Thế giới

'Sóng thần màu bạc' ở Singapore

22h tại một khu ẩm thực ở Singapore, bà Wong Kuan Ying vẫn tiếp tục công việc dù các hàng quán khác đã bắt đầu dọn dẹp và đóng cửa.

song-than-mau-bac-o-singapore

Bà Wong Kuan Ying, phải cắt bỏ chân phải từ gối và toàn bộ ngón chân trái, tiếp tục làm việc dù đã 72 tuổi. Ảnh: Guardian

Quầy đồ uống nơi bà Ying làm việc hầu như không có phút thảnh thơi. Thậm chí trong thời điểm được xem là nhàn nhã nhất ở West Coast Square Food, vẫn có người tới mua cà phê hoặc trà. Bà Ying kiêm nhiệm cả pha chế, thu ngân và trông hàng, dù đã 72 tuổi, theo Guardian.

Với trang phục chỉnh tề và cử chỉ chính xác dù đã về cuối ca làm việc kéo dài 9 tiếng, bà Ying tiếp tục giải quyết nốt những nhiệm vụ cuối ngày như rửa ly tách, sắp xếp dụng cụ và đếm tiền.

Các đồng nghiệp của bà tại khu ẩm thực ăn vận thoải mái hơn với quần đùi và áo phông. Giống như bà, vài người trong số này đã quá tuổi lao động.

Vị trí bà Ying hay những người cùng tuổi được thuê làm việc có thể dễ dàng tìm được ứng viên trẻ khoẻ hoặc một người nước ngoài với mức lương thấp hơn nhiều. Tuy nhiên, bà được tuyển vào làm bởi chính phủ Singapore đang tích cực đẩy mạnh các biện pháp giúp người cao tuổi quay lại làm việc.

Năm 2012, chính sách tái thuê lao động được nước này ban hành với mục đích khuyến khích công dân quá 62 tuổi, tuổi nghỉ hưu chính thức, tìm được công việc. Theo đó, chính phủ tạo điều kiện cho người sử dụng lao động được linh hoạt giữ lại nhân viên đến tuổi nghỉ hưu tiếp tục làm việc, kèm theo các điều khoản tương ứng.

Độ tuổi tiếp tục lao động năm 2012 được quy định là 65, đến năm 2017 sẽ nới lỏng tới 67 tuổi. Dù vậy, nhóm vượt ngưỡng này vẫn có thể làm việc nếu có thoả thuận với người sử dụng lao động. Cùng lúc, Singapore sẽ siết chặt số lượng lao động nước ngoài.

song-than-mau-bac-o-singapore-1

Năm 2015, nhóm người trên 60 tuổi chiếm 12% trong tổng lao động ở Singapore. Họ chủ yếu làm các công việc thu nhập thấp. Ảnh: Singapore Today

Hiện tượng mà người Singapore lo ngại gọi tên là "cơn sóng thần màu bạc" là nguyên nhân dẫn tới chính sách tái thuê lao động này. Ước tính tới năm 2030, cứ 5 người ở Singapore thì có một người trên 60 tuổi. Nước này cũng đứng thứ ba trên thế giới về tuổi thọ, ở mức 82,7 tuổi.

Số giờ lao động một năm của người Singapore xếp ở mức cao nhất thế giới, trung bình 2.400 giờ/năm. Trong khi đó, bà Ying làm việc tới 3.042 giờ.

"Tôi biết ơn công việc"

Lịch làm 28 ngày/tháng cùng mức lương 1.600 SGD (1.100 USD), không có tiền ngoài giờ của bà Ying bị con trai phản đối. Anh William cho rằng bà nên ở nhà nghỉ ngơi, xem tivi thay vì đi làm.

Ngược với suy nghĩ của con, bà Ying rất biết ơn công việc. Không chỉ xoá đi chuỗi thời giờ cô đơn, công việc giúp bà giảm gánh nặng tài chính cho con cái. Anh William, dù có thu nhập 2.000 SGD/tháng (1.400 USD), cần tiền chi trả cho khoản vay thế chấp nhà và các hoá đơn khác. Hơn nữa, thu nhập dù không cao tạo thêm nguồn tài chính để bà Ying trang trải tiền chữa bệnh tiểu đường.

Bệnh tiểu đường cấp tính là cuộc tấn công khá bất ngờ, bà Ying kể. Ban đầu, bà đi khám vì bàn chân không ngớt đau. Khi đó bà đang làm bếp trong căng tin đại học và nghĩ đây là hệ quả của việc đứng quá lâu. Bác sĩ khám và yêu cầu phẫu thuật khẩn cấp.

Bà bị cắt một ngón chân trái, và tiếp tục phải cắt toàn bộ ngón chân trái. Bà Ying ở nhà suốt 7 tháng vì cú sốc này. Tuy nhiên, bà lấy lại sức sống khi tìm được việc làm ở một trung tâm thương mại. Tiền lương thu được giúp bà chi trả hoá đơn, công việc bận rộn xoá đi cô đơn và dỗ giấc ngủ nhanh hơn mỗi tối. Bà Ying có thể tự mua cho mình những đôi giày chắc chắn hơn và cải thiện chế độ dinh dưỡng tránh bệnh diễn tiến xấu.

Dù vậy, cách đây hai năm rưỡi, bà phải đối mặt với quyết định cắt chi phải, phần từ đầu gối trở xuống. Một phần lớn tiền tiết kiệm cả đời của bà đổ vào ca phẫu thuật này.

"Nay tôi đã khá hơn trước rất nhiều. Những ngày đầu, tôi thường ôm lấy mỏm cụt trên gối và ngồi khóc", bà Ying tâm sự.

