Kinh tế

Những nguyên tắc vàng rèn kỹ năng tập trung cho con

TTO - Gần thi học kỳ, nhiều phụ huynh than: con tôi không biết tập trung, tới giờ học cứ chạy tới chạy lui khi thì con khát nước, lúc con tìm cây bút...

Những nguyên tắc vàng rèn kỹ năng tập trung cho con - Ảnh 1.

Rèn kỹ năng tập trung sẽ rất có ích cho trẻ - Ảnh: NHƯ HÙNG

Gặp đứa con không tập trung, cha mẹ nên làm gì? 

Trước hết, cha mẹ không nên "rao giảng" cho con rằng đã tới lúc thi, con nên chăm học thế này thế kia, thay vào đó hãy lấy những dẫn chứng cụ thể minh họa cho trẻ thấy rằng việc tập trung có ý nghĩa thế nào. Chẳng hạn như khi trẻ tập trung, trẻ sẽ làm bài nhanh hơn, học thuộc bài sớm hơn và lâu hơn...

Cha mẹ có thể cho trẻ so sánh tình huống trẻ tập trung học tập với tình huống trẻ vừa học vừa xem ti vi. Với cách trực quan sinh động như thế, trẻ sẽ nhanh chóng nhận thấy lợi ích của việc tập trung. 

Thỉnh thoảng cha mẹ hãy có những phần thưởng nho nhỏ để động viên kịp thời khi thấy trẻ đạt được kết quả cao nhờ khả năng tập trung cao độ. Trẻ sẽ vì sự quan tâm của cha mẹ và thấy được hiệu quả công việc mà phát huy hơn nữa khả năng tập trung tư tưởng trong học tập.

Hãy đặt ra mục tiêu rõ ràng, chi tiết. Trẻ con cũng như người lớn, sẽ không thể nào chuyên tâm khi đối mặt với cả núi công việc. Vì thế, cha mẹ tranh thủ thời gian định hướng cho trẻ xác định mục tiêu rõ ràng. 

Nếu bài tập nhiều, trẻ có thể chia ra để làm trong các khoảng thời gian nhất định. Xen kẽ vào đó cho trẻ được nghỉ ngơi, thư giãn để tránh mệt mỏi, căng thẳng. Khoa học tâm lý đã chứng minh rằng, làm việc kết hợp với nghỉ ngơi hợp lý sẽ tập trung và đạt quả cao hơn so với làm việc liên tục.

Hãy tin tưởng và giao nhiệm vụ trực tiếp cho trẻ. Có không ít bậc cha mẹ lo ngại con mình không tập trung khi thực hiện nhiệm vụ nên đã kè kè bên mình để quản lý, giám sát, nhắc nhở từng giai đoạn. Điều này hoặc là sẽ khiến trẻ ức chế, chỉ tập trung để đối phó với cha mẹ, hoặc là lâu dần trẻ sẽ nảy sinh tâm lý ỷ lại, dựa dẫm và nghĩ rằng nếu không hoàn thành công việc cha mẹ sẽ làm thay mình. 

Do đó, để con chủ động tập trung thực hiện nhiệm vụ học tập, cha mẹ hãy tin tưởng để trẻ tự giác. Sau thời gian quy định, cha mẹ hãy kiểm tra, đánh giá và cùng trẻ rút kinh nghiệm. Trẻ sẽ tự tin hơn khi nhận thấy mình có khả năng tập trung để giải quyết việc học tập mà không cần phụ thuộc quá nhiều vào người khác.

Cha mẹ cũng cần chú ý đến đặc điểm tâm sinh lý lứa tuổi của từng đứa trẻ để đặt ra những yêu cầu với con cho phù hợp. Bởi sự tập trung chú ý của trẻ vào các hoạt động nói chung, vào việc học tập nói riêng phụ thuộc rất lớn vào trạng thái tinh thần của các cháu. Lúc phấn khởi, vui vẻ, trẻ có thể hoàn thành tốt hơn so với khi đang lo lắng, chán nản hay bất mãn về điều nào đó. 

Cha mẹ hãy luôn đồng hành để lắng nghe những nỗi lòng cũng như tâm tư nguyện vọng của con. Mỗi đứa trẻ có một xu hướng phát triển khác nhau, nên cố gắng đừng bắt ép đứa trẻ này phải giống một hình mẫu nhất định nào đó. 

Ngoài ra, trẻ có thể có năng lực tập trung với lĩnh vực này tốt hơn một lĩnh vực khác tùy thuộc vào năng khiếu, sở thích, hứng thú… Chẳng hạn trẻ có năng khiếu học toán sẽ tập trung làm các bài tập môn này tốt hơn so với một môn học nào đó mà trẻ không có năng khiếu. Trẻ hứng thú với chơi cờ vua sẽ tập trung hơn khi trẻ bị ép học đàn…

Do đó, cha mẹ biết lắng nghe con bằng cả tấm lòng bao dung để trẻ được trưởng thành như những gì chúng mơ ước.

Tuổi trẻ

      © 2021 FAP
        234,453       540