TTO - Năm nhà mạng cùng liên kết chống tin nhắn rác từ ngày 1-7-2017. Nhưng chặn cuộc gọi rác thì vẫn chưa có sự liên kết. Nếu chặn tin nhắn rác, có thể cuộc gọi rác sẽ tăng lên.
Dù người tiêu dùng bức xúc nhưng biện pháp xử lý cuộc gọi rác của các nhà mạng hiện vẫn chỉ ở mức khá sơ sài - Ảnh: Châu Anh |
Nếu không tăng hợp tác để chống cả cuộc gọi rác, người tiêu dùng vẫn cứ lãnh đủ.
Chung tay một phần
Ngay khi nhận được thông tin cả năm doanh nghiệp viễn thông di động tại Việt Nam đã ký cam kết phối hợp tăng cường ngăn chặn tin nhắn rác bằng công nghệ cao, chị Nguyễn Thanh Minh (Quán Thánh, Hà Nội) cho biết vui mừng vì thời gian qua quá khổ với các tin nhắn “không mời mà đến”.
Tuy nhiên, chị đặt câu hỏi: tại sao lại chỉ hợp tác chống tin nhắn rác, trong khi hoàn toàn có thể phối hợp chống luôn cuộc gọi rác? “Cuộc gọi rác mệt mỏi hơn tin nhắn rác rất nhiều, mức độ làm phiền cao hơn. Rất mong các nhà mạng cùng chung tay chống luôn cuộc gọi rác. Nhiều lúc gia đình tôi mất ngủ, nguy cơ tai nạn vì mấy cuộc gọi này” - chị Minh nói.
Anh Đức Tuấn (TP.HCM) cũng cho rằng cuộc gọi rác mới là đối tượng cần ưu tiên trong thời điểm hiện nay. Tin nhắn rác chỉ cần liếc qua, có thể không kiểm tra ngay. Còn cuộc gọi rác “tấn công” khiến người dùng mệt mỏi hơn. Anh đã cố gắng tìm hiểu, chặn những số gọi quảng cáo nhưng không xuể, chặn số này họ dùng số khác. Thậm chí vừa từ chối xong, mấy phút sau lại gọi. “Mình tức giận, họ bảo nhầm. Cũng tội các bạn trẻ thực hiện cuộc gọi rác, cũng chỉ vì mưu sinh. Nên chặn để ngăn từ đầu dịch vụ này” - anh Tuấn nói.
Thời gian qua, ngay khi từng nhà mạng tăng cường chặn tin nhắn rác, chúng đã biến tướng thành các “cuộc gọi rác”, trực tiếp quấy rầy khách hàng.
Theo đánh giá của một chuyên gia về viễn thông, tình trạng cuộc gọi rác có chiều hướng gia tăng do giá cước phí, nhất là cước phí nội mạng, không còn cao như trước.
Đại diện các nhà mạng cũng thừa nhận phàn nàn, khiếu nại của khách hàng về các cuộc gọi rác, chủ yếu là chào mời mua nhà đất, bảo hiểm, dịch vụ tài chính... là đúng thực tế.
Người dân cần tự bảo vệ mình
Ông Hoàng Sơn, phó tổng giám đốc Viettel, thừa nhận việc sàng lọc tin nhắn rác vẫn dựa trên một tiêu chí quan trọng là spam (nhắn tin hàng loạt số lượng lớn với cùng nội dung).
Trong khi trên thực tế hiện nay có nhiều tin nhắc rác chỉ được nhắn từ một số thuê bao này đến một số thuê bao khác.
“Những trường hợp này không gọi là tin nhắn rác và các nhà mạng vẫn không chặn được” - ông Nguyễn Khắc Lịch, phó giám đốc Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp máy tính Việt Nam (VNCERT), lưu ý.
Trong tình cảnh này, theo các chuyên gia, người dùng cần tự bảo vệ mình bằng cách cài đặt chế độ tiếp nhận cuộc gọi hay sử dụng các phần mềm sàng lọc cuộc gọi đến.
Ngoài ra, ông Nguyễn Khắc Lịch nhấn mạnh ngăn chặn tin nhắn rác đến cuộc gọi rác là một quá trình. Hiện cơ quan quản lý cùng các nhà mạng tập trung vào việc ngăn chặn tin nhắn rác, sau đó sẽ tiếp tục các biện pháp ngăn chặn cuộc gọi rác.
Cũng theo ông Lịch, chặn cuộc gọi rác khó nhưng không phải là không làm được. Nỗ lực xóa Sim kích hoạt sẵn sẽ góp phần hạn chế cuộc gọi rác quảng cáo, tiếp thị sai quy định.
Đại diện các nhà mạng cho biết có thể tiếp tục các biện pháp rà soát, căn cứ trên khiếu nại của khách hàng để xử lý cuộc gọi rác. Vì vậy, để góp phần chống tin nhắn, cuộc gọi rác, người tiêu dùng cũng nên tăng cường phản ảnh những số thuê bao rác.
Các nhà mạng luôn có lợi Dù người tiêu dùng bức xúc nhưng biện pháp xử lý cuộc gọi rác của các nhà mạng hiện vẫn chỉ ở mức khá sơ sài. Khi người dùng phản ảnh có cuộc gọi rác, nhà mạng thường tiếp nhận và tiếp tục... theo dõi. Nếu cuộc gọi rác ở dạng thuê bao mạng này gọi đến thuê bao mạng khác, người dùng chỉ còn biết “kêu trời” vì khó xử lý. Trong bối cảnh cuộc gọi rác phổ biến ở tất cả các nhà mạng hiện nay, ông Ngô Trần Vũ, giám đốc Công ty bảo mật NTS, cho rằng dù các vấn nạn ở mạng di động (tin nhắn rác, cuộc gọi rác, lừa đảo...) thế nào, nhà mạng vẫn luôn được hưởng lợi về doanh thu. Vì vậy, ông Vũ đề nghị việc quản lý, kiểm soát hoạt động của các nhà mạng cần phải được thực hiện quyết liệt hơn. Mức xử phạt phải thật sự răn đe. Ông Vũ đề xuất cơ quan quản lý nhà nước cần tăng khung hình phạt các đơn vị, cá nhân vi phạm khi dùng tin nhắn rác để kinh doanh, quảng bá dịch vụ. “Với cuộc gọi rác cũng cần có thêm quy định cụ thể và hình thức xử phạt đối với người gọi. Đã đến lúc các nhà mạng phải hợp tác chống cuộc gọi rác liên mạng, giống tin nhắn rác” - ông Vũ đề nghị. |