Du lịch

Nghề VIP ở Hội An

TTO - Để làm nghề đạp xích lô ở Hội An không hề dễ dàng, người dân phố cổ gọi đó là nghề VIP bởi thu nhập cao và ổn định, đòi hỏi nghề này không khác gì làm du lịch.

Du khách đến đô thị cổ Hội An rất thích đi dạo bằng xích lô nên nghề đạp xích lô có thu nhập rất ổn định - Ảnh: V.Hùng
Du khách đến đô thị cổ Hội An rất thích đi dạo bằng xích lô nên nghề đạp xích lô có thu nhập rất ổn định - Ảnh: V.Hùng

Những chiếc xích lô đưa du khách tham quan di sản văn hóa thế giới, đô thị cổ Hội An (Quảng Nam) trông rất bắt mắt. Xe làm bằng inox sáng lóa, ghế ngồi, rèm che màu đỏ, trong khi những người đạp xích lô đều mặc đồng phục màu xanh lịch sự.

Đi du lịch vòng quanh phố cổ là nét riêng có ở Hội An, vừa ngồi ngắm cảnh vừa thăm thú các di tích rất thuận tiện. Những người đạp xích lô phục vụ rất thân thiện, tuyệt vời

Du khách THOMAS CONLLINS

Bốn đời đạp xích lô

Gần trưa giữa tháng 4 nắng rát hắt chảy cả nhựa đường ở Hội An, ông Nguyễn Tư (62 tuổi, số xe 33) oằn lưng đạp từng vòng xích lô chở một du khách người Bỉ nặng hơn 80kg.

Qua hết con đường Trần Hưng Đạo, rẽ qua đường Lê Lợi để vào đường Trần Phú ở khu phố cổ, xe xích lô bắt đầu quay chầm chậm lại, chiếc áo màu xanh của ông Tư đã ướt đẫm mồ hôi. Lên dốc chùa Cầu, bước chân ông không nhấn nổi một vòng bánh xe, ông Tư đành xuống xe đẩy lên dốc, mồ hôi trên gương mặt nhễ nhại rơi xuống chiếc áo đã thấm hết nước.

Người khách ái ngại nhìn ông nhưng ông Tư vẫn cố mỉm cười với khách như không hề có vẻ mệt nhọc.

Hai vòng xe xích lô đưa khách qua đường Nguyễn Thái Học, Bạch Đằng tham quan phố cổ, sông Hoài rồi trả khách. Vị khách người Bỉ hài lòng móc ví trả 150.000 đồng cho 45 phút xích lô và nói lời cảm ơn. Ông Tư đáp lại bằng tiếng Anh: “Cảm ơn. Chúc ông có một kỳ nghỉ vui vẻ, hạnh phúc ở Hội An. Hẹn gặp lại”.

Ông Tư cho hay mùa cao điểm mỗi ngày chở 4-5 lượt khách, nếu toàn khách Tây nặng ký thì đêm về ê ẩm cả người, phải dùng dầu xoa bóp để hôm sau có thể đạp xích lô tiếp.

Vị du khách người Bỉ Thomas Conllins bắt tay ông Tư, nói: “Đi du lịch vòng quanh phố cổ là nét riêng có ở Hội An, vừa ngồi ngắm cảnh vừa thăm thú các di tích rất thuận tiện. Những người đạp xích lô các ông phục vụ rất thân thiện, tuyệt vời”.

Ông Tư là một trong số 102 chủ xích lô thuộc Nghiệp đoàn xích lô văn hóa Hội An phục vụ du khách tham quan phố cổ.

Ông Tư đạp xích lô 19 năm nay, cho biết nghề đạp xích lô ở Hội An thịnh hành hơn chục năm nay, thu nhập cũng khá (bình quân 9-10 triệu đồng/tháng) nên ông nuôi được 5 người con, có 4 người học đại học ra trường có công ăn việc làm ổn định.

Ông kể ông nội ông là Nguyễn Bàng đạp xích lô từ thời Pháp. Đến năm 1969 thì ông nội giao xích lô cho cha ông Tư là ông Nguyễn Phán tiếp tục làm nghề xích lô để nuôi con cháu ăn học đến những năm đầu 1980. Ông Phán hết sức lực nên giao xích lô lại cho ông Tư tiếp tục theo nghề.

Đến đời ông Tư làm nghề thì Hội An dập dìu du khách Tây ta đến, phố cổ lại cấm xe máy nên nghề xích lô trở thành nghề... VIP. Năm 2011, con ông Tư mua thêm một suất xích lô nữa để hành nghề cùng cha cho đến nay.

Trong nghiệp đoàn còn có nhiều gia đình 2-3-4 thế hệ hành nghề xích lô... VIP ở Hội An này như gia đình ông Tư.

Hai khách Tây nhí thích thú khi đi dạo bằng xích lô ở Hội An - Ảnh: V.Hùng
Hai khách Tây nhí thích thú khi đi dạo bằng xích lô ở Hội An - Ảnh: V.Hùng

Hết lòng vì du khách

Chủ tịch Nghiệp đoàn xích lô văn hóa Hội An Phan Phước Tùng kể trước năm 2002 xích lô ở Hội An chỉ hơn 50 chiếc, đường lại nhỏ, hoạt động tự phát, chưa có tổ chức, chưa chuyên nghiệp, “mạnh ai nấy đạp” nên hay bị du khách phàn nàn.

