Thế giới

Dự án tàu ngầm góp phần đẩy phát xít Đức đến bờ vực sụp đổ

Phát xít Đức chế tạo tàu ngầm tối tân Type XXI để xoay chuyển tình thế, nhưng đây lại là thất bại lớn nhất góp phần khiến họ sụp đổ.

du-an-tau-ngam-dy-phat-xit-duc-den-bo-vuc-sup-do

Chiếc U-3008 trong một chuyến hành trình trên biển. Ảnh: Wikipedia.

Ngày 4/5/1945, chiếc tàu ngầm hiện đại nhất thế giới của phát xít Đức bí mật tiếp cận một tuần dương hạm của Hải quân Hoàng gia Anh. Lúc này, thông tin về lệnh ngừng bắn ở châu Âu đã được truyền đến thủy thủ đoàn, nên chiếc tàu ngầm không phóng ngư lôi mà chỉ thực hành tấn công mô phỏng.

Đó là U-2511, một trong hai tàu ngầm lớp Type XXI mới được phát xít Đức chế tạo với mục tiêu giúp xoay chuyển cục diện chiến trường. Tuy nhiên, dự án này lại bị coi là một trong những thất bại lớn nhất của phát xít Đức, theo War Is Boring.

Dự án tầu ngầm Type XXI khởi công năm 1943, thời điểm phát xít Đức tham gia sâu vào cuộc chiến tranh tàu ngầm trên Đại Tây Dương nhằm mục đích bao vây cô lập nước Anh. Quân đội Đức đã dùng hàng trăm tàu ngầm U-boat lớp Type VII bao vây các hòn đảo của Anh nhằm ngăn chặn tàu bè qua lại, đánh chìm 56 tàu thuyền của Đồng minh chỉ trong tháng 10/1942.

Tuy nhiên, đến năm 1943, kế hoạch này bị phá sản khi phe Đồng minh sử dụng máy bay tuần tra trang bị radar săn ngầm để hộ tống tàu bè tới Anh. Tàu ngầm Type VII của Đức dễ dàng bị máy bay săn ngầm phát hiện và đánh chìm với số lượng lớn, do chúng phải nổi lên trong thời gian dài để nạp điện cho pin.

Ngoài ra, tốc độ chậm của Type VII không đủ để bắt kịp đội tàu hộ tống phe Đồng minh. Chỉ tính riêng tháng 5/1943, quân Đồng minh đã diệt 43 chiếc U-boat, tương đương 25% hạm đội tàu ngầm Đức.

Trước tình cảnh đó, trùm phát xít Adolf Hitler và các chỉ huy quân sự cấp cao Đức muốn chế tạo ra một loại tàu ngầm mới, có khả năng làm thay đổi bản chất cuộc chiến trên biển. Dự án chế tạo tàu ngầm Type XXI ra đời, với thiết kế trong khoang hình số 8 độc đáo để mang theo khối pin điện khổng lồ, giúp nó giảm thời gian nổi lên mặt nước để sạc điện.

Tàu có thể lặn liên tục trong 60 giờ với vận tốc hành trình 9 km/h, hoặc duy trì tốc độ tối đa trên 33 km/h trong vòng một tiếng rưỡi, đủ nhanh để đuổi kịp các tàu hộ tống. Trong khi đó, tàu ngầm Type-VII chỉ có thể duy trì vận tốc tối đa gần 15 km/h trong thời gian rất ngắn.

Dài hơn 76 m với lượng giãn nước 1.620 tấn, tàu ngầm Type XXI được trang bị 6 ống phóng ngư lôi sử dụng cơ cấu nạp đạn thủy lực. Tàu mang theo 23 quả ngư lôi, đủ sức đánh chìm một biên đội tàu hộ tống của quân Đồng minh.

