Kinh tế

Liên đoàn nhà báo và hồ sơ Paradise - Kỳ 2: Công nghệ điều tra và xử lý tài liệu

TTO - Trước lúc công bố hồ sơ Paradise, các nhà báo tham gia dự án Athena (bí danh chỉ hồ sơ Paradise) phải thuyết phục tổng biên tập tờ báo của họ đồng ý công bố hồ sơ đúng ngày quy định 5-11-2017.

Liên đoàn nhà báo và hồ sơ Paradise - Kỳ 2: Công nghệ điều tra và xử lý tài liệu - Ảnh 1.

Các "thiên đường thuế" là nơi tránh thuế - Ảnh: SZ

Quy tắc đầu tiên là chúng ta không nói gì về việc chúng ta làm. Quy tắc thứ hai là chúng ta phải chia sẻ những gì chúng ta tìm thấy

Wolfgang Krach - Tổng biên tập báo Süddeutsche Zeitung (Đức)

Lý do vì Liên đoàn Nhà báo điều tra quốc tế (ICIJ) là tổ chức của các nhà báo chứ không phải tổ chức của các cơ quan báo chí. Do đó, các nhà báo tham gia dự án với tư cách cá nhân chứ không lấy danh nghĩa của tờ báo nơi họ làm việc.

Tài liệu nhiều và phức tạp

Hồ sơ Paradise tiết lộ mối liên hệ của hơn 120 nhà chính trị và nhà lãnh đạo trên thế giới, và hơn 100 tập đoàn đa quốc gia với các công ty đầu tư ngoài biên giới (offshore) tại 19 "thiên đường thuế" nhằm mục đích tối ưu hóa thuế. Song theo quy tắc của ICIJ đã từng được áp dụng trong các hồ sơ điều tra trước đó, ICIJ sẽ không công bố toàn bộ hồ sơ Paradise.

Trong tháng 11-2017 vừa qua, để tránh bị kiện, ICIJ chỉ công bố một số thông tin chọn lọc phù hợp với các quy định pháp luật về thông tin không cần giữ bí mật mà công chúng có thể tiếp cận.

ICIJ cũng cho rằng các nhà báo hợp tác với ICIJ không phải là đối tượng bổ trợ tư pháp nên ICIJ sẽ không chuyển giao toàn bộ hồ sơ Paradise cho cơ quan chính quyền nào cả.

Một năm rưỡi trước khi công bố hồ sơ Paradise, ICIJ từng gây chấn động dư luận khi công bố Hồ sơ Panama (Panama Papers) nhằm vạch trần mánh khóe của các nhân vật tai to mặt lớn lợi dụng các công ty offshore ở các "thiên đường thuế" để trốn thuế và rửa tiền.

Hồ sơ Paradise công bố ngày 5-11-2017 với hồ sơ Panama công bố ngày 3-4-2016 có nhiều điểm tương đồng và khác biệt.

Đầu tiên là tương đồng về cách thức cung cấp tài liệu. Một nguồn tin nặc danh bí mật lấy tài liệu lưu trữ của các công ty luật để cung cấp cho báo Süddeutsche Zeitung ở Đức. Kế đến là tương đồng về cách thức xử lý tài liệu nhận được và công bố hồ sơ.

Trong hai hồ sơ, do khối lượng tài liệu quá lớn nên báo Süddeutsche Zeitung đều phải cầu viện ICIJ và ICIJ đã huy động hàng trăm người vào cuộc. Sau khi xử lý tài liệu, ICIJ đã yêu cầu công bố hồ sơ cùng lúc trên báo chí.

Điểm khác nhau giữa hai hồ sơ là tài liệu của Công ty luật Mossack Fonseca (trụ sở ở Panama) trong hồ sơ Panama ít hơn tài liệu của hồ sơ Paradise và không phức tạp bằng. Hồ sơ Panama chỉ có 11,5 triệu tài liệu từ một công ty luật, trong khi hồ sơ Paradise có đến hơn 13,5 triệu tài liệu lưu trữ trong 50 năm từ 21 nguồn khác nhau. Chỉ riêng ở Mỹ, hồ sơ Paradise đã nhắc đến danh tính của 31.000 cá nhân và doanh nghiệp.

Do tài liệu trong hồ sơ Paradise xuất phát từ nhiều nguồn khác nhau nên thông tin có bản chất khác nhau, vì vậy quá trình điều tra sau đó cực nhọc hơn vì phải lần ra nhiều mối quan hệ để hiểu rõ các phương thức tránh thuế và xác minh nguồn tin.

Cuối tháng 3-2017 tại Munich, trong cuộc họp các nhà báo tham gia dự án Athena để xử lý hồ sơ Paradise, ông Wolfgang Krach - Tổng biên tập báo Süddeutsche Zeitung (Đức) - đã nhấn mạnh đến hai quy tắc cơ bản: "Quy tắc đầu tiên là chúng ta không nói gì về việc chúng ta làm. Quy tắc thứ hai là chúng ta phải chia sẻ những gì chúng ta tìm thấy".

