Kinh tế

Cả đời đi tìm tri thức

TTO - Không cần được ghi nhận, không cần phô trương hay đem hiểu biết của mình kiếm ra tiền, hằng ngày vẫn có những người dù tuổi đã xế chiều vẫn miệt mài thu nhặt kiến thức mới.

Cả đời đi tìm tri thức - Ảnh 1.

Ông Từ Trung Chánh - Ảnh: TRỌNG NHÂN

Hành trình đi tìm tri thức của họ thật đáng nể phục.

Ông già với tham vọng chinh phục tiếng Anh

"Ông ơi, nay ông học được những gì?". "Hôm nay tôi học về nữ công gia chánh. Tôi phải tra xem nữ công gia chánh tiếng Anh là gì, cuối cùng tìm ra hai cách nói là domestic science hay home economics" - ông Từ Trung Chánh, 77 tuổi, đang cặm cụi ở Thư viện Khoa học tổng hợp TP.HCM, trả lời.

"Tôi suy nghĩ thêm đầu bếp giỏi nấu ăn giỏi nói như thế nào, việc nấu nướng nói ra sao, rồi tôi tra thêm những thành ngữ, cụm từ liên quan đến động từ "cook" (nấu nướng) thì ra cook something up là bịa đặt, cook the books là khai gian" - ông Chánh vừa nói vừa mở quyển tập ghi chép.

Quyển tập dày đặc từ vựng với đầy đủ thông tin như giải nghĩa, từ loại, chú thích, câu ví dụ, chữ rất đẹp, ngay hàng thẳng lối. Chỗ nào sai, ông tỉ mỉ dùng bút xóa tẩy đi từng dấu vết nhỏ. 

Trong quyển tập có 3 màu mực: màu xanh ông dùng để viết động từ quy tắc, màu đỏ cho động từ bất quy tắc. Hễ động từ màu xanh thì danh từ phía sau màu đỏ và ngược lại. Những từ loại khác như tính từ, trạng từ, giới từ, liên từ... ông viết màu đen.

Thành quả sau một ngày học tập của ông Chánh - Video: TRỌNG NHÂN

Ông chia sẻ 50 quyển 200 trang ghi đầy từ vựng tiếng Anh là tài sản quý giá. Mỗi quyển viết về một chủ đề từ vựng mà ông phải học như giáo dục, y tế, quân sự, ngoại giao... Có quyển úa vàng nhuộm màu năm tháng được ông viết cách đây đã gần 20 năm. 

"Mấy mươi năm qua tôi học rồi, nhưng sợ quên nên chép lại. Già rồi nên trí nhớ cứ ở trong tình trạng báo động hoài. Có những từ tôi phải viết đi viết lại 3, 4 lần" - ông Chánh tâm sự.

Ông Chánh giữ thói quen học tiếng Anh từ lúc còn học phổ thông, tính đến nay cũng ngót nghét nửa thế kỷ. 

"Tôi muốn học tiếng Anh để nói đúng tiếng Anh, nói như người Anh nói chuyện với nhau. Đi ngoài đường tôi thường suy nghĩ những tình huống cụ thể nói trong tiếng Anh như thế nào..." - ông Chánh kể. 

"Học làm tôi quên đói, quên buồn, quên những điều bất hạnh trong cuộc đời" - ông chia sẻ.

"Giống như người nghiện, không đi học tôi bứt rứt vì biết bao nhiêu điều muốn biết hiện ra trong trí não của tôi. Việc học kỳ diệu lắm"

Ông Từ Trung Chánh

Chuẩn bị lấy bằng đại học thứ 3 ở tuổi 58

Cả đời đi tìm tri thức - Ảnh 4.

Bà Phạm Thị Mầng - Ảnh: TRỌNG NHÂN

Phòng đọc báo Thư viện Tổng hợp TP.HCM hằng ngày luôn có một phụ nữ tóc đã hai màu một mình ngồi ghi ghi chép chép bên một quyển từ điển Pháp - Việt to tướng. Bà là Phạm Thị Mầng, năm nay 58 tuổi nhưng hiện đang gấp rút ôn thi 4 học phần cuối cùng trong hệ thống môn học cử nhân văn bằng 2 tiếng Pháp.

Thường học chung với lớp chính quy, bà luôn là người lớn tuổi nhất nhưng lại là sinh viên chịu khó nhất lớp. Bà không bỏ một buổi học nào, dù nhiều lần phải lặn lội đón xe buýt gần 20 cây số xuống Thủ Đức, nhưng từ lúc trở lại làm "sinh viên" đến giờ bà chưa rớt môn nào.

