TTO - Đã vào cuối chiều. Gió luồn hun hút về cuối thung lũng. Chị khua gàu múc nước vo gạo. Những bông mận trắng rớt đầy vào lòng giếng, nước sóng sánh làm tung lên một tấm áo hoa.
Minh họa: ĐẶNG HỒNG QUÂN
Bỗng chị đứng sững lại, nhìn xuống cuối dốc. Tôi dõi mắt nhìn theo. Một người đàn bà nhai trầu, bế thằng nhỏ, bên cạnh là Thìn - người chồng bặt tăm lâu nay của chị, người gầy tom như con bò già thiếu cỏ.
"Cậu chuẩn bị đi sao?" - người đàn bà kia hỏi. Tôi ừ hử gật đầu. Chị tần ngần nhìn ba con người rất giống một gia đình ấy, quay sang tôi: "Cậu lấy trà ngon trong túi vải, pha một ấm mời người ta"...
Người đàn bà thả đứa bé, ngồi phệt xuống bậc thềm. Còn Thìn lơ ngơ đứng dưới gốc mận, không biết nghĩ gì, chẳng cười mà cũng chẳng khóc. "May có cậu ở nhà, có cả chị, cho em thưa chuyện" - chị ta bắt đầu, giọng khê như rượu say. Chị ta tên Nghệ, người miền trong, ngực như hai cái túi cạn nước.
"Chị ơi, chị giết em cũng được, nhưng chị hãy nhận lại anh ấy và thằng bé này. Em không thể tiếp tục được, em phải về Tương Dương, hai đứa con em cũng không ai nuôi nấng.
Đời em coi như bỏ, nhưng đám trẻ như cỏ dại, chưa nên dáng nên hình", Nghệ bắt đầu khóc, nước mắt nước mũi nhễu ra, kéo cốt trầu dài buông xuôi khóe miệng.
Chị vẫn không nói năng, mắt nhìn ra cây mận, nhìn người đàn ông không còn ra hình dạng, lại nhìn thằng bé đang nhặt những quả non rụng đầy lối đi.
"Cô còn tiền về trong ấy không?" - giây lâu chị hỏi. "Em còn được năm trăm". Chị lặng lẽ vào nhà, lật gian hòm bé, lấy ra một cọc tiền rồi bảo Nghệ: "Là tôi cho hai đứa bé ở nhà. Cô về đi cho sớm!"...
Nghệ cầm cọc tiền, mặt nhăn nhúm như vừa qua bão, tần ngần một hồi rồi chạy xuôi dốc. Thằng bé vẫn hồn nhiên không biết, nó sẽ không còn được mẹ bế bồng. Chị gọi chồng: "Anh dẫn con vào nhà, để tôi đun nước lá bưởi tắm cho con"...
Chị lại xấp ngửa ra giếng, chuẩn bị bữa cơm. Tôi giật lấy mớ rau trên tay chị. Những ngọn rau dớn tháng giêng ngóc mình lên như những dấu hỏi.
Chị lặng lẽ đứng dậy, đi lấy cái nồi đồng, hái lá bưởi, đổ đầy một gàu nước trong leo lẻo. Tôi gắt lên giận dữ: "Rồi bà sẽ sống như thế nào? Rồi nuôi nó lớn, tu hú nó dẫn bầy đi, bà chết già ở cái thung lũng này. Không tiếc thân thì cũng tiếc công mẹ đẻ ra mình một tí".
Chị giật lại mớ rau, cảm giác cả một cơn nóng giận bừng bừng chạy tới. "Cậu xếp đồ xong chưa, ăn xong chị đưa cậu ra xe" - giọng chị cay mùi nước mắt.
Lòng tôi nhũn xuống như bánh giò bị hẩm. Tuổi thanh xuân, đôi chân tập tễnh của chị như cặp dấu chấm phẩy đã không từ con đường nào, vượt ra khỏi thung lũng kiếm tiền để tôi được hơn người ta. Rồi tôi đâu có bao ngày gần chị.
Mỗi năm tôi về lại, ngủ trong căn nhà cũ, nghe những đêm hoa mận rớt giữa cơn mưa tháng giêng, ăn vài món chị hay nấu khi xưa, rồi chị lại chở tôi ra bến xe, đi tiếp.
Ngày chị cưới Thìn tôi đã không về, vì tôi giận chị không chọn đúng người. Ngoài bốn mươi, xứ này ai cũng đã thành bà ngoại, chỉ mình chị vẫn thanh tân chưa một cuộc tình.
Thìn sống với chị hai năm, bán mất của chị một đàn bò lấy vốn đi đãi vàng mãi Tương Dương. Rồi Thìn về làng, với Nghệ và cái bầu 5 tháng. Chị vẫn cho vợ chồng Thìn một chỉ vàng làm vốn, thôi thì làm phước cho một đứa trẻ sắp chào đời.
Nhưng đứa trẻ chưa có phước hưởng tiền của chị thì bố nó đã bán đi đánh bạc hết rồi. Ba năm, đứa trẻ càng lớn, món nợ của Thìn càng to. Thìn nợ nần tới mức bị đánh không còn hình dạng, như một cái cây quên xanh...
Chị đun nước xong, pha ra bồn gỗ lớn, rồi gọi hai bố con Thìn vào tắm. Thìn bế đứa bé chui vào bồn nước ấm. Đứa bé quẫy tung bọt nước lên mặt chị. Chị lặng lẽ tắm cho hai đứa trẻ ấy, một đã già nhưng quên mình biết nói và một quá bé để biết gọi tên ai...
Bữa tối qua đi chóng vánh, đôi tay run run của Thìn liên tục làm đổ cơm ra bàn. Chị đi dọn giường cho hai cha con Thìn ngủ. Thìn nằm ôm thằng nhỏ, lưng cong như hạt điều oi khói. Chị cười nhẹ bảo bao năm rồi Thìn vẫn nằm một dáng ấy, số người không thẳng thớm, cả đời không thể gặp may...
Tôi xách vali xuôi con dốc. Đã qua rằm tháng giêng, trăng treo chếch xuyên qua những tàng hoa mận, xuyên nghiêng vào mặt chị, lộ những nếp nhăn như những luống chè khắc khổ đang ngủ trên sườn đồi.
Chị quay qua nhìn tôi, cười: "Nhiều năm nữa cậu về, cậu vẫn thấy những cây mận già ở đây, và chị thì chẳng còn đi đâu được nữa". Tôi bảo: "Là chị ngốc hay chị gánh nghiệp? Bao năm rồi vẫn chẳng biết thương thân".
Chị ngồi sau yên xe, choàng ôm qua eo tôi, nói chạy chậm thôi, lâu lắm rồi chị mới được ngồi sau xe em mà không phải canh cánh lo về điều gì đó.
Hai chị em chạy xe qua những hàng mận già, vươn dần ra đầu thị trấn. Bóng đèn xe hắt lên một quầng sáng, nhìn như bóng ông già cong lưng chao nghiêng qua những thân cây...
Tôi đứng giữa ngã ba chờ xe khách tới. Chị quay đầu xe lại, nói với tôi mà như nói với mình: "Đừng giận, chị cả đời đã thế này, vươn ra giữa một bầy người quá tinh khôn cũng chẳng biết sống sao với người ta. Đời mình cũng như vườn cây thôi, gieo trước rồi mới có gặt sau, phúc họa đều ngày mai mới tới".
Tôi im lặng quàng chiếc khăn lên cổ chị. Chị rồ máy quay về. Bóng chị chao đi, bập bùng theo dáng xe chạy qua những triền dốc, giữa một miền hoa mận, trắng rực trong đêm...