Marcus Jones, phó giáo sư tại Học viện Hải quân Mỹ, cho rằng Type XXI còn được trang bị các thiết bị cảm biến hiện đại như radar và sonar chủ động, cùng một sonar thụ động để thu âm thanh từ tàu địch. Với các công nghệ này, Type XXI có thể coi là tàu ngầm hiện đại và nhanh nhất thế giới thời điểm đó.

du-an-tau-ngam-dy-phat-xit-duc-den-bo-vuc-sup-do-1

Ba tàu ngầm lớp Type XXI và một chiếc Type VII. Ảnh: Film Inspector.

Sau khi biên chế hai tàu ngầm lớp Type XXI là U-2511 và U-3008, hải quân Đức kỳ vọng chúng sẽ giúp nước này lật ngược thế cờ trên Đại Tây Dương. Tuy nhiên, mọi thứ diễn ra không như kế hoạch, khiến Type XXI trở thành gánh nặng thúc đẩy sự sụp đổ nhanh chóng của phát xít Đức.

Hai tàu ngầm lớp Type XXI gặp hàng loạt vấn đề kỹ thuật khiến các kỹ sư Đức đau đầu. Hệ thống nạp ngư lôi bằng thủy lực không hoạt động hiệu quả, động cơ và hệ thống lái gặp lỗi khiến Type XXI không trở nên nguy hiểm với tàu bè Đồng minh như dự tính.

Dù các vấn đề này sau đó đã được khắc phục triệt để, Type XXI cũng khó lòng giúp Đức xoay chuyển cục diện chiến trường, bởi sai lầm đến từ chiến lược sử dụng tàu ngầm của quân đội nước này.

Hải quân Đức muốn các tàu ngầm hoạt động độc lập, nhưng một nhiệm vụ lớn như ngăn chặn tàu bè Đồng minh trên Đại Tây Dương cần nhiều tàu ngầm phối hợp tác chiến, bởi Đức thiếu hụt trầm trọng các máy bay tuần tra biển và căn cứ không quân hỗ trợ. Trong điều kiện thời tiết xấu, chỉ huy Đức chỉ có thể nghe ngóng và quan sát từ các tàu ngầm U-boat, trong khi chúng bị các máy bay phe Đồng minh săn lùng.

Trong Thế chiến II, tàu ngầm có nhiệm vụ chủ yếu là bảo vệ bờ biển, quấy rối tàu chiến và ngăn chặn tàu hộ tống địch. Thế nhưng, ba nhiệm vụ này của tàu ngầm Đức đều thất bại.

Vùng bờ biển Đức thường xuyên bị máy bay phe Đồng minh tấn công, bộ binh đối phương áp sát sông Rhine, trong khi các tàu hộ tống Đồng minh nhiều đến mức Đức phải đóng tới hàng trăm tàu ngầm mới để đối phó. Đây là nhiệm vụ bất khả thi, cảng biển Đức không được bảo vệ khiến các kỹ sư rất khó đóng tàu hay khắc phục lỗi của mẫu Type XXI.

Việc quá chú trọng vào chế tạo vũ khí tối tân thay vì các dự án mang tính thiết thực khiến Đức nhanh chóng thất bại ở Mặt trận phía Đông trước khi bị đánh bại hoàn toàn vào năm 1945.

Sau chiến tranh, chiếc tàu ngầm Type XXI duy nhất còn sót lại tới nay là Wilhelm Bauer (U-2540) được Đức hoán cải thành tàu nghiên cứu vào năm 1957. Hiện nó là một bảo tàng nổi ở thành phố Bremerhaven.

"Tàu ngầm Type XXI là ví dụ điển hình cho niềm tin mù quáng vào công nghệ của phát xít Đức trong các tình huống khẩn cấp, phức tạp ở cấp chiến dịch và chiến lược", phó giáo sư Marcus Jones nhấn mạnh.

du-an-tau-ngam-dy-phat-xit-duc-den-bo-vuc-sup-do-2

Chiếc U-2540 giờ là bảo tàng ở phía tây nước Đức. Ảnh: Wikipedia.

Xem thêm: Tàu ngầm Oscar - sát thủ thầm lặng của tàu sân bay Mỹ

Duy Sơn

VNExpress

tàu ngầm, U-2511, Type-XXI, tối tân, phát xít, Đức


      © 2021 FAP
        3,900,951       447