Kinh tế

Xúc động mối duyên tình Huyền Trân

TTO - Nhà hát Cải lương Việt Nam vừa có 2 đêm diễn vở Ni sư Hương Tràng tại rạp Đại Nam, Hà Nội.

Xúc động mối duyên tình Huyền Trân - Ảnh 1.

Cảnh trong vở cải lương Ni sư Hương Tràng (hay Công chúa Huyền Trân) - Ảnh: Đức Triết

Ni sư Hương Tràng (tác giả: TS Bùi Hữu Dược, chuyển thể cải lương: soạn giả Hoàng Song Việt, đạo diễn: NSƯT Triệu Trung Kiên) là góc nhìn mới về công chúa Huyền Trân - công chúa nhà Trần nổi tiếng trong lịch sử nước Nam, luôn đem lại nhiều nguồn cảm hứng sáng tạo cho các nhà văn, nhà viết kịch bấy lâu.

Vẫn là câu chuyện kể về cuộc đời công chúa Huyền Trân từ khi được thượng hoàng Trần Nhân Tông ước gả cho vua Champa Chế Mân, song vở diễn đã đưa ra cách lý giải riêng về mối duyên tình đặc biệt này. 

Không phủ nhận đây là mối duyên tình kết giao chính trị giữa Đại Việt và Champa nhưng vở diễn không khiến người xem thấy mối tình này nhuốm màu u sầu của sự gò ép - điều thường thấy ở các tác phẩm văn học hay vở diễn trước đây.

Trái lại, tình yêu giữa Huyền Trân (nghệ sĩ Như Quỳnh) và Chế Mân (nghệ sĩ Minh Hải) - vị vua tài ba, dũng mãnh của xứ Champa - luôn thắm thiết. 

Nàng công chúa yêu nước ấy vừa rất đỗi yêu thương Chế Mân, vừa hiểu rõ sứ mệnh của mình: "Làm thân gái sinh ra giữa thời nước non nguy biến, sao có thể hưởng thái bình?", "Để lửa chiến binh nơi biên thùy lịm tắt, một đời Huyền Trân sứ mệnh đã công thành".

Khán giả không thể cầm nước mắt trước cuộc đời "ba đào" của Huyền Trân khi dõi theo nỗi nhớ nhà, nhớ quê của nàng nơi đất khách quê người; khi dõi theo cuộc gặp gỡ đầy nước mắt với vua cha - thượng hoàng Trần Nhân Tông (nghệ sĩ Quang Khải), hay khi nàng đứt ruột trao lại con (hoàng tử Chế Đa Đa) cho người Champa để lên giàn hỏa thiêu theo tập tục lúc chồng qua đời... 

Nhưng khi vở diễn khép lại, hẳn cảm xúc đọng lại không chỉ là những ngậm ngùi mà còn cả sự thán phục.

"Tôi biết câu chuyện của công chúa Huyền Trân qua nhiều bài thơ, vở diễn nhưng thường đọc và thưởng thức trong tâm thế xót thương. 

Thế nhưng, khi xem vở cải lương này, dù vẫn rất xúc động nhưng tôi lại thấy hãnh diện, tự hào về công chúa - một tấm gương về truyền thống bất khuất của phụ nữ Việt Nam ngàn đời nay" - bà Nguyễn Vi Hạnh (Đống Đa) bày tỏ.

Có thể thấy sau rất nhiều vở diễn luôn tìm tòi cách thể hiện khác lạ, ở vở diễn mới nhất này, đạo diễn Triệu Trung Kiên lại chọn cách kể, cách dẫn chuyện giản dị, quen thuộc được lồng trong không gian văn hóa Champa - từ thiết kế sân khấu cho đến vũ điệu, âm nhạc. 

Anh chia sẻ: "Mỗi dịp được kể lại những góc khuất lịch sử bằng sân khấu một cách thỏa đáng là điều tôi luôn trăn trở".

Vở cải lương Ni sư Hương Tràng sẽ được công diễn rộng rãi vào dịp cuối năm nay.

Tuổi trẻ

      © 2021 FAP
        193,742       31