ở trong nhà, hãy ở yên đó. Nếu bạn ở bên ngoài, tìm chỗ trú ẩn ngay lập tức trong nhà. Ở yên trong nhà và tránh xa cửa sổ. Nếu bạn đang lái xe, hãy tấp an toàn vào lề đường và tìm chỗ trú ẩn hoặc nằm trên sàn xe".
Cảnh báo phát đi đã gây ra một cơn bấn loạn. Hàng ngàn người tin rằng mình chỉ còn vài phút để sống, họ hối hả chạy đi tìm nơi trú ẩn và thậm chí nói lời từ biệt cuối cùng với người thân. Tình huống đó kéo dài đúng 38 phút kể từ tin nhắn ban đầu cho đến khi nhà chức trách đính chính cảnh báo là lỗi kỹ thuật.
Vài giờ sau, Thống đốc bang Hawaii David Ige xin lỗi người dân vì "nỗi đau và cơn bối rối" họ đã trải qua. Ông giải thích đó "lỗi quy trình" trong ca trực, rằng người nhân viên đã bấm nhầm nút.
Nhưng một ngày sau, thêm nhiều chi tiết về sự cố được tiết lộ và người ta kêu gọi đánh giá lại hệ thống cảnh báo khẩn cấp từ xa.
Ngày 14-1, ông chủ tịch Ủy ban Truyền thông liên bang Ajit Pai chỉ trích bản cảnh báo nhầm của Hawaii là "không thể chấp nhận được" và một cuộc điều tra toàn diện đang được tiến hành.
"Dựa trên thông tin chúng tôi ghi nhận được đến bây giờ, chính quyền Hawaii đã không có các biện pháp phòng ngừa và kiểm soát nhằm tránh phát đi cảnh báo sai" - ông Pai nói, tuy nhiên lại không nêu ra được cụ thể Hawaii thiếu là thiếu cái gì.
Một phần gây ra tình huống xấu hôm thứ Bảy đó là nhà chức trách không có cách nào khắc phục ngay lập tức thông báo sai. Mãi đến 8h45 một tin nhắn điện thoại đính chính mới đến được người dân để trấn an họ.
Dù nói gì đi nữa, đó quả là một sự cố gây bẽ mặt cho Mỹ. Một số quan chức Hawaii thậm chí đổ lỗi cho Tổng thống Donald Trump vì đã gây ra tình trạng căng thẳng với Triều Tiên - nguồn cơn của nỗi sợ bị tấn công tên lửa hoặc hạt nhân của Hawaii.
Nghị sĩ Tulsi Gabbard thuộc bang Hawaii chỉ trích ông Trump "không đủ nghiêm túc" và kêu gọi ông nhanh chóng đàm phán với Bình Nhưỡng về phi hạt nhân hóa.
Vào thời điểm người dân Hawaii náo loạn, Tổng thống Trump đang ở sân golf Trump International Golf Club gần khu nghỉ dưỡng của gia đình ông ở Palm Beach, bang Florida. Ông biết về sự việc qua phó cố vấn an ninh quốc gia Ricky L. Waddell.
Chính phủ Mỹ theo dõi tên lửa Triều Tiên bằng nhiều cách, bao gồm vệ tinh do thám, do dó nhóm cố vấn thân cận với ông Trump đều biết không có dấu hiệu tên lửa nào được ghi nhận hôm đó.
Ông Trump không đưa ra bình luận gì về sự cố ở Hawaii và phó thư ký báo chí Nhà Trắng Lindsay Walters chỉ đề cập ngắn gọn rằng đó là một cuộc diễn tập cấp bang.