Kinh tế

Làm gì giúp con bớt sợ học, sợ thi?

TTO - 'Sao con phải học nhiều vậy mẹ? Con mệt quá! Con mong mau lớn để khỏi phải đi học', cậu con trai 8 tuổi của chị Hà (TP.HCM) than vãn.

Làm gì giúp con bớt sợ học, sợ thi? - Ảnh 1.

Hãy khéo léo khơi gợi, khuyến khích để trẻ đến với việc học một cách hào hứng và tự nguyện. Trong ảnh: một tiết học của học sinh trường tiểu học Lương Định Của, TP.HCM - Ảnh: NHƯ HÙNG

Không chỉ cậu bé, nhiều trẻ khác cũng có tâm lý sợ đi học, đi thi. Có em cứ đến kỳ thi là mất ngủ, căng thẳng, cáu bẳn, thậm chí là stress, trầm cảm. 

Có một số em dù đã học bài cẩn thận, chuẩn bị kỹ lưỡng nhưng khi bước vào phòng thi lại thấy hoa mắt, chóng mặt, toát mồ hôi tay…dường như quên sạch các kiến thức đã học.

Thông thường có hai loại áp lực khiến trẻ mắc "chứng sợ học tập và thi cử". Loại thứ nhất xuất phát từ việc trẻ có hy vọng quá cao vào bản thân, loại thứ hai là do trẻ chưa chuẩn bị kiến thức chu đáo, dẫn đến lo lắng không làm được bài thi, trong quá trình học tập luôn cảm thấy bất an, mệt mỏi. 

Ngay cả một số trẻ vốn có thành tích đứng đầu lớp cũng có thể lo lắng quá mức về kết quả học tập. Bên cạnh đó sự kỳ vọng cao của cha mẹ vào trẻ, mong trẻ đạt kết quả cao cũng gây áp lực cho trẻ.

Là cha mẹ, hãy cố gắng giảm áp lực học tập cho con để mỗi ngày trẻ đến trường thật sự là "một ngày vui".

Một số hướng tác động giúp trẻ loại bỏ tâm lý lo ngại việc học tập và thi cử:

- Nếu trẻ đang căng thẳng vì học, nên dạy trẻ cách thổ lộ những tâm tư tình cảm trong lòng, cùng trẻ tìm cách giải tỏa những ức chế. 

Hãy giúp trẻ hiểu rằng thi cử chỉ là một cách để kiểm tra tình hình học tập thường ngày của chúng, chứ không thể hiện tương lai của trẻ. Dù con đạt kết quả ra sao thì cha mẹ cũng rất yêu thương con và ghi nhận tất cả những cố gắng mà con có được.

- Trong suốt quá trình học tập nói chung, thời gian chuẩn bị thi cử nói riêng, cha mẹ nên cùng trẻ sắp xếp thời gian, lên kế hoạch hợp lý, cần phối hợp với nhiều người (cha và mẹ, anh chị, giáo viên chủ nhiệm hay gia sư).

Hãy cùng hướng dẫn trẻ, tạo không khí quan tâm, chia sẻ để trẻ nỗ lực cố gắng hơn nữa trong làm bài thi. Tạo bầu tâm lý gia đình ấm cúng, vui vẻ, giúp trẻ đối mặt với kỳ thi một cách bình tĩnh, tự tin.

- Trong quá trình trẻ ôn thi, không tránh khỏi tình huống dù cha mẹ đã cố gắng giảng dạy, thuyết minh bằng nhiều cách mà trẻ vẫn không hiểu, không thể tiếp thu và giải được bài; khi đó, hãy bình tĩnh, kiên nhẫn, không quát tháo ầm ĩ mà nên gọi điện hay gửi email cho cô giáo của con nhờ cô "cứu bồ". Nếu cần thiết, có thể mời gia sư phụ đạo cho trẻ.

- Nghiêm túc nghiên cứu và học hỏi các kỹ năng sư phạm cơ bản, biết kết hợp các phương pháp dạy học một cách phù hợp, "học lại" những kiến thức con mình đang lĩnh hội. Đồng thời, trau dồi thêm kỹ năng giao tiếp để diễn đạt cho con hiểu và tiếp thu một cách hiệu quả nhất.

- Chuẩn bị tâm lý rằng con mình có thể sẽ bị điểm thấp vì tâm lý căng thẳng. Do đó, thay vì mắng mỏ, quát nạt gây thêm áp lực cho trẻ, bạn hãy động viên và tranh thủ thời gian xem lại kiến thức trẻ đang học để tìm ra phương pháp hướng dẫn con hiệu quả nhất. 

Đối với một đứa trẻ, việc học tập sẽ được diễn ra liên tục suốt đời. Nếu trẻ lo sợ đến ghét bỏ việc học vì chuyện thi cử, sẽ là điều thiệt thòi cho đứa trẻ. Vì thế, cha mẹ hãy khéo léo khơi gợi, khuyến khích để trẻ đến với việc học một cách hào hứng và tự nguyện.

Tuổi trẻ

      © 2021 FAP
        228,169       813