Kinh tế

Các cụ, xin đừng sợ...

TTCT - Người già không nhất thiết phải lạc lõng trong thế giới số với Internet, smartphone và mạng xã hội. Điều quan trọng là biết cách tận dụng và giúp các cụ vượt qua “nỗi sợ công nghệ”.

Người già và công nghệ
Người già và công nghệ

Nếu thế giới công nghệ vẫn được cho là có nhiều mặt trái đối với tuổi vị thành niên và giới trẻ, câu chuyện vốn đã được bàn tán quá nhiều, thì với người già, công nghệ cho thấy hữu ích cả về sức khỏe lẫn tinh thần cho các bậc lão niên.

Khi các cụ “lên mạng” nhiều hơn

Những người trẻ ngày nay sành công nghệ hơn thế hệ đi trước? “Chưa chắc” là câu trả lời của các nhà nghiên cứu thuộc Open University (Hà Lan).

Có quan niệm cho rằng người sinh từ năm 1980 trở về trước được xem là “kẻ nhập cư” trong thế giới công nghệ đương thời, và những người sinh từ mốc đó trở đi là “người bản xứ” của thế giới đó, nơi máy tính và Internet đóng vai trò trung tâm.

Theo bài báo công bố trên tạp chí Teaching and Teacher Education hồi tháng 6, các nhà nghiên cứu cho biết thực tế không có cái gọi là người nhập cư hay bản xứ trong thế giới công nghệ.

Nhóm nghiên cứu cũng khẳng định dù được học hành, đào tạo khác hẳn so với thời ông bà cha mẹ, “không có bằng chứng cho thấy những người sinh sau năm 1980 sành sỏi công nghệ hơn các thế hệ trước”.

Hôm 21-8, nhân Ngày người cao tuổi của Mỹ (National Senior Citizens Day), K4Connect, hãng công nghệ “chuyên trị” nhóm khách hàng “có tuổi”, công bố một số thống kê cho thấy người lớn tuổi đang ngày càng thích nghi hơn với thế giới công nghệ.

K4Connect cho biết những người từ 65 tuổi trở lên lại là “nhóm người dùng Internet có mức tăng trưởng nhanh nhất”, tức ngày càng có nhiều người U-70 ở Mỹ tìm đến thế giới mạng.

Hơn một nửa (55%) số “cư dân mạng có tuổi” này sử dụng máy tính, 32% dùng máy tính bảng và 30% dùng smartphone. “Sành điệu” hơn, có đến 17% đã dùng cả thiết bị đeo người (như đồng hồ thông minh) và thiết bị theo dõi sức khỏe (vòng đeo tay Fitbit).

Để không là gánh nặng

Trong bài viết “Công nghệ mới cho tuổi xế chiều” ngày 8-7, The Economist cho biết công nghệ có nhiều hứa hẹn để cải thiện cuộc sống cho người cao tuổi, giúp họ giữ được sự độc lập và sống thọ, tròn đầy.

Song song đó, công nghệ cũng hỗ trợ những người phải chăm sóc các cụ (con cháu hay người chăm sóc chuyên nghiệp).

Điều lý thú, theo The Economist, là “chính những công nghệ được phát triển dành cho người trẻ lại có tiềm năng lớn nhất trong việc cải thiện cuộc sống cho người già”.

Có thể kể ra ba nhóm công nghệ chính như vậy: nhà thông minh (với các thiết bị kết nối qua Internet IoT), trợ lý ảo (trí tuệ nhân tạo điều khiển bằng giọng nói) và các dịch vụ của nền kinh tế chia sẻ.

Ngôi nhà của cụ ông người Hà Lan Dolf Honée (87 tuổi) là một điển hình: 8 cảm biến do Công ty Sensara cung cấp được lắp khắp nhà và các con của cụ (vốn cũng đã ở tuổi ngũ thập) có thể biết được khi nào cha ngủ dậy, đi vệ sinh, ăn uống hay ra khỏi nhà.

Họ cũng sẽ được thông báo ngay qua ứng dụng trên smartphone nếu ông cụ gặp vấn đề nghiêm trọng. Reinout Engelberts, đại diện Công ty Sensara, giải thích triết lý của hệ thống cảm biến này là “phát hiện từng điều nhỏ nhặt trước khi chúng thành chuyện lớn, vốn sẽ gây phiền toái và tốn kém hơn cho gia chủ”.

