TTO - Tháng 4-2016, tác phẩm nghệ thuật đường phố khổng lồ trải rộng trên 50 tòa nhà đã thay đổi một phần bộ mặt nhếch nhác của "phố rác" giữa lòng thủ đô Cairo, Ai Cập.
Chiếc áo mới mang tính nghệ thuật đang dần giảm bớt hình ảnh bẩn thiểu của phố rác Ai Cập - Ảnh: wp |
Từ một ngọn đồi sát bên khu phố Manshiyat Nasr, một trong những khu phố nghèo nhất và là nơi sinh sống của cộng đồng Coptic (người Công giáo ở Ai Cập) chuyên nghề lượm rác giữa lòng Cairo, bạn có thể nhìn thấy một tác phẩm nghệ thuật pha trộn tinh tế giữa thư pháp Ả Rập và hình vẽ nguệch ngoạc trên tường với sắc màu rực rỡ đánh bạt hình ảnh nhếch nhác, bẩn thỉu của một phố rác.
Trong ba tuần, nghệ sĩ đường phố người Pháp gốc Tunisia El Seed cùng đội ngũ 22 người đã hoàn thành bức vẽ mang tên "Perception" bao phủ 50 tòa nhà trong khu phố có nhiều tòa nhà bằng gạch đỏ có nhiều kích cỡ khác nhau.
Nhóm nghệ sĩ đã vẽ từng phần nhỏ của tác phẩm trên tường mỗi tòa nhà, từ đó phối hợp thành một bức bích họa khổng lồ trải rộng hơn 300m.
Tác phẩm được kỳ vọng sẽ khơi dậy nhận thức của người dân bản địa về bộ mặt khu phố của họ và từ những ngọn đồi cao thuộc núi Mokattam nhìn về Cairo, thông điệp nhắn gửi của nghệ sĩ luôn đập vào mắt mọi người vào ngày cũng như đêm.
Khu phố tàn tạ giữa lòng thủ đô Ai Cập trước khi chuyển mình bằng nghệ thuật đường phố - Ảnh: wp |
Chiếc áo mới mang tính nghệ thuật bao trùm 50 tòa nhà cao thấp khác nhau ở phố rác Ai Cập - Ảnh: wp |
Một nhóm nghệ nhân đang thực hiện một phần tranh tường tại các tòa nhà trong khu phố rác - Ảnh: wp |
Một cậu bé trong khu phố chăm chú xem diện mạo tương lai của phố rác trên bản vẽ - Ảnh: streetartnews |
Thế hệ tương lai trong khu phố rác háo hức xem diện mạo mới dần hình thành... - Ảnh: gudskunc |
Tác phẩm nghệ thuật đường phố lung linh trong đêm giữa lòng thủ đô Ai Cập - Ảnh: divisare |
Trong nhiều thập niên, cộng đồng Coptic đã phát triển hệ thống tái chế rác hiệu quả nhất và đạt lợi nhuận cao. Tuy nhiên, nghề lượm và tái chế rác của họ đã biến phố Manshiyat Nasr trở thành một nơi bẩn thỉu và bị đẩy ra ngoài lề xã hội.
Theo nghệ sĩ El Seed, người từng có nhiều tác phẩm nghệ thuật đường phố tại các thành phố lớn trên thế giới, người dân nơi đây đã dọn dẹp cho Cairo sạch đẹp trong khi nơi ở của họ toàn rác, vì vậy, họ xứng đáng được tôn vinh và tác phẩm trên là món quà dành tặng cho cư dân phố rác Manshiyat Nasr.
Vào thập niên 1980, thủ đô Cairo phát triển mạnh và nguồn rác đô thị đã nuôi sống gần 65.000 người đa số theo đạo Công giáo Ai Cập bằng nghề lượm và phân loại rác. Nhưng từ năm 2003, cuộc sống của họ trở nên khó khăn hơn do chính quyền thời Tổng thống Hosni Mubarak quyết định giao việc quản lý rác thải đô thị cho các công ty lớn của nước ngoài. Ý tưởng sắp xếp lại hệ thống gom và tái chế rác thải, tạo điều kiện sống tốt hơn cho các phố nghèo trong khu vực này bị quên lãng. Và người dân phố rác được gọi với biệt danh "Zabaleen" vẫn tiếp tục sống chung với rác cho đến nay. |