Kinh tế

Tin giả bắt cóc biến đám đông thành tội nhân ở Ấn Độ

TTO - Cảnh sát Ấn Độ mới đây đã bắt 16 người để điều tra vụ đám đông cùng đánh đập đến chết 2 người đàn ông - nạn nhân mới nhất trong vụ lan truyền tin giả về bắt cóc trẻ em ở đất nước này.

Tin giả bắt cóc biến đám đông thành tội nhân ở Ấn Độ - Ảnh 1.

Chân dung hai anh Nilotpal Das và Abijeet Nath - nạn nhân bị đám đông xử tử vì bị nghi là kẻ bắt cóc - Ảnh: Facebook

Hai nạn nhân mới được xác định là anh Nilotpal Das, chuyên gia về âm thanh và Abijeet Nath, nghệ sĩ nhạc điện tử. Cả hai đều sống ở Guwahati, thành phố lớn nhất của bang Assam thuộc vùng đông bắc Ấn Độ.

Bỗng dưng bị đánh

Trong khi đi cùng nhau ngày 9-6, họ dừng lại để hỏi đường thì bất ngờ họ bị đám đông kéo ra khỏi xe và bắt đầu đánh đập. Cả hai đều tử vong. 

Đoạn clip về vụ đánh người tập thể được chia sẻ vào cuối tuần qua, trong đó, người ta thấy hai nạn nhân van xin được tha mạng.

Ngày chủ nhật 10-6, rất nhiều sinh viên và những nhà hoạt động xã hội đã xuống dường để phản đối kiểu hành xử vô pháp này. 

Những người dân làng cho biết họ tưởng cả hai là "kẻ bắt cóc" và mà họ được cảnh báo trên WhatsApp.

Một người dân ở Bangalore đã mở điện thoại cho phóng viên đài BBC xem đoạn video. Trong đó, hai người đàn ông đi một chiếc xe máy kéo trờ đến một nhóm trẻ em. Một trong số họ chộp lấy một đứa trẻ và chạy đi.

Tuy nhiên, đây không phải là video thật, và thậm chí không được quay ở Ấn Độ. Đó là một đoạn video được quay để nâng cao nhận thức về an toàn cho trẻ em được quay ở Pakistan. 

Phần cuối của đoạn video - nhân vật đóng vai hai người đàn ông cầm những biểu ngữ kêu gọi an toàn cho trẻ đã bị cắt bỏ khỏi đoạn video được chia sẻ trên WhatsApp. Thay vào đó, nó lan truyền thông điệp về những kẻ bắt cóc trẻ em trong thành phố.

Theo BBC, đây không phải là lần đầu tin giả xuất hiện ở Ấn Độ. Từ tháng tư đến nay tin giả về bắt cóc trẻ em đã dẫn đến cái chết tức tưởi của 9 người.

Gọi vụ tai nạn là "đáng tiếc", cảnh sát địa phương cho rằng tin giả đã kích động những người dân địa phương bình thường đơn giản, hiền lành thành tội phạm do họ không có khả năng thẩm định tin tức.

Video clip quay cảnh đám đông đánh dã man Nilotpal Das và Abhijeet Nath ở Ấn Độ - cả đất nước đã phẫn nộ với kiểu hành xử rừng rú của người dân làng bị dẫn dắt bởi tin đồn thất thiệt. 

Truyền thông từng con đường, khu phố

Cảnh sát cho biết họ gặp khó khăn trong việc kêu gọi người dân tỉnh táo trước các tin đồn thất thiệt trên mạng xã hội. Xuất hiện mà không ai kiểm chứng rồi được chia sẻ trên mạng, một số kênh truyền thông địa phương đã đăng lại thông tin này và vô tình, biến tin giả thành tin thật. 

Hoang mang, người dân địa phương đã kêu gọi nhau đánh những người lạ mặt đáng ngời trong vùng.

Theo ông Mukesh Agarwal, cảnh sát ở bang Assam "Khi tin đồn lan truyền trên mạng xã hội, cần một thời để làm cho nó ngường phát tán" và cảnh sát đang cố truy tìm những người tung tin.

Nhà chức trách ở nhiều địa phương ở Ấn Độ đã tiến hành nhiều cách khác nhau để kêu gọi người dân không tin vào những đồn thổi về bắt cóc trẻ em.

Tháng trước, cảnh sát ở thành phố Hyderabad, thuộc miền nam đã kéo loa phát thanh đi khắp các khu dân cư để kêu gọi người dân ngừng tin vào tin đồn.

Bang Tamil Nadu, nơi đã xảy một chuỗi các vụ bạo lực trong những tháng gần đây, chính quyền cũng phải mượn đến phương pháp truyền thông cổ truyền là cho xe chạy khắp nơi để phát tán thông điệp chống lại những tin đồn ảo trên internet.

Ở bang Karnataka ở miền nam, cảnh sát đã thành lập một đội chuyên giám sát những thông điệp và video clip có sức lan tỏa cao mạng xã hội .

Cảnh sát ở bang Telangana cảnh báo đến người dân và đã bắt một số người chia sẻ video clip tin giả để điều tra.

Cho đến nay, Ấn Độ chưa ghi nhận một vụ bắt cóc trẻ em nào có liên quan đến những thông tin được chia sẻ trên mạng.

Những vụ tấn dã man vì tin đồn bắt cóc trẻ em ở Ấn Độ

Tháng 4-2018: Một người đàn ông ở bang miền nam Tamil Nadu bị đánh chết khi đang đi bộ thơ thẩn trên đường.

Tháng 5-2018: Một người phụ nữ 55 tuổi ở Tamil Nadu bị đánh chết khi cho kẹo trẻ em, cảnh sát đã bắt 30 người.

Một người dàn ông ở bang miền nam bị đánh chết vì nói tiếng Hindi và không biết nói tiếng địa phương Telugu.

Một người đàn ông ở bang Telengana bị giết khi đi vào một vườn xoài vào ban đêm.

Một người đàn ông khác ở Telengana bị đánh chết khi đi thăm người thân ở một làng sống ở bang này.

Một người đàn ông mới dọn đến sống ở thành phố Bangalore thuộc miền nam bị trói bằng dây và đánh đến chết bằng gậy đánh bóng cricket.

Một người phụ nữ chuyển giới bị đánh chết ở Hyderabad.

Tháng sáu: Hai người đàn ông bị giết ở bang Assam do dừng xe hỏi đường.

Tháng 5-2017, cũng vì tin đồn bắt cóc được chia sẻ trên Whatsapp, trong cùng một ngày, những người dân tộc chất phác ở bang Jharkhand ở miền đông Ấn Độ đã đánh chết 7 người, làm bị thương 1 người trong hai vụ việc riêng biệt.

Tuổi trẻ

      © 2021 FAP
        234,376       691