Kinh tế

“Nóng” cuộc đua dịch vụ 4G

TTO - Các nhà mạng đang chạy đua nước rút trước khi chính thức cung cấp đại trà các dịch vụ 4G cho thuê bao di động. Các hãng đều công bố giá cước 4G sẽ không đắt hơn cước 3G.

“Nóng” cuộc đua dịch vụ 4G 

Các nhà mạng đang khuyến khích thuê bao chuyển đổi sang SIM 4G để sử dụng các dịch vụ 4G - Ảnh: Đức Thiện
Các nhà mạng đang khuyến khích thuê bao chuyển đổi sang SIM 4G để sử dụng các dịch vụ 4G - Ảnh: Đức Thiện

Hiện tại, bên cạnh cuộc đua khuyến khích khách hàng chuyển đổi sang SIM 4G, các nhà mạng lớn đang chạy đua hoàn thiện hạ tầng mạng để sớm đưa dịch vụ 4G ra thị trường.

Các chuyên gia cho rằng nhà mạng sẽ tăng doanh thu không nhỏ nhờ gói cước mới.

Có thể ra mắt 4G 
cuối tháng này

Tính đến ngày 15-3-2017, nhà mạng Viettel cho biết đã lắp gần 18.000 trạm 4G, đưa công nghệ mới này hiện diện tại 704 quận, huyện trên toàn quốc, tương đương 99% tổng số quận, huyện của Việt Nam.

Tính ra, Viettel đã triển khai hạ tầng 4G tới gần 6.300 xã trên toàn quốc, trong đó có cả xã ở vùng sâu vùng xa, biên giới và hải đảo.

Đại diện Viettel cho biết dự kiến đến hết tháng 3-2017 sẽ nâng tổng số trạm 4G lên gần 28.000 trạm trên toàn quốc.

Đại diện VNPT - VinaPhone cũng thông tin đang khẩn trương hoàn thiện việc lắp đặt và chuẩn bị cơ sở hạ tầng để cung cấp dịch vụ 4G.

“Song song đó, chúng tôi triển khai dịch vụ thử nghiệm tại một số tỉnh, thành phố lớn. Dự kiến trong tháng 3 và 4 chính thức cung cấp tại Hà Nội, TP.HCM và 10 tỉnh, thành phố khác. Kế hoạch đến hết năm 2017 sẽ phủ sóng 4G trên toàn quốc” - đại diện VinaPhone nói.

Trong khi đó, MobiFone cho biết sẽ cung cấp các dịch vụ 4G cho khoảng 53/63 tỉnh, thành phố ngay trong giai đoạn cuối quý 1 và quý 2 năm nay, tập trung chủ yếu các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng...

Theo tìm hiểu của chúng tôi, nhiều khả năng các nhà mạng sẽ ra mắt dịch vụ 4G vào cuối tháng 3 hoặc đầu tháng 4.

Đẹp hơn, phí cao hơn

Các nhà mạng đều khẳng định mạng 4G với tốc độ cao hơn hẳn 3G sẽ giúp người dùng cảm nhận tốt hơn khi trải nghiệm bất kỳ dịch vụ nào trên Internet.

Tuy nhiên, nhiều người lại cho rằng 4G nhanh nhưng cũng làm nhanh hết gói dữ liệu đã mua, đồng nghĩa với 4G nhanh hơn nhưng tốn tiền hơn, nhà mạng sẽ thu lớn hơn.

Viettel cho biết “giá tiền tính trên 1GB dữ liệu của gói 4G sẽ rẻ hơn gói 3G và nhanh hơn”.

Đại diện VinaPhone cũng cho biết giá 4G của VinaPhone không cao hơn 3G nếu dùng cùng một dung lượng dữ liệu như nhau.

Cụ thể hơn, trả lời Tuổi Trẻ, đại diện MobiFone cho biết lưu lượng sử dụng sẽ phụ thuộc nhu cầu của người dùng.

Nếu người dùng vẫn giữ thói quen sử dụng như cũ (dịch vụ 3G trọn gói hiện nay) thì 4G sẽ mang lại trải nghiệm tốt hơn, nhưng không tốn thêm dung lượng.

Tất nhiên đối với các nội dung chất lượng cao, tiêu tốn nhiều dung lượng hơn (như xem video độ nét cao, không còn tình trạng giật hay đứng hình) thì người dùng phải trả phí nhiều hơn.

“Vì vậy chi phí sử dụng gói cước 4G sẽ tùy thuộc nhu cầu sử dụng dịch vụ của khách hàng” - đại diện MobiFone cho biết.

Theo phân tích của ông Thiều Phương Nam - tổng giám đốc Qualcomm tại Việt Nam, Lào và Campuchia, việc người dùng nhận thấy cước phí 4G cao hơn so với 3G là có.

Dù nhà mạng không tính cước phí cao hơn nhưng khi có 4G, các nội dung như video có dung lượng cao hơn, rõ nét hơn nên sẽ tiêu tốn nhiều dữ liệu hơn.

Đó cũng là mục đích của các nhà mạng: tăng doanh thu trên từng thuê bao khi chuyển sang 4G.

“Chính sách về cước phí tùy thuộc từng nhà mạng vì mỗi nhà mạng có chiến lược, chính sách kinh doanh khác nhau.

