TTO - Người lớn chúng ta đang làm méo mó những điểm 9, điểm 10. Chúng ta tác động khiến trẻ phát triển lệch lạc, thành những cái "máy học", không có tuổi thơ.
Chị hàng xóm sau khi đi họp phụ huynh cho đứa con vừa học xong lớp 5 kể lớp có hơn 40 bạn là học sinh giỏi, chỉ vài em là học sinh tiên tiến. Con "bị" học sinh tiên tiến nên người mẹ ấy cảm thấy xấu hổ, buồn.
Hôm ấy chị chán không ăn cơm vì lo lắng sắp tới không biết con có "lọt" được hay không khi chuẩn bị vào lớp 6.
Chị bảo ngay từ đầu năm học, vợ chồng chị đã đầu tư cho con đi học cờ vua, nhạc, họa để có thêm "giấy khen" cốt làm đẹp hồ sơ.
Nghe tôi có vẻ không ủng hộ, chị phân trần: "Thời nay mà chỉ đạt học sinh tiên tiến khác nào mất cả vốn lẫn lời? Giờ học sinh giỏi đầy ra, con mình vậy là kém. Với tình hình này thì khó địch với đối thủ để vào trường chuyên lắm".
Vì cha mẹ quá ưa trường chuyên lớp chọn, nhiều trẻ đang phải học như "một nhà bác học". Đúng là với lượng kiến thức sâu rộng như hiện nay, nếu trẻ không ham học như mọt sách, hoặc không đi học thêm sẽ rất khó để "đấu" vào trường chuyên.
Bởi thế ngay từ bé, không ít trẻ em đang phải học hùng hục, phải chịu quá nhiều áp lực, phải giỏi toàn diện, xuất sắc nhiều mặt. Thực tế, nhiều trẻ không biết buổi tối là gì bởi thời gian đó chỉ có học thêm. Nhiều trẻ bị cha mẹ "riềng" đến mức ăn không đủ bữa, ngủ không đủ giấc.
Bởi thế, tôi nghĩ những bảng điểm, tấm giấy khen mà phụ huynh "lăngxê" hồn nhiên trên mạng xã hội chẳng có ý nghĩa gì ngoài việc đang gây thêm những áp lực lớn hơn lên đứa trẻ.
Dường như ai cũng hiểu chúng ta đang làm méo mó những điểm 9, điểm 10. Chúng ta đang tác động khiến trẻ phát triển lệch lạc, thành những cái "máy học", không có tuổi thơ. Trẻ cứ học quần quật 12 năm trời, lao vào các giảng đường và nếu như thiếu kỹ năng, thiếu kiến thức, rất có thể lại thất nghiệp.
Có phải thời nay thêm nhiều em phải đeo kính cận, bị béo phì, ít nói hơn, ít cười hơn? Hãy giúp trẻ được phát triển, được yêu thương và cái đích là trở thành người hạnh phúc, lương thiện và được là chính mình. Cha mẹ có cần thiết phải cuống cuồng lên, vật vã khi con không đạt thành tích cao?
Ngày quốc tế thiếu nhi - ở trường nào đó, ở khu phố nào đó sẽ lại rình rang những tiết mục văn nghệ, những món quà, lời ca tụng dành cho trẻ em. Nhưng chúng ta đã thực sự tôn trọng các em hay đó chỉ là những lời sáo rỗng?