TTCT - Những ngày này, khi những tranh luận quanh cuốn sách Từ điển tiếng Việt của GS Nguyễn Lân - Phê bình và khảo cứu của tác giả Hoàng Tuấn Công vẫn chưa đến hồi kết, tôi lại lấy một quyển tiểu thuyết Nhật Bản ra đọc và nghĩ: “Phải chi những người làm sách đều đọc qua quyển sách này”.
Miura Shion, nhà văn nữ sinh năm 1976 đã giành nhiều giải thưởng văn học danh giá tại Nhật. Tác phẩm đã được dịch sang tiếng Việt: Bước chạy thanh xuân, Người đan chữ xếp thuyền |
Một năm trước, tôi đã không khỏi xúc động khi cầm trên tay Người đan chữ xếp thuyền được một người chị làm trong ngành xuất bản tặng.
Tôi thật sự vui mừng khi cuốn sách này được chuyển ngữ sang tiếng Việt, bởi tôi đã thật sự mong muốn được chia sẻ niềm vui thưởng thức, chiêm nghiệm thông điệp trong sách với mọi người.
Nhưng thật đáng tiếc, dường như Người đan chữ xếp thuyền xuất hiện quá âm thầm, lặng lẽ. Lẽ ra cuốn sách phải được biết đến, được đọc nhiều hơn và đặc biệt độc giả của nó trước tiên nên là những người làm sách.
“Từ điển là con thuyền băng qua đại dương từ ngữ, người biên tập là người đan con thuyền để băng qua đại dương đó” - xuất phát từ ý nghĩa như vậy, cuốn tiểu thuyết mang tựa gốc Đan thuyền.
Truyện kể về nhân viên nhà xuất bản Majime (Chăm chỉ) ngày nọ được/bị thuyên chuyển đến phòng biên tập từ điển - nơi tập trung những con người với tính cách lạ lùng.
Dù bị châm chọc là “những con sâu ăn tiền” nhưng ban biên tập quyết tâm bắt tay vào thực hiện kế hoạch dài hơi - cuốn từ điển mới “Daitokai (Đại độ hải)”, có thể hiểu là hành trình băng đại dương.
Chỉ với cảm tính sắc bén trong việc tìm hiểu ngôn từ và lòng nhiệt tình với con chữ, liệu Majime và đồng sự có hoàn thành công việc “đan thuyền” không?
“Tờ giấy lớn khi chưa được cắt kia tỏa ra làn hơi ấm. Mặc dù anh hiểu rằng làn hơi ấm áp ấy là do tác động vật lý của máy in lên tờ giấy, nhưng Majime tin rằng đó còn là kết tinh nhiệt huyết của tất cả mọi người dành cho “Daitokai”, nhiệt huyết của bác Araki, thầy Matsumoto, của Kishibe và cô Suzuki, của những tác giả và học giả cộng tác viết bản thảo, của những người sinh viên làm thêm và cả công ty sản xuất giấy lẫn nhà in nữa.
Miura Shion, nhà văn nữ sinh năm 1976, đã giành nhiều giải thưởng văn học danh giá tại Nhật. Tác phẩm đã được dịch sang tiếng Việt: “Bước chạy thanh xuân”, “Người đan chữ xếp thuyền”. |
Tờ giấy tỏa ra màu vàng dịu dàng, được tô điểm bằng những hàng chữ đều tăm tắp bóng màu mực đen thật chẳng khác nào bầu trời đêm mùa hạ.
Majime chợt nhận ra rằng đây chính là trang từ điển ghi từ “Ánh sáng”, anh liền vội vàng chớp chớp đôi mắt. Do cảnh vật trước mắt anh bỗng dưng lại trở nên mờ ảo như bị mây mờ che phủ vậy.
“Ánh sáng” không chỉ là từ dùng để miêu tả ánh đèn hay ánh lửa, mà còn có nghĩa là minh chứng cho điều gì đó. Hình dạng của tờ giấy này đây chính là minh chứng cho 15 năm trời vật lộn với từng con chữ của phòng biên tập từ điển”. (tr.369)
Tôi tin rằng bạn cũng sẽ phải “chớp chớp mắt” khi đọc đến đoạn này, sẽ thấy “cảnh vật trước mắt bỗng dưng như bị mây mờ che phủ”.
