TTO - Nhìn từ bên ngoài, đền Jison-in trông không có gì khác biệt so với các ngôi đền Phật giáo khác ở Nhật Bản, nhưng ở bên trong là hàng nghìn bầu ngực phụ nữ được treo khắp nơi.
Nằm ở dưới chân núi Koya thuộc tỉnh Wakayama là một ngôi đền nhỏ xinh nhưng rất đặc biệt. Nhìn từ bên ngoài, ngôi đền Jison-in trông không có gì khác biệt so với hàng nghìn ngôi đền Phật giáo khác của Nhật Bản.
Nhưng bước vào bên trong, du khách sẽ phải ngạc nhiên và tò mò trước những gì mình thấy. Xung quanh ngôi đền là hàng nghìn đồ trang trí hình bầu ngực phụ nữ, hình ảnh mà thông thường sẽ không xuất hiện ở những nơi tôn nghiêm như đền, chùa.
Ảnh: CNN
Những đồ trang trí này được làm từ nhiều chất liệu, nhiều kích thước. Có chiếc làm từ vải, từ gỗ, có chiếc chỉ là một bức tranh.
Chúng được người dân địa phương và du khách thập phương mang đến và treo lên.
Ảnh: Oni3
Không phải tự nhiên mà những bầu ngực này xuất hiện ở đền Jison-in.
Theo trụ trì của đền, truyền thống bất thường này bắt đầu khi một bác sĩ đến cầu nguyện cho một bệnh nhân đang điều trị ung thư vú. Bác sĩ này hỏi các nhà sư rằng mình có thể đặt một biểu tượng bầu ngực ở đây để mong lời cầu nguyện được như ý hay không và đã nhận được sự chấp thuận.
Ảnh: XinkuYing
Câu chuyện này lan rộng, gây được sự chú ý, khiến người dân khắp nơi bắt chước theo.
Mọi người từ khắp nơi trên cả nước và cả ở nước ngoài bắt đầu đến đền cầu nguyện cho mẹ, vợ, chị em gái và con gái của họ.
Lời cầu nguyện không chỉ của những trường hợp ung thư vú, mà bao gồm cả cầu xin sức khỏe cho phụ nữ, xin cho vợ mình mang thai an toàn, con gái mình không bị ốm, và thậm chí là xin cho vợ có nhiều sữa để nuôi con.
Ảnh: CNN
Tất cả những người này khi đến đều mang theo bầu ngực tượng trưng. Bầu ngực giả có thể mang từ nhà hoặc mua ở xung quanh đền.
Theo thời gian, số lượng bầu ngực đã lên đến hàng nghìn chiếc, được treo ở khắp nơi trong khuôn viên đền, tạo nên cảnh tượng khá đặc biệt.
Không chỉ vậy, Jison-in còn là ngôi đền có giá trị lịch sử của Nhật Bản. Đền Jison-in được Kobo Daishi (Không Hải Đại Sư) thành lập như một cửa ngõ vào núi Koya linh thiêng vào đầu thế kỷ 9.
Không Hải Đại Sư hay Hoằng Pháp Đại Sư là một trong những nhân vật tôn giáo quan trọng nhất của Nhật Bản và là người sáng lập Chân Tông Phật Giáo (giáo phái Shingon).
Ảnh: CNN
Phía trên đỉnh núi là Danjo Garan, tổ hợp của hơn 20 công trình đền chùa linh thiêng.
Núi Koya từng là nơi cấm phụ nữ. Chỉ nam giới và những nhà sư mới được lên trên đỉnh vào các ngôi đền.
Tương truyền, mẹ của Không Hải Đại Sư khi đến thăm con cũng không được phép lên đỉnh núi mà chỉ được dừng chân ở đền Jison-in.
Ngày nay, núi Koya là một điểm đến thu hút du khách và đền Jison hoạt động như một điểm khởi đầu của cuộc hành hương đến đỉnh núi thiêng.