Nếu ghi nhận ông cụ vào toilet thường xuyên hơn hoặc có dấu hiệu đi loạng choạng, hệ thống sẽ cảnh báo để gia đình đưa cụ đi kiểm tra bàng quang hoặc có biện pháp can thiệp để tránh cụ té ngã - một trong những nguyên nhân chấn thương phổ biến nhất ở người cao tuổi.

Những tiện ích mà các công ty như Sensara mang đến là cốt lõi của xu hướng “aging in place”, hiểu nôm na là “già ngay tại nhà”, tức người lớn tuổi (đa số ở các nước phương Tây) không nhất thiết phải vào viện dưỡng lão, vẫn có thể ở nhà mà không trở thành gánh nặng cho con cháu bởi đã có công nghệ giúp sức như kể trên.

Tương tự, những ứng dụng đặt xe qua di động và “Uber của mọi thứ” - tức cái gì cũng có thể đặt hàng qua app - cũng sẽ vô cùng hữu ích với người già. Seth Sternberg, cựu nhân viên Google, còn tạo ra Honor - sản phẩm theo mô hình kinh tế chia sẻ đặc thù - cho người cao tuổi: tìm người chăm sóc qua app.

Sternberg cho rằng các công ty cung cấp dịch vụ này theo kiểu truyền thống thường yêu cầu phải đặt trước một thời gian nhất định, rất cứng nhắc và bất tiện.

Honor cho phép tìm người giúp chăm sóc người cao tuổi bất kỳ lúc nào với giá cả thỏa thuận chỉ bằng vài thao tác trên di động.

Honor đã gây quỹ được 65 triệu USD và hiện hoạt động tại 12 thành phố ở Mỹ. The Economist đánh giá cao mô hình này, bởi nó không chỉ giúp người cao tuổi “già ngay tại nhà”, mà còn tạo thêm việc làm cho người trẻ.

Cuối cùng, nếu như mạng xã hội vẫn bị cho là “hủy hoại” người trẻ suốt ngày “sống ảo”, thì không gian ảo này lại “có ích cho người già nhiều nhất vì nó giúp họ giảm cảm giác cô độc” - Katy Fike, đại diện Aging 2.0, mạng lưới quy tụ các phát minh, sáng kiến để giải quyết các thử thách cho người lớn tuổi, khẳng định.

Fike có lý khi nhận định như thế. Theo nghiên cứu của Pew Research, hơn 1/3 người Mỹ trên 65 tuổi hiện đang dùng mạng xã hội và tỉ lệ này ở nhóm tuổi 50-65 là 64%.

Theo The Economist, xu hướng này cũng tương tự ở châu Âu. Ngoài kết nối trên Facebook, các ứng dụng gọi điện kèm video như Skype hay Facebook Messenger cũng là “niềm an ủi” lớn lao của các bậc lão niên.

Vấn đề này có lẽ đã rất phổ biến toàn cầu chứ không riêng gì Mỹ hay châu Âu. Con cháu trong gia đình có thể cài đặt mọi thứ sẵn sàng và chỉ cho ông bà cha mẹ cách nhận hoặc tạo cuộc gọi là đã có những phút giây sum vầy, thấy rõ mặt nhau dù mỗi người một nơi.

“Gặp nhau bằng Skype hay Facetime có lẽ là công nghệ “già ngay tại nhà” đơn giản và dễ được hưởng ứng nhất mà người trẻ có thể dành cho người thân (lớn tuổi) của họ” - tờ USA Today đánh giá.

Nếu biết cách tận dụng, công nghệ sẽ đem đến niềm vui, sức khỏe cho người già
Nếu biết cách tận dụng, công nghệ sẽ đem đến niềm vui, sức khỏe cho người già

Vượt qua “nỗi sợ công nghệ”

Dĩ nhiên người già không thể rành công nghệ ngay. Trừ những trường hợp đặc thù như làm việc có liên quan đến máy tính hay công nghệ ngay khi còn trẻ, phần lớn người cao tuổi đều cần “quyền trợ giúp” từ con cháu khi muốn bước vào thế giới số.