Và để chia sẻ khối lượng tài liệu khổng lồ, các nhà báo tham gia dự án Athena phải sử dụng công nghệ.

Liên đoàn nhà báo và hồ sơ Paradise - Kỳ 2: Công nghệ điều tra và xử lý tài liệu - Ảnh 3.

Hồ sơ Panama trước đây - công bố trên báo Süddeutsche Zeitung (Đức) - Ảnh: SZ

Công nghệ giúp sức điều tra

Năm 1971, ộng Daniel Ellsberg - chuyên viên phân tích của Trung tâm nghiên cứu RAND Corporation, đã cung cấp cho báo chí hồ sơ mật của Bộ Quốc phòng Mỹ nêu chi tiết quá trình tham chiến của Mỹ tại Việt Nam kể từ thập niên 1940. Lúc bấy giờ ông đã dùng kỹ thuật sao chụp lại để phát hành số tài liệu dài 7.000 trang.

Còn hiện nay, tài liệu rò rỉ như hồ sơ Paradise hay hồ sơ Panama ngày càng phức tạp đến mức không có tờ báo nào đủ sức xử lý.

Bà Emilia Diaz-Struck - chủ biên về nghiên cứu của ICIJ, là người điều phối công việc của các nhà báo tham gia xử lý hồ sơ Paradise. Bà giải thích với tạp chí Wired như sau: "Hồ sơ Panama chỉ có một định dạng trong khi hồ sơ Paradise khó hơn vì có nhiều định dạng khác nhau. Nhiều tập tin không thể đọc được bằng máy tính. Ngoài các tập tin PDF và thư điện tử còn có nhiều định dạng ít phổ biến như ASP và PSP".

Cũng như lúc xử lý hồ sơ Panama, Công ty phần mềm Nuix (một công ty nhỏ ở Úc) đã giúp ICIJ chọn lọc và hệ thống hóa các tập tin trong hồ sơ Paradise. Toàn bộ tài liệu đã được lập bảng kê và chuyển đổi định dạng để máy tính có thể đọc được. Sau đó, ICIJ lập một trung tâm tư liệu để chia sẻ với các nhà báo đối tác.

Có nhiều nhóm khai thác tài liệu. Mỗi nhóm gồm trưởng dự án, các nhà báo đối tác, các chuyên viên điều phối nhà báo và chuyên viên kỹ thuật. Mỗi khi phát hiện thêm một quốc gia trong tài liệu ban đầu, nhóm lại bổ sung thêm nhà báo rành về quốc gia đó.

Các nhóm sẽ vào trung tâm tư liệu để tìm mối liên kết giữa nhiều tài liệu khác nhau. Như trường hợp nữ ca sĩ Shakira người Colombia cư trú ở Tây Ban Nha nhưng thanh toán thuế tại Bahamas và giải quyết tác quyền cho các công ty trên đảo Malta và Luxembourg. Nữ ca sĩ Madonna là dân Mỹ nhưng bỏ vốn đầu tư vào một công ty thiết bị y tế ở Malta. Các nhóm chỉ cần gõ tên Shakira hay Madonna, trung tâm tư liệu sẽ cung cấp đường dẫn đến các dữ liệu liên quan.

ICIJ còn lập mạng xã hội riêng để các nhà báo thảo luận dữ liệu. Để dễ dàng tìm kiếm tài liệu liên quan, ICIJ sử dụng phương thức lưu trữ cơ sở dữ liệu dưới dạng đồ thị (graph database). Bà Emilia Diaz-Struck nhận xét: "Họ đều là nhà báo lớn nhưng họ không phải là người mê công nghệ. Bởi thế chúng tôi phải sử dụng công nghệ sao cho mọi người đều biết cách dùng an toàn để đọc được tài liệu".

Liên đoàn nhà báo và hồ sơ Paradise - Kỳ 2: Công nghệ điều tra và xử lý tài liệu - Ảnh 4.

Hồ sơ Paradise tiết lộ hai nữ ca sĩ Shakira và Madonna (phải) đã sử dụng "thiên đường thuế" - Ảnh: Noticias Acapulco News, CNEWS Matin

Điểm khác giữa hồ sơ Panama và hồ sơ Paradise

Điểm khác biệt quan trọng với hồ sơ Panama là hồ sơ Paradise tiết lộ các mánh khóe hợp pháp được sử dụng nhằm tối ưu hóa thuế chứ không liên quan nhiều đến hoạt động rửa tiền do trốn thuế và các hoạt động phi pháp khác (buôn vũ khí, buôn ma túy...) như trong hồ sơ Panama.

Tối ưu hóa thuế và gian lận thuế đều có chung mục đích là giảm tiền đóng các loại thuế như thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập, thuế doanh nghiệp. Song khác với gian lận thuế, tối ưu hóa thuế chỉ nhằm giảm tối đa tiền thuế phải nộp chứ không trốn thuế.

Kỳ tới: Những chiêu trò lách thuế

Tuổi trẻ

      © 2021 FAP
        235,284       110