Để "cày cuốc" cho kỳ thi, người phụ nữ thân hình nhỏ nhắn này ngày nào cũng đạp xe từ Phú Nhuận lên thư viện ở quận 1 học bài, vì theo bà ở đây yên tĩnh, học dễ "vào" hơn. "Tôi ráng ôn thi để tốt nghiệp, nếu không phải đợi năm sau học lại là chết" - bà nói.

Bà tâm sự trong lớp các sinh viên trẻ tuổi làm bài rất nhanh, sử dụng thành thục các thiết bị di động nên dễ dàng tra cứu. Thấy vậy, bà cũng sắm cho mình điện thoại, máy tính bảng, nhưng cuối cùng gõ máy không quen nên phải quay lại từ điển giấy truyền thống. "Khi nào bí quá hoặc cần tra nhanh tôi mới dùng kim từ điển" - bà Mầng cười.

Hỏi bà Mầng học để làm gì? Bà trả lời đơn giản vì quá mê tiếng Pháp. Thời còn trẻ, bà đi theo chuyên ngành hóa học, rồi làm trong lĩnh vực này tới khi nghỉ hưu năm 2015. Trước đó, bà lên cả một kế hoạch theo đuổi đam mê tiếng Pháp của mình. 

Do cử nhân ngành ngôn ngữ yêu cầu sinh viên biết thêm ngôn ngữ thứ 2, bà "đón đầu" lấy luôn bằng cử nhân hệ tại chức tiếng Anh năm 2010. Sau bao cố gắng, người phụ nữ gần 60 tuổi này hiện sắp sở hữu tấm bằng đại học thứ 3.

"Trong nhà mọi người ai cũng ủng hộ tôi hết. Tôi nghỉ hưu rồi, nên giờ chỉ học thôi" - bà Mầng chia sẻ. 

Sau khi hoàn thành cử nhân tiếng Pháp, bà Mầng dự định học lên thạc sĩ.

"Nếu trường không tiếp tục mở lớp thạc sĩ tiếng Pháp, tôi cũng sẽ tìm thêm các khóa học bên ngoài để luyện tập ngôn ngữ cho nhuần nhuyễn"

Bà Phạm Thị Mầng

Học tập để làm người tử tế

Ai cũng ngưỡng mộ khi hay tin cụ Lê Phước Thiệt, 85 tuổi, nhận bằng thạc sĩ ngành quản trị kinh doanh Trường ĐH Duy Tân. Câu chuyện được lan tỏa, trong tôi dâng lên cảm xúc khó tả, ngẫm về mình, gia đình, thân hữu...

Cụ là tấm gương cho con cháu, trẻ luôn học tập, học chữ - học nghề - kiếm sống rồi tiếp tục học. Cụ còn là động lực cho nhiều người cao tuổi vừa hoàn thành nghĩa vụ, họ không phải than vắn thở dài.

TS NGUYỄN HOÀNG CHƯƠNG

Cảm phục tấm gương cụ Thiệt

Tôi rất cảm phục cụ Lê Phước Thiệt - một tấm gương ham học, bước vào thời kỳ "thượng thọ" nhưng cụ vẫn chinh phục được những đỉnh cao của trí tuệ với tấm bằng cao học quý giá. Việc học của con người không có nấc thang cuối cùng.

Xin lớp trẻ hãy nhìn vào tấm gương này để rèn ý chí, để vượt qua mọi cám dỗ của đời thường, để tiếp thu kiến thức, làm giàu có thêm kiến thức cho mình để làm việc hiệu quả. Xin lớp trẻ đang ngày ngày vùi đầu trong bia rượu, trong những trò chơi vô bổ hãy nhìn vào đây để thức tỉnh, tự mình đứng lên bằng đôi chân của mình và đi tới...

LÊ THỊ XUÂN HƯƠNG (Sóc Trăng)

Cụ Lê Phước Thiệt hoàn thành giấc mơ thạc sĩ ở tuổi 85 Cụ Lê Phước Thiệt hoàn thành giấc mơ thạc sĩ ở tuổi 85

TTO - Cụ Lê Phước Thiệt (ở huyện Đại Lộc, Quảng Nam) có lẽ là người cao tuổi nhất Việt Nam tốt nghiệp thạc sĩ. Ông vừa lấy bằng thạc sĩ khóa 12 ngành quản trị kinh doanh Trường ĐH Duy Tân ngày 10-6 khi đã 85 tuổi.

Tuổi trẻ

      © 2021 FAP
        227,725       825