Năm 2003 chính quyền thành phố cho thành lập nghiệp đoàn để tập hợp người đạp xích lô vào một tổ chức, hoạt động ổn định, quy củ và chuyên nghiệp với 102 chiếc xích lô. 40% chủ xích lô là bộ đội xuất ngũ, sau đời lính tìm việc khó khăn nên chọn xích lô làm phương tiện kiếm sống, số còn lại là những người đạp xích lô “gia truyền” hành nghề từ lâu.

102 chiếc xích lô này được bố trí ở 5 điểm quanh khu phố cổ và đón khách theo phiên. Trên bảng phiên là từng số xe đã chạy và theo thứ tự sắp xếp sao cho mỗi ngày từng người đều chở được khách, người nào ngày hôm trước chạy ít chuyến thì hôm sau được chạy trước nên xe nào cũng bình đẳng phiên chuyến, không có chuyện tranh giành khách và phân bì thu nhập thấp cao.

Anh Phan Phước Tùng cũng là một người đạp xích lô, là đảng viên, bộ đội xuất ngũ nên được anh em tín nhiệm bầu làm chủ tịch nghiệp đoàn.

Chỉ về phía ông Bùi Thành (75 tuổi, số xe 011), anh Tùng cho biết đó là người đạp xích lô lớn tuổi nhất của nghiệp đoàn, người vừa mới được nghiệp đoàn tập huấn 10 ngày về tiếng Anh, về giao tiếp ứng xử với du khách.

Được hỏi về hiệu quả của lớp tập huấn này, ông Thành vui vẻ nói tuổi của ông mà phải học thì vất vả nhưng nhờ đó ông cũng tiếp thu được lắm điều mới mẻ để phục vụ khách tốt hơn.

Gần 14 năm đạp xích lô, anh Tùng cho hay những người đạp xích lô đã có không biết bao nhiêu hành động đẹp. Mỗi chiếc xích lô đều có số xe, số áo nên khi khách lên xe họ đều nhớ, mỗi tuần từ 3-4 lần khách liên hệ báo về tư trang cá nhân để quên, anh em đều tận lực tìm kiếm trả lại cho du khách.

Anh Tùng kể nhiều cái mũ, cái dù của du khách là vật kỷ niệm, giá trị chỉ vài chục nghìn đồng nhưng khi khách phản ảnh, anh em phải tốn vài chục nghìn cước phí điện thoại để liên lạc trả lại cho du khách ở tận TP.HCM, Đà Lạt...

Với nhiều đồ vật đắt tiền như máy ảnh, điện thoại, laptop, iPad... mọi người đạp xích lô đều mang trả lại cho du khách tận khách sạn họ ở tại Hội An.

Anh Tùng kể về trường hợp một du khách người Pháp phản ảnh với khách sạn rằng đứa bé con của họ khi bước ra khỏi một xích lô thì bị trầy chân, khách sạn “nối mạng” ngay với nghiệp đoàn, anh Tùng đại diện nghiệp đoàn mang một chai champagne cùng bó hoa đến khách sạn gặp du khách kia để xin lỗi.

Một suất xích lô 
bằng chiếc ôtô

Du khách đến Hội An mỗi năm một tăng nhưng lượng xích lô được quy định vẫn 102 chiếc như 14 năm trước đó.

Theo anh Phan Phước Tùng, duy trì lượng xích lô như vậy là phù hợp với nhu cầu khách, tránh ảnh hưởng đến trật tự giao thông đô thị cổ và không làm phức tạp tình hình vận chuyển khách du lịch ở Hội An. Có nhiều người muốn xin vào nghiệp đoàn nhưng đều không được.

Anh Tùng nói thêm nghiệp đoàn chỉ đồng ý vài trường hợp sang nhượng trong gia đình, bà con với nhau chứ ít có xích lô nào được rao bán cho người ngoài, vì thế không định giá được một suất xích lô ở Hội An là bao nhiêu.

Hơn nữa nghề xích lô VIP mỗi ngày chỉ làm vài giờ, thu nhập lại ổn định nên không ai nghĩ đến chuyện bán nó.

Chúng tôi giả làm người muốn mua xích lô bắn tin cho các thành viên của nghiệp đoàn nhưng không một ai muốn nhượng suất xích lô mà họ đang hành nghề. Chỉ nghe thấy dân trong nghề VIP này định giá với nhau rằng mỗi suất phải trên dưới 300 triệu đồng (dù chi phí đầu tư lắp ráp một chiếc xích lô hiện chỉ từ 20-25 triệu đồng).

Ông Nguyễn Tư xác nhận chuyển nhượng một chiếc xích lô giờ phải tầm giá đó bởi từ năm 2011, khi ông mua lại suất xích lô cho con ông hành nghề thì đã tốn hơn 100 triệu đồng.

Ông Tư phân tích nếu siêng làm, đạp bất kể nắng mưa, ngày lễ thì dù có mua với giá 300 triệu đồng/suất xích lô ở Hội An thì chỉ khoảng 3 năm là lấy lại vốn.

Yêu cầu bắt buộc

Định kỳ mỗi chiếc xích lô đều được kiểm tra về độ bảo đảm an toàn, sạch sẽ, bạt che mưa che nắng... Người đạp xích lô phải mặc đồng phục từ áo, mũ, quần màu xanh khi hành nghề.

Họ phải biết tiếng Anh cơ bản để giao tiếp, hành xử nhã nhặn với khách, không được lấy quá giá cước quy định (100.000 đồng/30 phút), không chèo kéo, mặc cả và lấy thêm tiền du khách trừ tiền boa. Ngoài ra, còn phải biết cách chống trộm cướp, bảo vệ an ninh trật tự...

VIỆT HÙNG - TẤN VŨ

Tuổi trẻ

      © 2021 FAP
        12,193,239       194