Nhà mạng muốn có nhiều thuê bao ngay thì giá sẽ hợp lý; nhà mạng tập trung vào đối tượng khách hàng cao cấp có thể có mức cước cao hơn, nhưng tập trung vào nhiều sự ưu tiên khác biệt khác” - ông Nam chia sẻ.

Băn khoăn của 
người dùng

Đã trải nghiệm dịch vụ 3G với sóng 4G, chị Thu Uyên (sinh viên Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM) cho biết ngày đầu sử dụng chất lượng tốt.

Nhưng khi hết dung lượng khuyến mãi thì rất chậm. Không biết sau này 4G có thật sự tốt hơn 3G nhiều không, chị Uyên kỳ vọng phải có sự phân biệt rạch ròi giữa 3G với 4G về tốc độ truy cập.

Anh Huy Hùng (kinh doanh, quận 10) cho rằng dịch vụ 4G sẽ tập trung nhiều vào dữ liệu, do đó anh mong các nhà mạng sẽ có cơ chế tính cước phí minh bạch, theo hướng người dùng có thể đối chiếu, kiểm tra dữ liệu và cước phí đã dùng tiện lợi nhất.

Bên cạnh đó, nên có nhiều gói cước linh động cho nhiều đối tượng sử dụng khác nhau để người dùng dễ dàng lựa chọn hoặc chuyển đổi.

Trong khi đó, nhiều dịch vụ, ứng dụng đang được chuẩn bị để đưa ra khi mạng 4G ra mắt. Từ đầu tháng 4-2017, Hà Nội sẽ bắt đầu thí điểm cung cấp thông tin cho người dân qua mạng 4G.

Đó là các thông tin quan trắc môi trường như: chất lượng không khí, chất lượng nước, lượng mưa, bản đồ ngập úng...

Về lý thuyết, so với dịch vụ 3G thì mạng 4G sẽ có tốc độ đường truyền nhanh vượt trội, do đó các doanh nghiệp đã chuẩn bị thêm nhiều dịch vụ như: truyền hình trực tiếp, video theo yêu cầu có chất lượng hình ảnh cao...

Việc trải nghiệm mua sắm trực tuyến cũng sẽ tốt hơn bởi hình ảnh, video minh họa thực tế hơn. Bên cạnh đó sẽ có thêm các dịch vụ mới như thực tế ảo, cầu truyền hình...

Đại diện VinaPhone cho biết đã khảo sát và thấy rằng nhu cầu sử dụng các dịch vụ trên nền tảng video như xem phim, nghe nhạc... là rất lớn.

Trên cơ sở đó, nhà mạng này cho biết “sẽ tập trung cung cấp các gói dữ liệu dung lượng cao, tích hợp với các dịch vụ xem phim, video.

Đại diện MobiFone và Viettel cũng cho biết sẽ tập trung vào các dịch vụ ưu thế của mạng 4G như video, xem truyền hình trực tuyến...

Người tiêu dùng như vậy sẽ có thêm nhiều tiện ích, cơ hội giải trí. Tuy nhiên nếu không kiểm soát tốt dung lượng sử dụng, số tiền phải trả cho các nhà mạng gần như chắc chắn 
cao hơn.

4G có gì khác?

4G là mạng không dây thế hệ thứ 4, với khả năng truyền tải lý tưởng theo lý thuyết có thể đạt đến 1 - 1.5 Gbps.

Tuy nhiên, thực tế hiện nay vẫn chưa có thiết bị mạng nào đạt được đến tốc độ này. 4G mà các nhà mạng hiện nay đang cung cấp là 4G LTE - hiểu nôm na là gần đạt đến chuẩn 4G.

Khi ra mắt mạng 4G, các nhà mạng VN đều đã có những công bố thử nghiệm tốc độ truyền tải có thể đạt đến 200 - 250 Mbps.

Thực tế, tốc độ 4G mà nhiều người dùng đo được hiện nay phổ biến trong khoảng 20 - 30 Mbps.

Trong khi đó, tốc độ truy cập 3G trên thực tế hiện nay trung bình chỉ đạt 3 - 5 Mbps. Tại một số vị trí ít người dùng có thể đạt 30 - 60 Mbps, tức gấp khoảng 10 lần 3G.

Gói 3G sẽ không bị chậm hơn?

Nhiều người dùng lo ngại khi có dịch vụ 4G, các nhà mạng sẽ dùng chiêu làm chậm tốc độ gói 3G để ép khéo người dùng chuyển sang 4G.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, cả ba nhà mạng Viettel, MobiFone, VinaPhone đều cho biết sẽ không có chuyện ép khéo người dùng.

Đại diện VinaPhone cho biết: “Tùy vào nhu cầu sử dụng mà khách hàng có thể lựa chọn dùng 3G hay 4G, chắc chắn không có việc ép tốc độ chậm đi”.

Đại diện Viettel cũng cho hay: “Nếu không muốn dùng 4G, bạn có thể chọn chuyển về chế độ 3G. 4G và 3G là hai hạ tầng khác nhau, do vậy sẽ không có trường hợp bị ép tốc độ chậm đi”.

ĐỨC THIỆN, ducthien@tuoitre.com.vn
Tuổi trẻ

      © 2021 FAP
        235,706       250