Bởi bạn sẽ cảm nhận khí chất người Nhật, cảm nhận tinh thần Nhật Bản trong một lĩnh vực khác qua cuốn Người đan chữ xếp thuyền.
Những nhân vật trong ấy âm thầm, lặng lẽ dấn thân vào công việc có thể gọi là khó nhất trong nhà xuất bản và cũng âm thầm, lặng lẽ cống hiến cả tuổi thanh xuân.
Những Majime, thầy Matsumoto, Araki, Kishibe..., ai nấy đều cứ lặng thầm như thế nhưng chao ôi, cuộc đời họ sao đáng ngưỡng mộ, sao lung linh, tràn ngập ánh sáng thế kia?
Gần cuối truyện, tác giả đã dùng hình ảnh “ánh sáng” để mô tả thành tựu của những nhân vật, những con người tràn đầy nhiệt huyết ấy. Không hình ảnh nào đẹp bằng.
Dấn thân và cống hiến - nói thì dễ nhưng làm thì khó, nhất là với chữ nghĩa, sách vở, và trong một xã hội đang đặt kinh tế lên hàng đầu.
Chữ nghĩa, sách vở không làm ta no bụng ngay, không giúp ta giải khát nhất thời, bởi đó không phải công việc của chữ nghĩa, sách vở. Nhưng chắc chắn chữ nghĩa, sách vở đem đến cho chúng ta một cuộc đời đáng sống, đáng tận hưởng hơn một cuộc đời chỉ có ăn ngon, mặc đẹp.
Khi đọc Người đan chữ xếp thuyền, với tư cách bạn đọc, ta hiểu hơn người làm sách, đặc biệt người soạn từ điển vất vả thế nào.
Khi đọc Người đan chữ xếp thuyền với tư cách người làm sách, ta hiểu rằng cần có tâm thế nào với sản phẩm mà mình tham gia sản xuất.
Khi đọc Người đan chữ xếp thuyền, mỗi chúng ta lại có thể tin rằng dấn thân và cống hiến trong lĩnh vực của mình, chắc chắn sẽ có ngày có người nói với ta như thầy Matsumoto viết trong thư cho Araki: “Thật sự tôi rất vui vì đã có thể gặp được hai người biên tập như cậu và Majime đây.
Nhờ có hai người mà cuộc đời tôi mới được trọn vẹn thế này. Tôi không biết liệu còn từ ngữ nào đủ để diễn tả lòng biết ơn của tôi với mọi người hay không.
Nếu thế giới bên kia có tồn tại từ ngữ ấy, tôi nhất định sẽ làm thêm một thẻ mẫu câu mới. Những tháng ngày biên soạn “Daitokai” vui vẻ biết bao.
Tôi sẽ cầu nguyện cho con thuyền “Daitokai” của mọi người được mãi mãi vững bền, mãi mãi là một con thuyền hạnh phúc”. (tr.379)
Người đan chữ xếp thuyền sẽ không làm mất thời gian của bạn, ngược lại, sẽ giúp bạn có một tâm thế tràn ngập sự tươi mới để tiếp tục dấn thân và cống hiến nếu bạn đang là như thế, một tâm thế sẵn sàng bước vào vạch xuất phát để bắt đầu dấn thân và cống hiến nếu bạn còn do dự.
Người đan chữ xếp thuyền có lẽ sẽ giúp bạn yêu... sách hơn bao giờ hết.
Với độc giả, câu chuyện trong sách giúp bạn hiểu thêm người làm sách để yêu (những quyển) sách - những tác phẩm họ dày công nhào nặn; với người làm sách, cuốn sách sẽ giúp bạn “yêu sách” bản thân mình hơn để không hổ thẹn với lòng, để xung quanh bàn làm việc là “ánh sáng” lấp lánh, ấm áp mà tri thức thật sự đem lại.■
(*): Tựa gốc tiếng Nhật Fune wo amu, tác giả: Miura Shion, dịch giả: Nguyễn Kim Hoàng, NXB Thế Giới & Sky Books, 2016).