Tuy nhiên, có một thực tế không thể phủ nhận là trong rất nhiều trường hợp, con cháu rất “ngại” chỉ người lớn tuổi cách dùng đồ công nghệ hay lên Internet.

Người già không cùng “hệ ngôn ngữ” với người trẻ, họ suy nghĩ chậm hơn mà thao tác cũng lóng ngóng và không phải người trẻ nào cũng kiên nhẫn, dù là với cha mẹ hay ông bà mình.

Cho rằng đây là một trong những rào cản ngăn người cao tuổi tiếp cận công nghệ, tháng 1-2013 Trung tâm Senior Planet Exploration được thành lập ở New York (Mỹ) với tôn chỉ “xóa mù công nghệ” miễn phí cho người già.

Trung tâm cung cấp miễn phí các khóa học, từ cách dùng iPad, chụp ảnh bằng di động đến dùng mạng xã hội. Điều kiện nhập học vô cùng đơn giản: chỉ cần “có tuổi” (ít nhất lục tuần).

Tom Kamber, cha đẻ của sáng kiến này, khẳng định đây là mô hình “có một không hai” vào thời điểm thành lập và là nơi người cao tuổi có thể đến và học “bất kỳ những gì họ cần liên quan đến công nghệ”.

“Chúng ta đang ở giữa cuộc cách mạng công nghệ mà người già chưa được dự phần vào đó” - Kamber giải thích nguyên nhân thành lập trung tâm với Mashable.

Phương châm giảng dạy của trung tâm là giúp người lớn tuổi vượt qua “nỗi sợ công nghệ”. Một giảng viên tại trung tâm, Abby Stokes, thường hướng dẫn học viên dùng máy tính mà không cần chạm vào con chuột.

“Nhìn thấy tôi thao tác nhanh và dễ dàng chỉ dẫn đến tác dụng ngược mà thôi” - Stokes giải thích với Wall Street Journal ngày 7-8.

Đó là cách tiếp cận mà nhiều người lớn tuổi không tìm được ở con cháu mình, những người có thể vừa hướng dẫn vừa nói “Chuyện đó khó vậy sao? Cháu đã chỉ bà nhiều lần rồi mà!”.

Roland Schultz, cụ ông người Úc 75 tuổi, cũng mở lớp dạy những người từ tuổi ông trở lên cách dùng iPad với cùng “triết lý sư phạm” đó.

“Người đồng trang lứa dạy nhau dễ hơn vì chúng tôi nói cùng ngôn ngữ” - Schultz nói với Đài ABC. Cũng như Trung tâm Senior Planet Exploration, lớp học của ông Schultz nhằm giúp những người tuổi thất thập không còn “sợ công nghệ” nữa.

“Tôi nói với người học nếu họ lỡ bấm nhầm nút nào đó thì cũng chả có bi kịch gì xảy ra cả” - ông nói. Học viên trong lớp của ông Schultz có người đã 92 tuổi. Nhiều người đã biết gửi email, trò chuyện qua Skype, thậm chí có cả tài khoản Instagram để giữ liên lạc với con cháu.■

Thử thách của xu hướng “già ngay tại nhà” là chi phí để trang bị smart home hay mua sắm thiết bị theo dõi sức khỏe. “Vấn đề là đa số con cháu vẫn chưa muốn mất tiền vào các thiết bị này ngay hôm nay, dù nó có thể giúp ông bà cha mẹ họ khỏi té rạn xương hay phải đi nhà thương vào ngày mai” - The Economist viết.

Năm 2015, BBC từng có bài viết gọi nhóm người dùng lớn tuổi là “thế hệ mà các công ty công nghệ ngó lơ”. Bài viết cho rằng các trang web, ứng dụng, thiết bị công nghệ đều rắc rối với người lớn tuổi do lẽ chúng vốn được thiết kế chỉ nhắm vào đối tượng trẻ hơn.

Chẳng hạn thiết bị đo sức khỏe đeo tay Fitbit luôn được tiếp thị với các hình ảnh người trẻ chạy marathon, chứ không phải hình ảnh cụ ông tập đi bộ. Thao tác trên màn hình cảm ứng của smartphone hay máy tính bảng cũng là thử thách cho người già mà ít nhà sản xuất nào chú ý.

Tuổi trẻ

      © 2021 FAP
        235,284       90