Kinh tế

Thay đổi quy trình thụ tinh ống nghiệm trên thế giới

TTO - Đó là nhận định của GS Nguyễn Văn Tuấn về nghiên cứu liên quan thụ tinh trong ống nghiệm của bác sĩ Vương Thị Ngọc Lan - Hồ Mạnh Tường cùng các cộng sự.

Thay đổi quy trình thụ tinh ống nghiệm trên thế giới - Ảnh 1.

Bác sĩ Hồ Mạnh Tường - Ảnh: Thùy Dương

Trước đây, người ta nghĩ trữ phôi đông lạnh không có hiệu quả bằng thực hiện ngay, nhưng nghiên cứu này chứng minh hai cách làm cùng có hiệu quả như nhau nên nghiên cứu này sẽ làm thay đổi cả quy trình thụ tinh ống nghiệm trên thế giới

Giáo sư NGUYỄN VĂN TUẤN

Đó là nhận định của GS Nguyễn Văn Tuấn, Viện Nghiên cứu y khoa Garvan, giảng viên Đại học New South Wales (Úc), về nghiên cứu liên quan thụ tinh trong ống nghiệm của bác sĩ Vương Thị Ngọc Lan - Hồ Mạnh Tường cùng các cộng sự thực hiện vừa được công bố trên tạp chí y khoa The New England Journal of Medicine (NEJM).

Phóng viên Tuổi Trẻ đã có cuộc trao đổi với BS Hồ Mạnh Tường xung quanh nghiên cứu này.

* Xuất phát từ đâu mà anh và bà xã (TS Vương Thị Ngọc Lan) quyết định chọn nghiên cứu về chuyển phôi khi thụ tinh ống nghiệm (TTON)?

- Muốn làm TTON phải làm ra phôi, sau đó cấy phôi vào tử cung người mẹ. Từ trước đến nay, sau khi cấy phôi xong sẽ dư lại một số phôi, nếu bỏ đi thì uổng quá, nên người ta đã phát triển những kỹ thuật đông lạnh phôi giữ phôi lại để về sau có thể sử dụng được. Hàng chục năm nay người ta đã làm như vậy.

Trong mười năm trở lại đây, kỹ thuật đông lạnh phôi phát triển rất mạnh làm cho khả năng sống của phôi rất tốt với tỉ lệ 99-100%. Có một số trường hợp không thể chuyển phôi tươi liền được do nhiều lý do thì người ta đông lạnh phôi luôn.

Trong những năm gần đây, trên thế giới có hai trường phái: một là chuyển phôi tươi liền và hai là đông lạnh phôi rồi sau đó mới cấy phôi. Ở Việt Nam, xu hướng cũng chưa rõ và chưa có chuyên gia nào trên thế giới trả lời được chọn phương pháp nào sẽ có hiệu quả hơn.

Xuất phát từ thực tế này, nhóm nghiên cứu đã trao đổi về ý tưởng thực hiện với giáo sư Ben Mol và giáo sư Robert Norman, Đại học Adelaide (Úc). 

Hai giáo sư nhận định đây là một công trình hay và định hướng cho nhóm nghiên cứu cần phải thực hiện nghiên cứu bài bản ngay từ đầu để kết quả nghiên cứu có thể đăng tải trên tạp chí y khoa NEJM - tạp chí uy tín nhất trên thế giới. 

Đồng thời hứa sẽ hỗ trợ nhóm nghiên cứu về mặt kỹ thuật.

Thay đổi quy trình thụ tinh ống nghiệm trên thế giới - Ảnh 3.

Thủ thuật chuyển phôi trữ trong phòng lab - Ảnh do BS Hồ Mạnh Tường cung cấp

* Kết quả của công trình nghiên cứu này có ý nghĩa như thế nào, thưa bác sĩ?

- Nhóm nghiên cứu đã tiếp cận gần 4.000 bệnh nhân, sau đó có 792 bệnh nhân đồng ý tham gia với nhóm nghiên cứu. 

Sau 2 năm nghiên cứu (từ đầu năm 2015 đến cuối năm 2017), kết quả cho thấy việc chuyển phôi tươi mang lại hiệu quả tương đương như đông lạnh phôi rồi chuyển phôi sau rã đông. 

Kết quả này sẽ thay đổi cách làm TTON trên thế giới.

Theo thống kê trên thế giới, có khoảng 12 triệu người làm TTON. Như vậy, mỗi năm có hơn 1 triệu em bé ra đời bằng phương pháp này. 

Ở Nhật, cứ 20 em bé thì có một em bé được TTON, còn ở các nước Bắc Âu vào bất cứ một lớp học nào thì trung bình mỗi lớp đều có 1-2 học sinh sinh ra từ TTON. Và con số này cứ tiếp tục tăng dần.

Cách đây một năm, một nhóm nghiên cứu ở Trung Quốc kết hợp với một nhóm nghiên cứu ở Mỹ cho kết quả những phụ nữ bị hội chứng buồng trứng đa nang làm TTON thì chuyển phôi đông lạnh tốt hơn. 

Sau nghiên cứu này, người ta có xu hướng sử dụng phôi trữ đông lạnh. Vấn đề phát sinh là nếu như tất cả mọi người đều chuyển sang sử dụng phôi đông lạnh thì sẽ tốn kém, chưa kể đến việc thay vì có thai sớm hơn nhờ chuyển phôi tươi thì phải trì hoãn lại sau đó để chuyển phôi đông lạnh. 

Cho nên kết quả nghiên cứu của nhóm chúng tôi sẽ giúp xã hội tiết kiệm được chi phí nhiều. 

Ngoài ra, nghiên cứu này cũng giúp cả bác sĩ và bệnh nhân cùng được linh động hơn. Với người TTON không thích có con vào tháng này mà thích có con vào tháng sau thì bác sĩ vẫn làm được giúp họ, rất thuận tiện...

Một điều quan trọng nữa là trước đây người ta cho rằng trữ phôi đông lạnh sẽ bị một cái gì đó nên cố gắng chuyển nhiều phôi tươi dẫn đến khả năng bị đa thai. Còn hiện giờ nếu chuyển phôi tươi và phôi còn lại trữ đông thì sẽ không bị đa thai.

Người VN có thể làm nghiên cứu đạt chuẩn khắt khe nhất

* Có giáo sư nhận xét đây là công trình mang tính lịch sử. Bác sĩ nghĩ gì về nhận xét này?

- Trước đây, nhiều người nói Việt Nam không thể làm nghiên cứu công bố trên thế giới được. Ngay cả khi bắt đầu nghiên cứu công trình này, nhóm chúng tôi cũng không nghĩ có ngày nghiên cứu của nhóm được đăng trên tạp chí khoa học đứng đầu thế giới.

Đến khi công trình được công bố, chính hai giáo sư người Úc hướng dẫn cho nhóm cũng bất ngờ là nhóm đã làm được vì được đăng trên tạp chí này là rất khó. Đây là lần đầu nghiên cứu do một nhóm bác sĩ Việt Nam thực hiện được công bố trên tạp chí y khoa uy tín và ảnh hưởng lớn nhất thế giới.

Tôi nghĩ nghiên cứu này chứng minh rằng những người Việt Nam làm trong các bệnh viện Việt Nam nếu tổ chức tốt sẽ làm được những nghiên cứu đạt tiêu chuẩn khắt khe nhất của y học thế giới.

Hiện nhóm chúng tôi đang tiếp tục hai nghiên cứu lớn, rất bài bản về TTON và hi vọng sẽ được công bố ở những tạp chí có uy tín trên thế giới.

Tuổi trẻ

      © 2021 FAP
        234,748       124