Suốt 40 ngày nằm viện, bà Ying tự sốc lại tinh thần bằng cách nghĩ về những điều đã trải qua. Làm mẹ đơn thân và không có cơ hội học hành, bà Ying một tay nuôi nấng hai con trưởng thành, mua được nhà và chăm sóc mẹ ruột cho tới khi bà qua đời. Nỗi đau này sẽ vượt qua được, bà tự nhủ.

Cách đây vài tháng, bà Ying được thuê làm việc ở khu ẩm thực gần nơi sinh sống. Không còn phải đi xe buýt mỗi ngày tới khu trung tâm như trước, bà Ying cho biết bà mừng vì tiết kiệm được thời gian. Người phụ nữ cũng tâm sự bản thân không thấy ngại ngần vì không có ngày nghỉ trong tuần, không nhận bảng lương đánh máy như mọi người hay thu nhập chỉ ở mức thấp so với trung bình.

Tự giúp mình

Các chính sách phúc lợi ở Singapore trước đây không được đề cao. Thủ tướng Lý Quang Diệu lúc đó cho rằng khoản trợ cấp cho một người từ khi sinh ra tới khi chết đi sẽ mài mòn tham vọng của các doanh nghiệp. Thay vì trợ cấp, Singapore có xu hướng tin vào nền tảng trách nhiệm của mỗi cá nhân, với sự giúp đỡ từ chính phủ khi thật cần thiết.

Điều này hiện đã cải thiện hơn, theo Radha Basu, nhà báo kỳ cựu của tờ Straits Times.

"Những năm gần đây, các chính sách bao hàm nhiều đối tượng hơn, hướng tới mục tiêu giúp người nghèo có được chất lượng cuộc sống tốt hơn. Chúng tôi có chương trình bảo hiểm xã hội phổ thông, các mạng lưới an toàn xã hội cũng được củng cố", ông Basu nói.

Về phần bà Ying, thẻ Pioneer Generation nhận được hồi đầu năm giúp bà vơi bớt gánh nặng chi phí. Nhờ đó, bà có thể mua chân giả mới chỉ với 400 SGD (280 USD), vừa vặn hơn hẳn chiếc cũ. Nếu không có trợ cấp, bà phải bỏ ra số tiền gấp ba lần, một khoản quá sức bà.

Các phúc lợi của Pioneer Generation được giới thiệu năm 2015 là chính sách hào phóng nhất dành cho người cao tuổi của Singapore với các khoản trợ cấp cho đối tượng sinh ra từ năm 1950 trở về trước.

Chung mục tiêu trợ giúp người cao tuổi, chính sách tái thuê lao động và các kế hoạch kèm theo góp phần nâng tỷ lệ người cao tuổi có việc làm. Thống kê cho thấy người trên 60 tuổi ở Singapore chiếm 5,5% lực lượng lao động năm 2006. Tỷ lệ này tăng lên 12% vào năm 2015.

Tuy nhiên, vấn đề khiến nhiều người lo ngại là nhóm lao động cao tuổi thường làm các công việc với mức lương thấp (dưới 1.320 USD/tháng) như lau dọn, bảo vệ và bán hàng. Theo Bộ Nhân lực Singapore năm 2015, 73% số lao động lau dọn và công việc không có chuyên môn là người trên 50 tuổi.

Đa phần người lớn tuổi tại Singapore không thành thạo tiếng Anh hoặc được học hành đầy đủ. Do đó, trong nền kinh tế phát triển cao, họ hiếm khi tìm được vị trí nào ngoài các công việc thu nhập thấp.

Nguyên nhân này khiến hình ảnh người cao tuổi như bà Ying làm những công việc chân tay nặng nhọc đã trở nên phổ biến tại Singapore, thu hút sự chú ý của nhiều người ngoại quốc thảo luận trên các diễn đàn tuyến.

"Người già làm việc thì có vấn đề gì cơ chứ?" nhiều người Singapore phản biện rằng điều này mang lại nguồn tài chính độc lập và giúp người cao tuổi sống chủ động.

song-than-mau-bac-o-singapore-2

Nhiều người Singapore cho rằng tiếp tục làm việc đối với người cao tuổi là một quyết định tự trọng, giúp họ có thu nhập độc lập và sống chủ động hơn. Ảnh: Today Online

Không ít ý kiến cho rằng trong thực tế, tiếp tục làm việc là một lựa chọn tự trọng nhất cho người cao tuổi.

"Có nhiều trợ giúp cho những ai cần giúp đỡ, nhưng không ai đi tới và tự tay đưa cho bạn. Mọi người phải tự mình tìm trợ giúp và rất khó để người cao tuổi hiểu hết hoạt động của hệ thống như phải hỏi những ai, tới nơi nào và điền các loại giấy tờ nào", Alan John, cựu phó biên tập tờ Strait Times nói.

Đồng tính với ông John, bà Ying kể rằng chính bà cũng đi tìm sự trợ giúp sau khi phải cắt bỏ chân phải.

"Tôi từng điền vào những mẫu giấy này. Tôi đã nộp tất cả 10 lá đơn nhưng không nhận được gì. Dẫu sao tôi cũng vui mừng vì chính phủ cuối cùng đã nhận ra có những người nghèo ở Singapore. Hai năm trước, họ không làm được điều đó", bà Ying nói.

Xem thêm: Nghệ thuật xăm hình Việt Nam lên báo Singapore

Thu Hiền

VNExpress

sóng thần, bạc, Singapore, tái thuê lao động, chính sách, người cao tuổi, dân số già, gánh nặng, chính sách phúc lợi


      © 2021 FAP
        3,901,130       458