TTO - Trước khi đến Bagan, tôi đã đọc nhiều bài báo về trận động đất 6,8 độ Richter tàn phá thành phố này và hình dung rằng mình sẽ chứng kiến cảnh đổ nát hoang tàn, đìu hiu vắng vẻ. Thực tế không phải vậy.
Một ngôi chùa ở Bagan đang được khẩn trương tu sửa sau trận động đất - Ảnh: P.V.TÚ |
Một gia đình nhỏ vẫn tá túc trong khuôn viên chùa Sitanagyi (được vua Na Taung Myar xây dựng từ thế kỷ 13) vừa bị hư hại nặng sau trận động đất chiều 24-8.
Chùa chỉ cách khu trung tâm New Bagan vài kilômet (New Bagan là khu mới được chính quyền xây dựng để di dời dân từ khu Old Bagan, nơi tập trung nhiều di sản). Lũ trẻ vẫn vô tư chơi và ăn trưa quanh những đống gạch đỏ au.
Mẹ chúng bảo với tôi: “Rồi đây chính phủ chúng tôi sẽ trùng tu như vầy thôi”. “Như vầy thôi” nghĩa là như chùa này trong bức hình lớn ngay trước cổng chùa.
Tôi tin lời chị vì chỉ mới một tuần sau động đất, ngôi chùa này và các ngôi chùa lớn bị hư hại mà chúng tôi ghé thăm đều đã được triển khai tu sửa. Giàn giáo đã đồng loạt dựng lên. Ngoài cổng chùa Sitanagyi, một tấm bảng lớn với 6 tấm hình chụp hiện trạng chùa sau động đất đã được dựng ngay cạnh hình chùa trước động đất.
Điều này cho thấy sự ứng phó rất nhanh trước thiên tai. Trong khuôn viên chùa, các kỹ sư và công nhân Myanmar đang tích cực làm việc. Kỹ sư Win Bo chia sẻ: “Tôi cùng các anh em ở đây lo việc tu bổ, sửa chữa nhanh ngôi chùa này. Tiền đã có chính phủ lo”.
Ngoài việc phá hủy nhiều di sản, trận động đất mạnh 6,8 độ Richter chiều 24-8 còn khiến bốn người dân ở Bagan thiệt mạng. Tâm chấn vụ động đất ở gần Chauk, một thị trấn cách Bagan khoảng 30km về phía nam. |
Tại chùa Ananda, cô Ei Ei Phyu, tân sinh viên khoa lịch sử của trường đại học thuộc bang Mandalay, nhìn lên đỉnh tháp lo lắng: “Mọi người đều buồn vì động đất lớn quá. Dù ngôi chùa này không bị ảnh hưởng nhiều, nhưng quá nhiều chùa và đền thờ khác đã bị hư hại”.
Còn ở ngôi chùa lớn và rất nổi tiếng Dhammayazika, phần chóp mạ vàng vỡ gần một nửa, cổng thì sạt mất mái đang phải trùm bạt. Đây sẽ là hình ảnh gợi sự đau xót trong lòng người địa phương lẫn khách du lịch, ít nhất là đến khi được trùng tu xong…
Có rong ruổi qua những con đường đất uốn lượn quanh trùng trùng di tích cổ vẫn giữ nguyên đường nét tinh tế, mới cảm nhận rõ tại sao có sự bần thần trong đôi mắt cô sinh viên trẻ.
Chính phủ có thể bỏ tiền ra sửa chữa những di tích lớn, những ngôi chùa tên tuổi, nhưng còn hàng trăm đền tháp đổ nát, thiệt hại nặng như đền thờ số 844 mà chúng tôi ghé qua này thì chắc không thể.
Cô sinh viên trẻ Ei Ei Phyu tỏ ra xót xa: “Có thể phục chế những ngọn tháp, nhưng chắc chắn nó không thể còn nguyên vẹn dấu ấn ngàn năm”.
Trước khi đến đây, tôi đã đọc nhiều bài báo về thông tin động đất 6,8 độ Richter tại Bagan và hình dung rằng mình sẽ chứng kiến tận mắt cảnh đổ nát, vắng lặng. Thực tế không phải vậy, thành phố du lịch Bagan vẫn đập nhịp đập bình thường.
Những chuyến xe buýt và taxi chở du khách vẫn bon bon trên đường. Các khách sạn, các điểm cho thuê xe đạp điện, các nhà hàng vẫn mở cửa nhộn nhịp đón khách… Người kinh doanh du lịch ở khu New Bagan hầu như không tỏ ra sợ hãi với động đất.
“Hàng trăm năm mới có một lần, mọi thứ hiện nay vẫn ổn” - ông chủ khách sạn chỗ tôi trú bình thản nói.
Phản ứng nhanh Bagan là kinh đô cổ của Myanmar dưới thời vua Anawrahta (1044 - 1077). Đây là vùng đất đặc biệt, trên một diện tích không lớn có hơn 2.000 ngôi chùa cổ lớn nhỏ. Sự cố động đất vừa qua đã làm hư hại hơn 300 ngôi chùa từ mức độ nhẹ đến nặng nề (không thể phục hồi). May thay, đa số chùa, đền cổ bị hư hại chủ yếu gãy phần chóp. Bộ Văn hóa và công tác tôn giáo Myanmar đã nhanh chóng in các apphich cảnh báo cho du khách ở các công trình di sản có nguy cơ sập và tiến hành sửa chữa, trùng tu. |