Kinh tế

Đua giảm cước dịch vụ di động

TTO - Chỉ vừa được “thả nổi” từ ngày 1-6-2017, các nhà mạng đã đua nhau giảm giá cước dịch vụ chuyển vùng quốc tế (roaming). Cước điện thoại di động đang đứng trước xu hướng giảm tiếp.

Đua giảm cước dịch vụ di động

Các ứng dụng nhắn tin, điện thoại miễn phí được dùng ngày càng nhiều đang tạo áp lực giảm giá cước dịch vụ di động - Ảnh: Gía Tiến
Các ứng dụng nhắn tin, điện thoại miễn phí được dùng ngày càng nhiều đang tạo áp lực giảm giá cước dịch vụ di động - Ảnh: Gía Tiến

Được quyền tự chủ, tự đàm phán với các đối tác về giá cước dịch vụ chuyển vùng quốc tế, cuộc đua giảm cước “sốc” đã bắt đầu. Đã có nhà mạng không thu tiền thuê bao tháng với khách dùng cước di động trả sau.

Giảm 99% cước 
data roaming

Nhà mạng Viettel vừa công bố từ nay đến hết ngày 15-9-2017, tất cả thuê bao trả trước lẫn trả sau của nhà mạng này được hưởng giá cước dịch vụ dữ liệu chuyển vùng quốc tế (data roaming) tại Nhật Bản, Hàn Quốc và Úc với mức giảm tới... 99% so với hiện hành.

Cụ thể khi sử dụng dịch vụ data roaming tại các nhà mạng của Hàn Quốc (SKT, KTF), Nhật Bản (Softbank và NTT Domoco), Úc (Telstra), khách hàng của Viettel chỉ phải trả mức cước là 22 đồng/10KB. So với mức cước dữ liệu thông thường là 2.363 đồng/10KB (dành cho thuê bao trả trước), như vậy mức cước ưu đãi này đã giảm 99%.

Trước đó, với lợi thế sở hữu cả ba mạng di động tại ba nước khu vực Đông Dương là Viettel (Việt Nam) - Metfone (Campuchia) - Unitel (Lào), nhà mạng này đã áp dụng mức cước chuyển vùng quốc tế giữa ba nước tương đương như mức cước trong nước, kể từ đầu năm 2017.

Mức này đã giảm tới hơn 13 lần giá cước cuộc gọi quốc tế trong khu vực, giảm 160 lần giá cước dữ liệu, cước tin nhắn giảm gần 10 lần.

Với phạm vi rộng hơn Viettel, nhà mạng Vinaphone cũng vừa công bố giảm giá cước dịch vụ data roaming với mức giảm từ 20-80% so với giá cước hiện hành, áp dụng tại tất cả các quốc gia có đối tác của Vinaphone.

Theo bảng giá mới, cước data roaming của Vinaphone sẽ chỉ còn duy nhất một mức giá là 1.000 đồng/10KB thay vì chia thành 5 vùng với giá tăng dần cho các khu vực châu Âu, 
châu Mỹ...

Đại diện MobiFone chưa công bố cước roaming mới nhưng cho biết đang trong quá trình đàm phán để tung mức cước roaming cạnh tranh nhất.

Trước mắt, nhà mạng này tranh thủ “chạy trước” khi chủ động mở rộng giảm giá sang cước di động thông thường: tung ra gói cước trả sau mới hoàn toàn không tính phí thuê bao tháng (thuê bao trả sau của các mạng hiện đều phải trả trung bình 50.000 đồng/tháng).

Một số chuyên gia cho rằng không loại trừ một số loại cước di động sẽ tiếp tục giảm thêm. Ngay với cước data roaming, ông Hoàng Sơn - phó tổng giám đốc Viettel - tiết lộ “Viettel đang đàm phán với các mạng đối tác để có mức giá tốt nhất”.

Áp lực từ OTT

Việc các nhà mạng giảm giá sốc cước phí data roaming xuất phát từ chính sách thả nổi cước viễn thông của cơ quan quản lý nhà nước. Tuy nhiên, theo nhận định của nhiều chuyên gia, đây là hệ quả sau sự phổ biến của các ứng dụng OTT (các ứng dụng được cung cấp trên nền tảng Internet) như Facebook Messenger, Viber, Zalo... đang cho phép gọi điện, nhắn tin miễn phí, chỉ cần điện thoại kết nối Internet.

Ông Vũ Hoàng Liên, chủ tịch Hiệp hội Internet VN, cho rằng chi phí roaming đắt đỏ, nên người đi nước ngoài luôn tận dụng tối đa WiFi miễn phí (hoặc mua SIM dữ liệu 3G, 4G của nhà mạng nước ngoài) để sử dụng các dịch vụ OTT, gọi điện về nhà, thay vì roaming.

Nên chỉ cần được “trao quyền” từ cơ quan quản lý, các nhà mạng đã lập tức giảm giá rất nhanh. “Mục đích vừa giữ chân thuê bao tiếp tục roaming (thay vì tắt SIM) vừa kiếm doanh thu từ dịch vụ dữ liệu khi khách hàng sử dụng Internet trên sim 3G, 4G trong nước” - ông Liên nhận xét.

Chuyên gia marketing Huỳnh Thanh Phi cũng cho rằng hiện nay, phương án cạnh tranh gần như duy nhất của các nhà mạng với các OTT là giảm giá cước thoại và SMS.

Tuy nhiên, đây không phải là một giải pháp tốt, bởi lẽ WiFi miễn phí ở VN quá phổ biến và các OTT đã tạo thói quen sử dụng thường xuyên của người dùng. Ông Phi cho rằng đến một thời điểm nào đó, các nhà mạng sẽ phải đưa giá cước thoại và tin nhắn về gần bằng không và kiếm tiền chủ yếu nhờ cước dữ liệu.

Kỳ vọng nhà mạng giảm thêm cước

Thực tế gần như người dùng smartphone nào cũng cài ít nhất một ứng dụng OTT như: Facebook Messenger, Zalo hay Viber để nhắn tin gọi điện miễn phí (chỉ tốn cước dữ liệu, không phải trả phí từng phút gọi, từng tin nhắn).

Trong khi đó theo Cục Viễn thông, Bộ Thông tin - truyền thông, tính đến tháng 3-2017, Việt Nam có hơn 46 triệu thuê bao dùng 3G đang phát sinh cước.

Nhiều người tiêu dùng kỳ vọng giá cước viễn thông sẽ giảm thêm. Với đà tăng trưởng ngày càng mạnh của các ứng dụng OTT, cùng với đó là các điểm truy cập WiFi miễn phí ngày càng phổ biến, ông Trần Viết Quân, giám đốc Công ty Ứng dụng di động xanh (TP.HCM), nhận định sắp tới nhà mạng sẽ phải giảm cả cước cuộc gọi và nhắn tin...

ĐỨC THIỆN
Tuổi trẻ

      © 2021 FAP
        235,540       474