Kinh tế

Việt Nam sẽ xây dựng chính sách phát triển và ứng dụng blockchain

TTO - Sẽ hỗ trợ phát triển ứng dụng công nghệ Blockchain thông qua các chương trình KH&CN cấp quốc gia và ưu tiên hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp thực hiện dự án có ứng dụng công nghệ blockchain

Đó là cam kết của Bộ trưởng Chu Ngọc Anh tại diễn đàn Blockchain Forum 2018

Với chủ đề " Xu hướng và Tầm nhìn phát triển", Blockchain Forum 2018 diễn ra tại Hà Nội sáng ngày 14-6 là diễn đàn đầu tiên về Blockchain với sự tham gia của đông đảo các nhà quản lý, hoạch định chính sách về kinh tế, pháp lý, khoa học và công nghệ cùng đại diện các doanh nghiệp nghiên cứu phát triển, ứng dụng công nghệ blockchain. 

Diễn đàn do VnExpress phối hợp cùng Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức, được xem là cơ hội kết nối giữa doanh nghiệp ứng dụng công nghệ với các cơ quan quản lý để đưa ra được những đề xuất, kiến nghị pháp lý dành cho công nghệ Blockchain trong thời gian tới.

Phát biểu khai mạc, ông Nguyễn Văn Bình - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Kinh tế Trung ương khẳng định "Đây được xem là Diễn đàn chính thức của các nhà làm chính sách, cơ quan quản lý, các doanh nghiệp để cùng nhau đưa ra những kiến nghị, hoàn thiện chính sách cho blockchain". 

Theo ông Bình, sự phát triển của khoa học công nghệ tác động lên hệ thống chính trị thế giới, trong đó, công nghệ blockchain (công nghệ chuỗi khối) được dự đoán sẽ dẫn dắt công nghệ tương lai.Với đặc tính phi tập trung, độ bảo mật cao, đây là công nghệ mang tính cách mạng ứng dụng trong nhiều ngành. 

Với tiềm năng lớn của công nghệ này, nhiều quốc gia đã nghiên cứu ban hành chính sách để thúc đẩy phát triển. "Không nằm ngoài xu thế, Việt Nam cần theo dõi khuyến khích, để đưa ra chính sách pháp luật nhằm thiểu rủi ro tiềm ẩn. Những ý kiến cởi mở trong diễn đàn này sẽ là cơ sở để Chính phủ, cơ quan nhà nước có thể đưa ra những chính sách kịp thời để phát triển công nghệ blockchain" - ông Nguyễn Văn Bình nhìn nhận.

Việt Nam sẽ xây dựng chính sách phát triển và ứng dụng blockchain - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Văn Bình phát biểu khai mạc Blockchain Forum 2018- Ảnh: T. HÀ

Tại Blockchain Forum 2018, các nhà quản lý, chuyên gia kinh tế và công nghệ đã trao đổi, thảo luận xung quanh các chủ đề: xu hướng phát triển blockchain toàn cầu, tình hình phát triển công nghệ blockchain tại Việt Nam và giải pháp, những khuyến nghị về chính sách để đẩy mạnh phát triển công nghệ này tại Việt Nam.

Theo các chuyên gia, blockchain vừa là cơ hội, vừa là thách thức. Nhiều tập đoàn công nghệ lớn như Apple, Google đang kỳ vọng, trong hai năm tới, công nghệ blockchain sẽ được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực. 

Blockchain đóng vai trò hỗ trợ hệ thống hạ tầng, minh bạch hóa thông tin. Từ những tiềm năng của Blockchain, đại diện các doanh nghiệp đang nghiên cứu và ứng dụng công nghệ này tại Việt Nam kiến nghị cần có khung pháp lý đủ thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển. 

Bên cạnh đó, các cơ quan Chính phủ, quản lý nhà nước cần cố gắng tạo điều kiện để ứng dụng công nghệ này ở bất cứ đâu có thể bởi công nghệ này đem lại sự rõ ràng, minh bạch, tạo niềm tin cho người dân.

Dưới góc độ từ cơ quan quản lý về công nghệ, ông Đàm Bạch Dương - Vụ trưởng Vụ Công nghệ cao - Bộ Khoa học và Công nghệ chia sẻ, tại diễn đàn hôm nay nhiều diễn giả, doanh nghiệp nhắc đến các ứng dụng mới của Blockchain. 

"Chúng tôi thấy rằng, việc nghiên cứu thấu đáo các tính ưu việt của công nghệ này là cần thiết và đi liền đó lường trước các rủi ro", Vụ trưởng chia sẻ. "Bộ Khoa học và Công nghệ đang xây dựng đề án 844 về Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025. Đây có thể xem là không gian để cho lĩnh vực Blockchain có điều kiện để phát triển tại Việt Nam"- ông Dương chia sẻ.

Trong khi đó, theo ông Nguyễn Thanh Tú - Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự và kinh tế - Bộ Tư pháp, "Ở góc độ quản lý Nhà nước, tại nghị quyết 23, về chiến lược phát triển công nghệ Việt Nam năm 2030, chúng tôi đã vạch ra định hướng Việt Nam phải đi tắt và đón đầu trong công nghiệp 4.0, phải xác định trọng tâm của Blockchain. Tuy nhiên, cơ quan nhà nước phải xác định rõ việc sử dụng Blockchain. Nhà nước phải tạo pháp lý để khuyến khích, ủng hộ doanh nghiệp phát triển Blockchain".

 Theo ông Tú, bốn vấn đề cần giải quyết về mặt pháp lý bao gồm: "Thứ nhất, phải khuyến khích việc sử dụng, giao dịch, trao đổi tài sản dựa trên Blockchain. Thứ hai, Nhà nước khuyến khích doanh nghiệp áp dụng Blockchain. Thứ ba, cần tạo ra khung pháp lý an toàn, minh bạch, bảo vệ ba bên. Cuối cùng, các bộ ngành phải rà soát về luật, các quy định hạn chế sự phát triển của Blockchain cần loại bỏ, những điều giúp phát triển thì cần phải thêm".

Kết thúc diễn đàn, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh cho biết trong thời gian tới Bộ này sẽ triển khai các công việc có liên quan nhằm hỗ trợ phát triển ứng dụng công nghệ Blockchain trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội. 

Trước hết là phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan tổ chức nghiên cứu, xây dựng kế hoạch, lộ trình phát triển ứng dụng công nghệ blockchain; nghiên cứu kinh nghiệm các nước, tham mưu cho Đảng, Nhà nước ban hành những chủ trương, chính sách, quy định pháp luật phù hợp để thúc đẩy, kiểm soát công nghệ Blockchain tại Việt Nam. 

Đồng thời, Bộ KH&CN sẽ hỗ trợ phát triển ứng dụng công nghệ Blockchain thông qua các chương trình KH&CN cấp quốc gia, như chương trình Khoa học & Công nghệ về Chính phủ điện tử; chương trình Khoa học & Công nghệ trọng điểm cấp quốc gia về Cách mạng công nghệ lần thứ 4 mà Bộ đang hoàn thiện, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt. 

Bộ cũng sẽ ưu tiên hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp thực hiện dự án có ứng dụng công nghệ blockchain thông qua Đề án "Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025"- ông Chu Ngọc Anh khẳng định.

Samsung ra mắt nền tảng tài chính dùng công nghệ blockchain

TTO - Samsung SDS, một chi nhánh của tập đoàn Samsung, thông báo triển khai nền tảng tài chính kỹ thuật số mới ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) và blockchain.

Tuổi trẻ

      © 2021 FAP
        227,721       692