Du lịch

Tiết lộ những bí quyết thành công của du lịch Nhật Bản

TTO - Ngành du lịch Nhật Bản vừa có năm 2017 bội thu khi số lượt lưu trú và mức chi tiêu của khách quốc tế đều đạt kỷ lục mới.

Tiết lộ những bí quyết thành công của du lịch Nhật Bản - Ảnh 1.

Khách nước ngoài chụp ảnh cùng nhân viên một cửa hàng ở khu mua sắm Ginza (Tokyo, Nhật Bản) - Ảnh: REUTERS

Đây là những "quả ngọt" khi xứ sở hoa anh đào chịu thay đổi để làm du lịch thay vì bảo thủ như trước kia.

“Thói quen của du khách đã thay đổi và ngành du lịch Nhật cũng phải chuyển mình để thích nghi với các thay đổi đó

Ông Akihiko Tamura (đại diện JTA)

Mục tiêu 40 triệu khách quốc tế

Nhật Bản có lý do để thay đổi khi đặt mục tiêu thu hút 40 triệu lượt khách quốc tế vào năm 2020, khi nước này làm chủ nhà cả Thế vận hội mùa hè lẫn mùa đông. Tháng 1-2015, báo Japan Today đăng bài viết "Vì sao Nhật Bản lại là điểm đến kém phổ biến với du khách?", dẫn các số liệu thống kê cho thấy lượng khách và doanh thu từ khách du lịch của Nhật kém xa các nước khác như Pháp, Anh, Đức hay Mỹ.

Bài viết còn chỉ ra các nguyên nhân chính vì sao Nhật Bản ít được du khách lựa chọn: ít chương trình quảng bá, bất đồng ngôn ngữ, giá cả đắt đỏ và các tiện ích (cửa hàng tiện lợi, giao thông công cộng, máy ATM) không "thân thiện" với người nước ngoài. Ngoài ra còn có nhiều truyền thống và phong tục nghiêm khắc khiến du khách "khó thở".

Mọi thứ đã sớm thay đổi sau 3 năm, khi ngày 12-1 vừa qua, nhật báo Japan Times có bài viết hào hứng với kỷ lục đón 28,69 triệu lượt khách quốc tế năm 2017 của Nhật. Con số này tăng 19,3% so với năm 2016, và cao hơn con số năm 2015 đến 45,41%.

Ngày 16-1, tờ Nikkei Asian cũng dẫn thông tin từ Tổng cục Du lịch Nhật Bản (JTA) cho biết doanh thu từ khách du lịch quốc tế của nước này trong năm 2017 đạt mức kỷ lục 4,41 ngàn tỉ yen (39,87 tỉ USD). Đây là lần đầu tiên con số này vượt mốc 4.000 tỉ yen.

Nới lỏng truyền thống, ứng dụng công nghệ

Thành công nói trên một phần đến từ việc đồng yen mất giá và chính sách miễn visa cho một số quốc gia, giúp xóa bỏ quan niệm rằng Nhật là nơi đắt đỏ và khó đi lại (vì bất đồng ngôn ngữ).

Tuy nhiên, tác giả Isabella Steger của trang Quartz chỉ ra một nguyên nhân khác: Nhật Bản, vốn "cự tuyệt với thay đổi", cuối cùng cũng đã thôi "cứng đầu" vì mục tiêu phát triển du lịch. Những thay đổi này thể hiện rõ nhất qua nỗ lực của người dân và Chính phủ Nhật nhằm xóa bỏ các rào cản nhắc đến trong bài báo năm 2015 nói trên của Japan Today.

Chẳng hạn, các ryokan (nhà nghỉ truyền thống của Nhật) thường do người lớn tuổi điều hành nên không nhận đăng ký qua mạng (nếu có trang web thì cũng chỉ toàn tiếng Nhật) mà chỉ chấp nhận đặt phòng qua điện thoại và nhận tiền mặt. Chủ các ryokan cũng yêu cầu khách trú phải tuân theo các quy định như khi nào mang giày, khi nào mang dép trong nhà, tắm bồn hay suối nước nóng thế nào mới đúng... Đây đều là những "điểm trừ" to lớn đối với du khách quốc tế.

Ngày nay, nhiều ryokan đã chịu thay đổi để thu hút du khách. Thị trấn suối nước nóng Kinosaki ở vùng Kansai đã tạo một trang web chi tiết với nhiều đồ họa dễ hiểu để giải thích nội quy tắm nước nóng. Năm 2017, chính phủ đã trao giải thưởng ghi nhận nỗ lực làm du lịch của Kinosaki, khi số lượt khách nước ngoài tăng từ 1.118 năm 2011 lên 40.000 nhờ "bí quyết" nói trên.

Vốn là quốc gia giàu mạnh về khoa học kỹ thuật, người Nhật cũng đã nhanh chóng ứng dụng công nghệ để xóa bỏ rào cản ngôn ngữ và hỗ trợ du khách tối đa. Chẳng hạn, tháng 11-2017, hai hãng đường sắt Nhật là JR Central và JR West ra mắt ứng dụng di động để đặt vé tàu siêu tốc Shinkansen - một trải nghiệm nhất định phải có khi đến Nhật. Ứng dụng có giao diện bằng tiếng Anh để giúp du khách dù đang ở nước sở tại cũng có thể mua vé, thay vì phải "vật lộn" tại các quầy vé khi đã đến Nhật.

Mùa hè năm 2017, chính phủ cũng đã thông qua luật cho phép ứng dụng chia sẻ nơi ở Airbnb hoạt động ở Nhật. Hãng tin Reuters cho biết nhiều người cao tuổi ở Nhật đã "mở cửa" nhà mình cho du khách đến trú thông qua Airbnb.

Thay đổi từ... nhà vệ sinh

Theo JTA, khoảng 40% nhà vệ sinh tại 4.000 điểm đến phổ biến ở Nhật dùng bồn cầu kiểu truyền thống (ngồi xổm), trong khi một khảo sát do hãng sản xuất thiết bị vệ sinh TOTO thực hiện cho thấy hơn 80% du khách ngoại quốc thích dùng bồn cầu hiện đại (ngồi bệt) hơn.

Vì thế mà JTA hồi đầu năm nay đã phát động chiến dịch thay bồn cầu truyền thống bằng sản phẩm bệt để du khách đến từ phương Tây khỏi "sốc". Để khuyến khích các cơ sở du lịch thay đổi, Chính phủ Nhật sẽ hỗ trợ 1/3 chi phí cần thiết cho chiến dịch "hiện đại hóa" này.

Tuổi trẻ

      © 2021 FAP
        8,724,711       960