TTO - Đại sứ Anh tại Việt Nam, ông Giles Lever, có nhiều năm gắn bó với đất nước hình chữ S. Nhân dịp sắp hết nhiệm kỳ tại Việt Nam, đại sứ dành cho Tuổi Trẻ một cuộc phỏng vấn.
Đại sứ Giles Lever - Ảnh: PHẠM VINH
* Năm 1993, ông bắt đầu sự nghiệp ngoại giao của mình ở vị trí bí thư thứ hai ở Việt Nam. Tại sao ông lại chọn Việt Nam, có mối lương duyên nào đó trong sự nghiệp ngoại giao của ông?
- Lúc đầu tôi được đề nghị các vị trí ngoại giao ở những nước phát triển như Đức hay New Zealand, nhưng dường như các nhà quản lý chưa thấy sự hứng thú từ phía tôi. Họ đã hỏi tôi "vậy anh muốn đi tới đâu?".
Tôi đã nói tôi muốn làm việc ở những nước đang phát triển hoặc những nơi mà điều kiện sống khác biệt với Anh. Không hẳn về điều kiện kinh tế, cơ sở hạ tầng, nhưng phải là nơi tôi muốn có sự mạo hiểm và thách thức.
Cuối cùng họ đã cho tôi danh sách 3 nước. Một nước ở châu Phi, một nước ở châu Mỹ và Việt Nam. Lúc đó cũng là thời điểm Đại sứ quán Anh ở Việt Nam cần một bí thư thứ hai phụ trách chính trị. Đó là một trải nghiệm tuyệt vời khi tôi được làm việc trong một đất nước rất giàu văn hóa.
Tôi nghĩ chúng ta không sinh ra với bản tính tham nhũng. Ở Anh rất ít xảy ra tham nhũng với công chức, nhưng điều đó không có nghĩa công chức Anh sinh ra đã trung thực hơn công chức Việt Nam. Chỉ có điều chúng tôi có trách nhiệm với văn hóa thưởng - phạt... Tham nhũng có thể xảy ra ở bất kỳ đâu nếu thiếu sự minh bạch. Nếu không có sự công khai minh bạch về chi tiêu, ngân sách và không có sự giám sát của báo chí thì ai cũng có thể tham nhũng
Đại sứ Giles Lever
* Vậy lý do nào khiến ông quay trở lại Việt Nam vào năm 2014 với vai trò đại sứ đặc mệnh toàn quyền?
- Khi bạn làm một nhà ngoại giao thì đất nước đầu tiên bạn bắt đầu sự nghiệp luôn có vị trí rất đặc biệt. Bạn sẽ có những ấn tượng và những mối liên hệ đặc biệt với đất nước đó. Năm 1997 khi tôi rời Việt Nam tôi cảm thấy mình trưởng thành rất nhiều, và tôi luôn tìm cơ hội để có thể quay trở lại Việt Nam.
Thực tế, tôi có thế mạnh là biết tiếng Việt. Khi vị trí đại sứ được đăng tải tuyển dụng vào năm 2012, tôi lập tức nghĩ rằng mình phù hợp với công việc và vị trí đó. Và tôi đã được chọn.
* Ấn tượng về sự thay đổi của Việt Nam trong hai giai đoạn làm việc của ông ở Việt Nam như thế nào? Ví dụ như ấn tượng lần đầu tiên ra khỏi sân bay hay những điều thay đổi ở con người.
- Thực tế lần đầu tiên tôi bước ra sân bay Nội Bài là từ chiếc máy bay chở những người hồi hương từ Hong Kong. Lúc đó sân bay chưa được hiện đại như bây giờ. Tuy nhiên có một thay đổi tôi nhìn thấy rõ nhất chính là người Việt Nam tích cực giao lưu với thế giới thông qua sự tiếp cận Internet.
Internet chưa xuất hiện khi tôi lần đầu tiên tới Việt Nam và Internet vào Việt Nam ngay sau khi tôi rời khỏi Việt Nam (sau nhiệm kỳ đầu tiên - NV). Với thế giới phương Tây thì Internet lúc đó không phải là điều gì quá mới mẻ.
Là một đất nước đang phát triển, Việt Nam thể hiện ham muốn phát triển và thích nghi để hội nhập với thế giới. Thậm chí (hội nhập) với nền tảng số Internet và mạng xã hội. Tôi nhận thấy người dân ở Việt Nam bây giờ đã thích nghi với thế giới, kết nối với thế giới nhiều hơn và đã có suy nghĩ toàn cầu.
Một ví dụ nữa cho thấy sự thay đổi từ trải nghiệm của cá nhân tôi. Tôi thường tới thăm cô giáo dạy tiếng Việt ở Hà Nội. Cô dạy ở một trường đại học.
Trước đây (vào khoảng năm 1994-1995) cô ở với chồng và con gái trong một nhà tập thể 2 phòng ngủ, mọi đồ đạc đều rất giản đơn. Đó là một căn hộ nhỏ trong một tòa chung cư rất cũ. Với người phương Tây thì đây là một căn nhà với các đồ đạc tối giản.
Còn bây giờ, cô giáo và gia đình sống trong một căn hộ chung cư rất đẹp ở TP.HCM, căn hộ này trông không khác gì một căn hộ bạn có thể bắt gặp ở London. Điều đó chỉ để chứng minh rằng điều kiện sống của người Việt đã thay đổi rất nhiều.
* Một ngày không làm việc của ông ở Việt Nam như thế nào?
- Ngày chủ nhật của tôi là dậy rất sớm, lái xe cùng bạn tới Sóc Sơn, sau đó chạy việt dã khoảng 20 - 30km len lỏi giữa các quả đồi. Uống cà phê trong quán, nghỉ ngơi vào buổi chiều. Và buổi tối thì ra ngoài ăn tối với gia đình đâu đó gần hồ Hoàn Kiếm.
Văn hóa giải khát
Người Việt Nam uống bia rất nhiều, không hiếm trường hợp uống bia từ sáng sớm như uống trà. Tôi nghĩ một trong những văn hóa đặc trưng của người Việt Nam là "văn hóa giải khát"…
Người Việt thích túm tụm ở một quán cà phê, tụ tập uống bia hay uống trà chanh. Giống như bạn chỉ cần một chiếc ghế ngồi trên vỉa hè, ăn một chút gì đó, uống và nói chuyện với bạn bè.
Điều này, theo tôi, hầu hết những người phương Tây đều thấy rất thú vị. Họ cảm thấy đó là phần rất thư giãn trong một thành phố bận rộn. Bạn chỉ cần ngồi vỉa hè, trên một chiếc ghế với một cốc bia hơi.