TTO - Vừa kết thúc kiểm tra cuối học kỳ II, học sinh khối 9 trên địa bàn TP.HCM tăng tốc ôn luyện, giải thử đề thi lớp 10, chạy nước rút cho kỳ thi tuyển sinh diễn ra vào đầu tháng 6.
Học sinh Trường THCS Nguyễn Văn Tố, Q.10, TP.HCM tăng tốc ôn thi vào lớp 10 - Ảnh: PHƯƠNG NGUYỄN
"Các em nên ngủ đủ giấc, tránh cố nhồi nhét kiến thức. Sự học là mưa dầm thấm lâu, giờ nhồi nhét chỉ khiến các em căng thẳng, giảm trí nhớ. Hai tuần này, phụ huynh nào mà còn ép con học nhiều nữa thì chẳng khác nào đẩy con vào chỗ khó"
Ông Nguyễn Thành Phát - hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Văn Tố
"Ngoài học trên trường và học thêm bên ngoài thì ở nhà em ôn các môn theo ngày, mỗi ngày một môn khác nhau. Bản thân em cũng hơi áp lực khi chọn nguyện vọng cao, đòi hỏi cạnh tranh nhiều như vậy" - Ngô Hoàng Anh, học sinh lớp 9, đã đăng ký nguyện vọng 1 vào Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai, nói.
Sáng ôn kiến thức, chiều giải đề
Theo ghi nhận, hầu hết các trường THCS trên địa bàn thành phố đều đã bắt đầu đợt luyện thi vào lớp 10 cho các em học sinh khối 9.
Nhiều trường còn tổ chức cho học sinh thi thử để làm quen với không khí phòng thi, nội dung đề thi. Một số trường căn cứ kết quả học tập để sắp xếp lớp ôn thi theo trình độ học sinh: giỏi, khá, trung bình...
Ông Thái Minh Phú, hiệu trưởng Trường THCS Lữ Gia (Q.11), cho biết: "Nhà trường cho các em ôn luyện theo các tài liệu phòng giáo dục giới thiệu tham khảo. Từ ngày 14-5, chúng tôi tổ chức ôn luyện cho các em sáng học bốn tiết, chiều ba tiết, từ thứ hai đến thứ năm. Buổi sáng các em ôn kiến thức, buổi chiều giải đề".
"Trường tôi có 29/147 em không dự thi tuyển sinh lớp 10 mà có nguyện vọng theo học nghề. Đầu năm tách lớp, nhà trường đã sắp xếp các em theo trình độ nên giờ các em được tập trung ôn luyện theo lớp luôn" - ông Phú nói thêm.
Tương tự, Trường THCS Dương Bá Trạc (Q.8) cũng tổ chức ôn tập hai buổi/ngày từ thứ hai đến thứ sáu và thêm ba tiết sáng thứ bảy cho học sinh lớp 9.
"Trường chúng tôi chưa cho học sinh thi thử mà chủ yếu ôn tập và giải đề. Theo tôi, các em đã quen với không khí thi cử rồi nên không nhất thiết phải tổ chức thi thử" - ông Nguyễn Minh Tiến, hiệu trưởng nhà trường, nói.
Áp lực quá cũng phản tác dụng
"Chuẩn bị cho kỳ thi tuyển sinh lớp 10 là cả một quá trình. Chúng tôi phải tạo nền tảng cho các em, các bài kiểm tra trong năm học luôn kết hợp các dạng bài có thể xuất hiện ở kỳ thi tuyển sinh" - cô Nguyễn Trần Chân Ái, giáo viên tiếng Anh tại một trường THCS có tiếng tại TP.HCM, cho biết.
Cô Ái cũng chia sẻ thêm áp lực của các em học sinh phần lớn đến từ gia đình, cha mẹ bắt các em đi học thêm rất nhiều, sáng - trưa - chiều - tối đủ cả.
"Trong giai đoạn gần thi này, phụ huynh không nên tạo áp lực quá cho các em. Cha mẹ nên khuyến khích con cố gắng vừa sức mình. Nếu áp lực quá nhiều khi sẽ gây phản tác dụng.
Một số học trò cũ của tôi vì áp lực quá mà vào thi không làm bài nổi, nhìn đề không hiểu gì hết, đến lúc bước ra thì bật khóc, nói với tôi rằng: Ra khỏi phòng rồi nhìn lại đề thấy câu nào cũng có thể làm được" - cô Ái nói.
Đồng quan điểm với cô Ái, ông Nguyễn Thành Phát, hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Văn Tố (Q.10), nói: "Định hướng ôn tập hai tuần cuối của nhà trường là ôn tập lại cho các em và nâng cao chút đỉnh. Quan trọng nhất là tạo cho các em nhịp độ, không khí thoải mái, vui vẻ. Các em chỉ ôn tập vào các buổi sáng, buổi chiều có thể tham gia các hoạt động giải trí, thể dục thể thao tại trường".
Mai Trúc Thảo, một học sinh có nguyện vọng 1 là Trường THPT Bùi Thị Xuân, đồng thời dự thi vào chuyên hóa các trường chuyên, chia sẻ về phương pháp ôn luyện của mình: "Môn toán thì em chú trọng giải bài tập, ôn lại kiến thức trọng tâm, tập giải nhiều câu thực tế và hình học.
Em nghe nói năm nay đề thi ra dạng câu thực tế rất nhiều, và thế mạnh của em là thực tế nên em đẩy mạnh ôn luyện dạng này. Về môn văn, em ôn các dẫn chứng, những kiến thức trong sách giáo khoa vì em quan niệm văn là vốn sống cùng cảm xúc của mình, ôn dồn dập trong những ngày cuối không có tác dụng gì.
Nhưng môn toán thì không ôn kỹ không được. Còn môn tiếng Anh, em tập trung giải đề cũng như trau dồi thêm từ vựng".
Thảo cũng tâm sự: "Em luôn cố gắng dành thời gian để thư giãn bản thân, mình phải có thời gian suy nghĩ, thả lỏng, trò chuyện cùng bạn bè chứ không thể để bản thân stress, mất sức dẫn đến chẳng nhớ gì".