Bạn đọc

Lấn "đất" trên không

Tình trạng xây cất lấn không gian phía trên của đường phố hoặc hẻm dân sinh đang diễn ra rất phổ biến ở TP.Biên Hòa. Mặc dù đã có quy định về xây dựng, nhnhiều hộ gia đình vẫn vô tư lấn…

Tình trạng xây cất lấn không gian phía trên của đường phố hoặc hẻm dân sinh đang diễn ra rất phổ biến ở TP.Biên Hòa. Mặc dù đã có quy định về xây dựng, nhnhiều hộ gia đình vẫn vô tư lấn…

Những trường hợp xây dựng bao chiếm không gian phía trên đường hẻm ở chung cư A42, phường Trung Dũng, TP.Biên Hòa.  Ảnh: P.Uyên
Những trường hợp xây dựng bao chiếm không gian phía trên đường hẻm ở chung cư A42, phường Trung Dũng, TP.Biên Hòa. Ảnh: P.Uyên

Lợi dụng sự quản lý lỏng lẻo của địa phương và cơ quan chức năng, nhiều hộ dân ngang nhiên xây nới phía trên nhà mình gây ảnh hưởng đến các hộ liền kề. Hành vi cơi nới, lấn chiếm không gian trong lĩnh vực xây dựng không chỉ làm mất mỹ quan đô thị mà còn gây khó khăn trong việc tiếp cận khi xảy ra sự cố cháy nổ, cấp cứu cũng như hạn chế việc đi lại của người dân.

* Chiếm không gian làm của riêng

Khu chung cư A42, phường Trung Dũng (TP.Biên Hòa) được thiết kế vuông vức như bàn cờ. Phía trước mỗi dãy nhà có một đường ngang và cách 2-3 căn trong một dãy lại có một hẻm dọc thông ra 4 bên phía trước và phía sau. Những con hẻm dọc này còn là đường thoát hiểm, đồng thời là lối vào cầu thang dẫn lên các hộ ở tầng trên của chung cư. Thế nhưng, những đường hẻm ở khu vực này đang bị một số hộ dân xây lấn chiếm phần không gian, thậm chí còn đổ tấm làm phòng ở.

Sở hữu căn hộ tầng trên liền kề với không gian chung của con hẻm dọc thông 4 bên, hộ ông Đ.V.S. ở dãy H của chung cư A42 đã chiếm luôn phần trên của con hẻm bằng cách đổ tấm và xây hẳn một phòng ở. Cách đây 5 năm, khi mua được căn hộ ở dưới, ông S. liền lấn luôn gần nửa con hẻm để mở rộng sân nhà mình. Vì thế, hẻm thông với 4 bên trước đây rộng gần 3m, giờ chỉ còn hơn 1m. Giống như hộ ông S., gia đình bà N.T.Tr. cũng làm một phòng ở chiếm không gian phía trên đường hẻm thoát hiểm này.

Theo Điều 10, Nghị định 102/2014/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai thì hành vi cơi nới, lấn chiếm đất đai, xây tường, làm hàng rào gây cản trở hoặc gây thiệt hại cho việc sử dụng của người khác, kể cả lấn chiếm không gian đều bị nghiêm cấm. Nếu vi phạm sẽ bị phạt tiền từ 5-30 triệu đồng và buộc khôi phục lại tình trạng trước khi vi phạm.

Tương tự, trên đường Nguyễn Ái Quốc, đoạn gần giáp hẻm 2075 (phường Trung Dũng) có ngôi nhà tầng ngang nhiên đổ tấm rồi xây hẳn một căn phòng rộng khoảng 20m2 ngay phía trên hẻm 2075, khiến phía dưới như là… đường hầm. Khi được hỏi sao lại xây lấn ngang con hẻm để làm phòng ở, bà chủ nhà trả lời “hồn nhiên”: “Tôi đổ tấm ở trên để che mưa, che nắng cho bà con đi lại bên dưới được mát mẻ”. Ông Trần Văn C., một hộ dân trong hẻm 2075, cho biết: “Khi hộ này đổ bê tông lấn chiếm không gian phía trên con hẻm, chúng tôi đã có ý kiến lên phường nhưng không thấy ai xuống xử lý. Việc xây lấn phần trên đường hẻm khiến những hộ dân xung quanh gặp khó khăn khi câu mắc đường điện. Mỗi khi ở khu dân cư có đám tang, xe quan tài phải đi dưới phòng ở của gia đình họ thấy rất kỳ cục”.

Ở TP.Biên Hòa hiện nay có nhiều con đường mà không gian phía trên bị xây lấn thêm ra phần đường từ 1-2m; hay một số con hẻm nhỏ bề ngang chưa đầy 2m, nhưng những hộ dân 2 bên “đua nhau” đúc tấm gần như chạm nhau. Vì thế, những hộ dân sống trong hẻm chẳng còn được hưởng chút nắng, gió hay ánh sáng tự nhiên.

* Quản lý “bó tay”?

Theo Nghị định số 180/2007/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Xây dựng về xử lý vi phạm trật tự xây dựng đô thị, người có quyền sử dụng đất chỉ được sử dụng không gian và diện tích đất theo chiều thẳng đứng từ ranh giới trong khuôn viên đất của mình. Đối với ban công nhà tầng, có thể được làm đưa ra không gian chung với chiều rộng không quá 1m nhưng không được làm phòng ở phía trên diện tích này. Việc cho phép xây ban công phía trên với điều kiện trước hoặc sau nhà phải là đường giao thông có bề rộng từ 9m trở lên. Nghị định nghiêm cấm việc cơi nới ban công để đổ sàn từ tầng 2 vượt quá diện tích đất được cấp quyền sử dụng.

Nói về tình trạng lấn chiếm không gian chung, ông Doãn Văn Đồng, Trưởng phòng Quản lý đô thị TP.Biên Hòa, thừa nhận tình trạng lấn chiếm không gian chung phía trên làm của riêng ở thành phố lâu nay xảy ra khá nhiều, nhưng chỉ là những công trình cũ nên khó xử lý. Theo ông Đồng, tất cả những công trình xây dựng mới có thiết kế lấn chiếm diện tích đất công, đất của dân, kể cả lấn chiếm không gian chung sẽ không được cấp phép xây dựng. Mặt khác, những công trình vi phạm sẽ không được nghiệm thu và cấp giấy chứng nhận, thậm chí sẽ bị phạt tiền và buộc phải tháo dỡ phần không gian vi phạm.

Trong thực tế, tình trạng “lấn đất” trên không đang diễn ra tràn lan. Theo phân cấp hiện nay, việc kiểm tra, xử lý công trình xây dựng trái phép, lấn chiếm đất chung, không gian chung được giao cho các phường, xã. Riêng những công trình có cấp phép xây dựng thì Đội Quản lý xây dựng đô thị thành phố chịu trách nhiệm theo dõi nhà xây đúng thiết kế. Tuy nhiên, do việc quản lý lơ là của chính quyền địa phương cũng như cơ quan chức năng, việc lấn chiếm không gian chung ở TP.Biên Hòa còn khá phổ biến. Điều này gây xáo trộn trong xây dựng, đồng thời làm mất mỹ quan đối với quy hoạch đô thị.

Thuận Thảo

Đồng Nai

      © 2021 FAP
        2,831,404       37