TTO - Ngày 18-3, dòng người tới viếng cố Thủ tướng Phan Văn Khải tại nhà riêng ở xã Tân Thông Hội, huyện Củ Chi, TP.HCM ngày càng dài. Những câu chuyện về người đã khuất lặp đi lặp lại những câu từ: giản dị, thân thương, gần gũi...
Bà Nguyễn Thị Nguyệt, 80 tuổi, đi xe buýt từ quận 1 lên Củ Chi từ sáng sớm, mang theo cuốn album có nhiều hình ảnh cũ về ông Phan Văn Khải - Ảnh: MAI HOA
Ngay từ sáng sớm, đoàn người xếp thành hàng dài chờ viếng cố Thủ tướng.
Những người có mặt đầu tiên ngoài họ hàng, là các gia đình nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, nguyên Thường trực Ban bí thư Lê Hồng Anh, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng...
Trong đoàn người xếp hàng dài tới viếng, có nhiều người từng làm việc, gặp gỡ ông Sáu Khải thời gian dài. Trong lòng họ, mãi mãi còn hình ảnh một người em, người chú, người anh, người bác giản dị thân thương..
Trong ký ức của bà Ba Lèo, người chị họ gần nhà, chú Sáu là "ông già Củ Chi thứ thiệt", áo thun nón lá đi quanh làng xóm, thăm người này, hỏi người kia.
Với ông Trần Hồng, phụ trách thư viện quận 6, thì chú Sáu Khải là người gần gũi và tâm huyết với việc giữ gìn và đọc sách.
Ông Võ Văn Thưởng - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư TW Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo TW đến viếng cố Thủ tướng Phan Văn Khải sáng 18-3 - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Ông Lê Hồng Anh - nguyên Thường trực Ban bí thư tới viếng và ghi sổ tang - Ảnh: MAI HOA
Từ năm 2012, thư viện quận 6 cùng thư viện Củ Chi được ông Sáu Khải nhờ xây dựng một thư viện ngay trong khuôn viên gia đình.
Ông Hồng cho biết thư viện có khoảng 4.200 - 4.300 đầu sách, được sắp xếp theo các thư mục khoa học để dễ tìm kiếm. Trong đó có khoảng 500 sách quý hiếm, có những cuốn không thể tìm mua ở đâu được nữa.
Có nhiều cuốn do các nguyên thủ quốc gia tặng khi ông Sáu Khải đi thăm các nước cũng được lưu giữ tại đây.
"Ngày đầu tới giúp chú xây dựng thư viện, chúng tôi cũng e dè, nhưng cách chú nói chuyện rất gần gũi. Chú khen thư viện cấp huyện mà ứng dụng công nghệ tốt", ông Hồng kể.
Từ huyện Phúc Thọ (Hà Nội), có đoàn cán bộ và người dân tới viếng tang ông Phan Văn Khải.
Ông Nguyễn Việt Liên - phó chủ tịch UBND huyện Phúc Thọ - kể: "Mẹ tôi giờ 85 tuổi, vẫn nhắc "anh Khải".
"Những năm 1954-1959, bác Khải về Phúc Thọ công tác, làm trưởng ban cải cách. Bác làm có lý có tình, người phải trả lại ruộng cũng tự nguyện vui vẻ. Những năm sau này, khi đã là nguyên thủ quốc gia, bác vẫn về thăm và coi Phúc Thọ như quê hương thứ hai của mình. Người làng tôi bây giờ vẫn còn nhắc mãi về bác", ông Liên kể.
Ở xã Võng Xuyên, huyện Phúc Thọ, ông Sáu Khải có một người mẹ nuôi là cụ Xu. Cụ đã mất, gia đình cụ hay tin ông Khải mất cũng gửi vòng hoa viếng.
Dòng người vào viếng cố Thủ tướng Phan Văn Khải sáng 18-3 - ẢNH: QUANG ĐỊNH
Đoàn báo Tuổi Trẻ viếng cố Thủ tướng Phan Văn Khải sáng 18-3 - Ảnh: NGUYỄN CÔNG THÀNH
Đi xe buýt từ quận 1 tới Củ Chi từ 9h sáng, bà Nguyễn Thị Nguyệt (80 tuổi) lần giở cuốn album cũ mang theo, trong đó có những tấm hình bà chụp chung với ông Sáu Khải cách đây mấy chục năm.
Bà từng có thời gian học chung với ông Phan Văn Khải ở Trường bổ túc Công nông trước khi cùng sang Liên Xô học.
"Ảnh rất giỏi. Là dân kinh tế nên những kiến thức văn học, xã hội của ảnh ban đầu chưa nhiều, nhưng ở trường bổ túc, anh nổi tiếng giỏi, một năm học hai ba lớp", bà Nguyệt nhớ lại.
Trong hồi ức của bà, ông Sáu Khải là người anh hiền lành, làm việc gì cũng thận trọng, lại rất gần gũi. Khi họp mặt học sinh miền Nam năm 1999, bà thân thiết đứng bên đặt tay lên vai ông đang ngồi, cậu chụp hình không chịu nhưng ông cười hiền, cho phép.