TTO - Dự thảo Luật Đặc xá sửa đổi có thêm một số điểm về điều kiện được đề nghị đặc xá khiến đại biểu lo ngại sẽ xảy ra tình trạng "bản án xử bản án".
Ủy ban Tư pháp của Quốc hội trong phiên thảo luận về Luật Đặc xá - Ảnh: TRƯỜNG TRUNG
Ngày 2-7, tại Đà Nẵng, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đã tổ chức Hội thảo lấy ý kiến một số vấn đề lớn về dự thảo Luật Đặc xá.
Bồi thường thiệt hại sau khi được đặc xá
So với Luật Đặc xá năm 2007, dự thảo Luật Đặc xá (sửa đổi) có một số thay đổi lớn liên quan đến đối tượng được đề nghị đặc xá và điều kiện để được đề nghị đặc xá.
Trong đó điều kiện được đề nghị đặc xá có thêm một số nội dung như "đã thực hiện xong nghĩa vụ bồi thường thiệt hại hoặc nghĩa vụ dân sự khác, trừ trường hợp có thỏa thuận bằng văn bản không yêu cầu bồi thường thiệt hại hoặc đồng ý bồi thường thiệt hại sau khi được đặc xá".
Ông Nguyễn Thanh Thủy - phó tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành dân sự, Bộ Tư pháp - cho rằng thỏa thuận thi hành án là quyền của các đương sự trong quá trình tổ chức thi hành án dân sự và cơ quan thi hành án dân sự có trách nhiệm tôn trọng sự thỏa thuận đó.
Tuy nhiên, nếu quy định như trên thì có thể dẫn đến việc hiểu sai khi áp dụng. Cụ thể, có thể hiểu rằng quy định về "đồng ý bồi thường thiệt hại sau khi được đặc xá" là người được thi hành án đồng ý, nhưng cũng có thể hiểu rằng chỉ cần người phải thi hành án có văn bản cam kết sẽ bồi thường thiệt hại sau khi được đặc xá là đã đáp ứng đủ điều kiện để được đề nghị đặc xá.
Như vậy, quy định này sẽ trực tiếp ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của người được thi hành án, hay nói cách khác nó xâm phạm trực tiếp vào quyền lợi của họ.
"Văn bản cam kết của người phải thi hành án không phải là cơ sở pháp lý vững chắc cho việc họ sẽ có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ sau khi được đặc xá mà chỉ có ý nghĩa giúp người phải thi hành án nhanh chóng có đủ điều kiện đề nghị đặc xá trong khi chưa thi hành xong nghĩa vụ đối với người được thi hành án.
Trong trường hợp sau khi được đặc xá họ lại không thực hiện theo đúng cam kết sẽ thi hành án thì giải quyết như thế nào và ai, cơ quan nào giải quyết vấn đề này?"- ông Thủy băn khoăn.
Khó thi hành
Đồng quan điểm, đại biểu Phan Thái Bình - phó trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam - cũng lo ngại quy định này sẽ dẫn đến tình trạng "bản án xử bản án".
"Trên thực tế có nhiều thỏa thuận bồi thường nhưng lại không thực hiện được. Giả dụ trong trường hợp này người thi hành án vận động để có được chữ ký rồi không thực hiện. Như vậy lại thêm gánh nặng cho đơn vị thi hành án. Việc không thực hiện thỏa thuận bồi thường là trách nhiệm dân sự, nên tôi lo ngại sẽ có bản án xử một bản án"- đại biểu Bình nói.
Theo ông Thủy, trường hợp này tiềm ẩn rủi ro cho người được thi hành án trong tương lai sau khi phạm nhân được đặc xá, do nếu người phải thi hành án không bồi thường thiệt hại sau khi đặc xá thì không có cơ chế để bắt họ trở lại cơ sở giam giữ để tiếp tục chấp hành hình phạt tù.
Người được thi hành án chỉ có thể yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự tiếp tục tổ chức thi hành đối với khoản bồi thường thiệt hại nói trên.
Mặt khác, khi người phải thi hành án đã được đặc xá, tức là không còn chấp hành hình phạt tù nữa thì cơ quan thi hành án dân sự sẽ gặp nhiều khó khăn trong quá trình vận động, thuyết phục họ tự nguyện thi hành nghĩa vụ.
Thu hồi hơn 1.059 tỉ đồng từ 7 đợt đặc xá
Ông Nguyễn Thanh Thủy - phó tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành dân sự, Bộ Tư pháp - cho biết trong 8 năm qua đã có 7 đợt đặc xá (riêng năm 2017 không có đặc xá).
Trong đó, chủ tịch nước đã quyết định đặc xá cho 85.974 phạm nhân và 1.123 người đang được hoãn, tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù. Trong số này có 13 phạm nhân và 1 người đang được tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù để phục vụ yêu cầu đối ngoại của Đảng và Nhà nước.
Trong 7 đợt đặc xá, tổng số tiền mà những phạm nhân được đề nghị đặc xá và thân nhân của họ nộp thay để thực hiện các nghĩa vụ dân sự như án phí, tiền phạt, truy thu, bồi thường dân sự là hơn 1.059 tỉ đồng và 157.036 USD